Giáo dục

Bộ GD-ĐT lý giải việc sử dụng khoản vay 16 triệu USD để biên soạn sách giáo khoa

Trong khoảng 77 triệu USD vốn vay ODA, có hơn 16 triệu USD để biên soạn 1 bộ sách giáo khoa. Đến tháng 5, Bộ GD&ĐT báo cáo không thực hiện được việc này khiến dư luận đặt ra nhiều thắc mắc.

Theo Vietnamnet, kinh phí đầu tư cho dự án Đổi mới giáo dục phổ thông khoảng 80 triệu USD (tính theo tỷ giá hiện hành khoảng 1.800 tỷ đồng). Trong đó, 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng.

Dự án được phê duyệt năm 2015, có hiệu lực từ ngày 8/8/2016 và kết thúc vào năm 2020. Trong số này, khoản 16 triệu USD được thiết kế để bộ GD-ĐT tổ chức thực hiện biên soạn bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, đến tháng 5, bộ GD-ĐT báo cáo không thực hiện việc này. Nhiều người đặt câu hỏi vậy 16 triệu USD này dùng để làm gì nếu không trả lại?

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Giáo dục trung học, bộ GD-ĐT. Ảnh: Vnexpress.

Trả lời phỏng vấn báo Vnexpress về việc tại sao không thực hiện bộ sách giáo khoa mà không trả lại 16 triệu USD, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Giáo dục trung học, bộ GD-ĐT cho biết: “Để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, ngoài biên soạn sách giáo khoa còn một loạt công việc như: biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; tổ chức bồi dưỡng khoảng một triệu giáo viên, cán bộ quản lý; mua sách giáo khoa cho thư viện trường phổ thông vùng khó khăn để học sinh được mượn sách học, đảm bảo quyền học tập công bằng... Thực hiện các việc này cần nguồn kinh phí lớn hơn nhiều, ngoài ngân sách nhà nước rất cần các nguồn xã hội hóa.

Nếu không tái cơ cấu để sử dụng nguồn vốn vay 16 triệu USD, bộ GD-ĐT vẫn phải dùng ngân sách để chi cho các việc cần thiết trên. Vì vậy, bộ đang đàm phán với WB tái phân bổ nguồn kinh phí thiết kế cho biên soạn sách giáo khoa vào các hợp phần trong khuôn khổ dự án”.

Sách Đạo đức và Tiếng Việt 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Vnexpress.

Khi được hỏi, việc không trả lại 16 triệu USD có khác nào việc Bộ đang “thừa giấy vẽ voi", ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ với báo Dân Trí rằng: “Khi thiết kế dự án, các cấu phần đã được tính toán kĩ trong khuôn khổ nguồn vốn vay theo thỏa thuận nhưng so với nhu cầu thì còn thiếu nhiều.

Nếu không tái cấu trúc mà trả lại, nghĩa là trả về ngân sách nhưng sau đó, lại vẫn phải dùng ngân sách để chi cho một loạt các hoạt động sau này như mua sách hỗ trợ cho đối tượng chính sách được mượn, bồi dưỡng giáo viên…

Do đó, dùng số tiền này để phân bổ lại trong khuôn khổ của dự án để bảo đảm mục tiêu của dự án sẽ tốt hơn cho giai đoạn đầu triển khai thực hiện chương trình mới.

Thí dụ, trước đây, việc mua sách cho vùng khó được chi với khoản 4,5 triệu đô. Theo tính toán, số tiền này chỉ mua sách lớp 1 đã chiếm phần lớn và chỉ còn lại một phần nhỏ để mua sách lớp 2 cho năm tiếp theo. Tuy nhiên, khi dư một phần trong khoản vay 16 triệu đô, dự án có thể đề nghị trang bị thêm sách giáo khoa cho thư viện vùng khó khăn từ lớp 1,2, và lớp 6.

Điều này phù hợp với mục tiêu dự án cũng như yêu cầu bộ đặt ra: Ưu tiên hỗ trợ triển khai chương trình mới và vùng đặc biệt vùng khó khăn.”

Tác giả: Thanh Tùng

Nguồn tin: Báo Đời sống & Pháp luật

  Từ khóa: Bộ GD-ĐT , Sách giáo khoa

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP