Tin trong tỉnh

Nghệ An: Dự án tái định cư cao tốc “vô tư” tiêu thụ “đất lậu”?

Mặc dù theo dự toán đất đắp được mua từ mỏ được cấp phép để thi công công trình hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư xã Diễn Cát (huyện Diễn Châu – Nghệ An) nhưng nhà thầu lại vô tư tiêu thụ “đất lậu"?

Theo tìm hiểu được biết, ngày 22/5/2020, ông Tăng Văn Luyện - Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) đã ký Quyết định 1677/ QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật khu tái định cư và giao đất ở tại xã Diễn Cát (huyện Diễn Châu – Nghệ An), phục vụ GPMB dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt.

Với mục đích xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho khu tái định cư và giao đất ở, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho các hộ dân di dời tái định cư và các hộ dân được bồi thường bằng việc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất từ các dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Dự án này khởi công vào trung tuần tháng 8/2020 và dự kiến hoàn thành sau 3 tháng, công trình do UBND huyện Diễn Châu làm chủ đầu tư, liên danh Công ty TNHH xây dựng Hoàng Sơn – Công ty cổ phần tập đoàn TVN thi công; Công ty cổ phần TAM giám sát. Công trình có tổng đầu tư gần 15 tỷ đồng.

Đất trộn lẫn nhiều đá liệu chất lượng có đảm bảo?

Theo quy hoạch và dự toán ban đầu, dự án sử dụng đất đắp lấy tại mỏ Lèn Dơi, thuộc xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, khi duyệt hồ sơ đấu thầu thì phòng tài chính kế hoạch huyện không yêu cầu phải lấy mỏ đất cụ thể nào.

Thế nhưng, vào những ngày đầu tháng 9/2020, khi có mặt tại công trình, PV tiếp nhận thực tế hoàn toàn khác. Theo đó, các xe đất san lấp cho công trình đều được khai thác từ nhiều điểm ở các xã của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Sau đó vận chuyển ra QL 7, hướng về thị trấn Diễn Châu rồi đổ trực tiếp vào chân công trình thuộc xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu.

Nguồn gốc đất không rõ ràng liệu có ảnh hưởng đến chất lượng công trình?

Theo ghi nhận của PV, trong quá trình thi công dự án này đã bộc lộ nhiều bất cập, khi nhà thầu cố tình bỏ qua địa điểm được cơ quan chức năng khảo sát trước đó. Sử dụng đất đắp nền từ nhiều địa điểm khai thác, hoặc lấy đất tận thu tại dự án khác để phục vụ công trình mà không quan tâm đến chất lượng.

Theo ông Nguyễn Văn Tình – cán bộ phòng Kinh tế hạ tầng huyện Diễn Châu cho biết: Diện tích của khu tái định cư này khoảng 2 ha. Hạng mục chủ yếu là san lấp mặt bằng, làm đường và mương thoát nước. Phần đất đắp san nền yêu cầu đất đầm chặt K90; Phần đất đắp cho đường giao thông yêu cầu đầm chặt K95. Chủ đầu tư đã ký hợp đồng với đơn vị Ban quản lý dự án của huyện để ban quản lý về chất lượng công trình. Việc hiện nay, nguồn gốc đất được lấy ở đâu, có đảm bảo yêu cầu kỹ thuật hay không sẽ thuộc về trách nhiệm của ban quản lý.

Xe cơi nới, chở vượt thùng tại công trường.

Bà H- một người dân sống gần đó chia sẻ: “Xe chở đất san lấp chạy cả ngày, bụi bay mù mịt. Đường thì nhỏ mà xe thì to lại chở quá thành thùng nên rơi vãi, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người dân. Nhất là mấy hôm nay, các cháu học sinh đi học trở lại thì lại càng nguy hiểm. Nếu cứ chở như thế này, con đường vào trung tâm xã vừa được làm lại sẽ sớm hư hỏng”.

Trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Xuân Huy – Chủ tịch UBND xã Diễn Cát được biết: “Việc đơn vị thi công san lấp mặt bằng sử dụng xe trọng tải lớn là có. Chúng tôi đã gọi hai đơn vị thi công lên để ký cam kết đồng thời giao cho công an xử lý nếu cố tình vi phạm. Chúng tôi cũng sợ hư đường không có đường cho dân đi. Tuy nhiên cũng không thể triệt để được”.

Những ngày có mặt tại công trình, PV tiếp tục ghi nhận hàng loạt xe tải lớn nối đuôi nhau chở đất để đắp tại dự án nêu trên.

Một phần dự án đang được triển khai.

“Riêng đối với chủ đầu tư, chúng tôi chỉ quản lý tại công trình. Nghĩa là chúng tôi kiểm tra cứ đạt yêu cầu là được. Còn việc nguồn gốc đất thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại. Còn xe chở đất vào công trình quy định trọng tải 7 tấn trên một trục xe”, ông Tình cho biết thêm.

Theo thông tin được biết, khối lượng đất đã đổ đắp phục vụ cho dự án khoảng 19.000 m3. Vậy, nếu sử dụng “đất lậu” nói trên liệu có hóa đơn hay không, chất lượng đất thế nào, vì sao chủ đầu tư kiểm tra kỹ thuật lại không phát hiện ra các loại đất khác nhau như vậy? Câu hỏi này xin dành cho lãnh đạo UBND huyện Diễn Châu (Nghệ An).

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP