Tin trong tỉnh

Nghệ An: Dân kêu cứu đất ở hơn 30 năm nay có nguy cơ mất trắng?

Sinh sống, làm ăn ổn định hơn 30 năm nay, mới đây nhiều hộ dân thuộc xóm chợ Mơ, xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu - Nghệ An) bất ngờ nhận được thông báo, quyết định cưỡng chế để giải tỏa hành lang.

Nguồn cơn

Thời gian qua, tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được đơn phản ánh của ông Đào Duy Vinh là thương binh nặng 4/4, cùng nhiều hộ dân ở xóm chợ Mơ, thuộc xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An về việc bất ngờ nhận được thông báo của UBND xã yêu cầu các gia đình phải tự tháo dỡ nhà, ốt để giải tỏa hành lang. Đồng thời ra quyết định cưỡng chế nhà của ông Vinh cùng với 10 hộ dân đã sinh sống ổn định, liên tục từ năm 1987 đến nay.

Ông Đào Duy Vinh - Thương binh 4/4 kêu cứu khi mảnh đất sinh sống hơn 30 năm có nguy cơ bị mất trắng.

Để tìm hiểu rõ nguồn cơn sự việc, PV đã về tại nhà ông Đào Duy Vinh thuộc xóm chợ Mơ thì được ông Vinh và một số hộ dân nơi đây trình bày sự việc: “Năm 1987 đến năm 1993, gia đình tôi và một số hộ dân được UBND xã Quỳnh Lương cấp, bán đất để làm nhà, quán bàn hàng, mỗi thửa đất có diện tích khoảng 50m2; giá mỗi lô 500.000đ, trong phiếu thu tiền ghi rõ (nạp tiền lệ phí cắt đất làm quán). Tất cả các lô đất này đều bám hai bên tuyến đường 537B. Sau khi được cấp, bán đất chúng tôi đã làm nhà, ốt quán lên buôn bán và sinh sống ổn định, liên tục từ đó cho đến nay.

Năm 1996, đường 537B được quy hoạch mở rộng và cắm mốc lộ giới hành lang thì tất cả các quán ốt này nằm trong lộ giới giao thông. Năm 1997, lợi dụng từ thiếu hiểu biết pháp luật của người dân, UBND xã mời các hộ dân lên thông báo hiện nay toàn bộ diện tích các ốt đã nằm trong lộ giới.

Do vậy, UBND xã sẽ làm hợp đồng cho các hộ thuê trong thời hạn là 20 năm để đảm bảo quyền lợi cho dân, còn nếu các hộ không thống nhất thì UBND xã sẽ giải tỏa, thu hồi đất và trả lại số tiền đã nạp.

Năm 2004 sau khi bị dân tố cáo việc UBND xã ký hợp đồng cho thuê đất kinh doanh trái thẩm quyền. Ngày 02/8/2004, UBND huyện Quỳnh Lưu đã ra Quyết định số 881/QĐ-UBND hủy bỏ và thu hồi toàn bộ hợp đồng thuê đất mà UBND xã đã ký với dân năm 1997 và giao cho UBND xã hoàn trả lại số tiền các hộ đã nạp trước đó.

Phiếu thu của UBND xã Quỳnh Thuận với nội dung nạp tiền lệ phí cắt đất làm quán.

Tuy nhiên, Quyết định này lại bị UBND xã giấu biệt không thông báo cho dân biết, mãi đến năm 2018, khi hai hộ dân là ông Hồ Thân Nga và ông Hồ Tự Long làm đơn khiếu nại về việc không có đường đi vào đất ở lối sau của họ thì sự việc mới phơi bày.

Để che giấu những sai phạm trước đó và lấy đường đi cho hai hộ phía sau là người thân ông Tuệ - chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương. UBND xã đã tạo dựng lên 11 bộ hồ sơ giả gồm: Biên bản xác nhận vi phạm, sơ họa công trình vi phạm, biên bản bàn giao vụ việc vi phạm.

Đặc biệt nghiêm trọng hơn là ra một thông báo khống chỉ của hạt giao thông Quỳnh Lưu do bà Nguyễn Thị Liên hạt trưởng ký để ép các hộ dân phải giải tỏa, việc làm gian dối này đã bị hạt trưởng hạt giao thông lập biên bản thống nhất ngày 31/11/2018 và hủy toàn bộ hồ sơ mà UBND xã Quỳnh Lương đã lập ngày 22/8/2018. Các gia đình nói trên đã sinh sống trước thời điểm cắm mốc hành lang tỉnh lộ 537B.

Vì vậy, mẫu hồ sơ hiện tại đã lập ngày 22/8/2018 là không phù hợp với các công trình đã xây dựng trước đây mà chỉ áp dụng cho các công trình đang xây dựng”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tuệ - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương cho biết: “Bản thân tôi là người kế thừa vụ việc, nhưng căn cứ theo hồ sơ năm 1997, UBND xã đã cho 32 hộ dân thuê đất để làm ốt quán với thời gian là 20 năm.

Đến nay thời hạn đã hết, UBND xã đã ra thông báo cho các hộ dân phải tự giác tháo dỡ, trả lại mặt bằng cho tập thể để giải phóng hành lang ATGT trên địa bàn toàn xã nhưng các hộ phản đối không thực hiện buộc UBND xã phải ra quyết định cưỡng chế.

Trong quá trình thực thi cưỡng chế các hộ dân đã có đơn khiếu nại, tố cáo gửi đi khắp nơi nên UBND huyện yêu cầu tạm dừng lại để giải quyết".

Nguồn gốc sử dụng đất ra sao?

Trong báo cáo của Chủ tịch UBND xã số 84/BC-UBND ngày 12/10/2018 đã nêu rõ: Theo xác minh thời gian nguồn gốc các hộ làm nhà, ốt kinh doanh đều sử dụng từ năm 1987 đến trước năm 1993.

Như vậy hợp đồng thuê đất năm 1997 là sau thời điểm dân đã sử dụng hơn 10 năm. Hơn nữa, về hợp đồng này UBND huyện cũng đã ra quyết định số 881/QĐ-UB ND hủy bỏ toàn bộ các hợp đồng mà UBND xã Quỳnh Lương đã ký năm 1997.

Nhưng ông Tuệ lại dùng hợp đồng này để giải quyết với dân là không đúng. Điều phi lý ở đây là quyết định tháo dỡ, cưỡng chế nhà, ốt quán để giải tỏa hành lang ATGT.

Trước đó UBND xã lại xây hai dãy ki-ôt lên cho các hộ thuê kinh doanh, trong 32 hộ có danh sách phải giải tỏa thì trong đó có 21 hộ được thuê lại của UBND xã với giá cáo hơn, còn 11 hộ thì buộc phải giải tỏa.

Việc làm của UBND xã Quỳnh Lương ở đây là toàn bộ hai dãy kí ốt xã xây dựng này đều nằm cùng mặt phẳng song song với 11 ốt, nhà mà UBND xã đang cưỡng chế, tháo dỡ. Người dân nơi đây đang đặt câu hỏi?

Ông Tuệ giải tỏa kiểu “răng lược” như vậy liệu có điều gì mờ ám trong việc này không? Nếu giải tỏa hành lang ATGT thì phải giải tỏa từ đầu tuyến đến cuối, tại sao lại giải tỏa có 11 hộ còn hàng trăm hộ khác đang vi phạm thì lại không giải tỏa?.

Ông Đào Duy Vinh là một thương binh hạng 4/4 chia sẻ: “Năm 1976 khi ông bị thương nặng chuyển về trung tâm an dưỡng Nghệ An thì ông có về mua mảnh đất hiện ông đang sinh sống.

Đến năm 1987 ông xin về địa phương cùng gia đình rồi xây cái ốt trước nhà để bán chè nước, do mảnh đất của ông sát với đất Bưu điện huyện nên năm 1988 xã xin ông nhường lại cho Bưu điện phần ốt quán và cấp cho ông mảnh đất mà hiện nay bị cưỡng chế. Trong khi Dự án thì chưa có mà không bàn bạc thống nhất với gia đình tôi là vô lý".

Ông Vinh nói thêm: "Nếu khi Nhà nước mở đường thật thì chúng tôi sẵn sàng tự tháo dỡ, còn nếu chính quyền vì hai gia đình người thân mà cưỡng chế chúng tôi để lấy đường đi thì chúng tôi sẽ kêu lên tận Trung ương để giải quyết”.

Quyết định của UBND huyện Quỳnh Lưu về việc xử lý đơn của công dân xã Quỳnh Lương.

Còn hộ ông Hồ Tiến Yên thì phản đối việc UBND xã Quỳnh Lương ban hành Quyết định số 105/QĐ-KPHQ ngày 23/10/2018 và Quyết định số 120/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 là trái với quy định pháp luật vì: Hai quyết định này không đúng với Báo cáo số 84/BC-UBND ngày 12/10/2018. Năm 1996 đường 537B mới cắm mốc lộ giới, như vậy gần 11 năm sau khi sử dụng nhà nước mới cắm mốc, hơn nữa việc mốc cắm lúc nào chúng tôi cũng không hề biết.

"Tôi cho rằng đất, nhà của chúng tôi đã sử dụng ổn định trước 15/10/1993, nếu nhà nước thu hồi, buộc tháo dỡ thì phải lập phương án bồi thường, ra Quyết định thu hồi đúng theo quy định của pháp luật chứ không thể vì một việc cá nhân, lợi ích nhóm mà làm càn như vậy được", Ông Yên bức xúc nói.

Tác giả: Văn Phú

Nguồn tin: moitruongvadothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP