Tin trong tỉnh

Nghệ An: Nhiều bất cập tại Dự án "khẩn cấp" khu tái định cư làng chài

Được gọi là dự án “khẩn cấp” dự kiến hoàn thành trong vòng 3 năm, thế nhưng đến nay đã 7 năm trôi qua, dự án hiện vẫn mới chỉ đang ở giai đoạn san lấp mặt bằng và bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Theo QĐ số 5476 /QĐ-UBND ngày 19/11/2013 của UBND tỉnh Nghệ An quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng cơ sở khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai xã Hưng Hòa (TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Sau đó khoảng 1 năm thì các thủ tục để lựa chọn đơn vị thi công công trình cũng được tiến hành xong. Đơn vị được lựa chọn là Công ty tư vấn và xây dựng Phú Minh (có địa chỉ tại thành phố Vinh – Nghệ An).

Tổng giá trị đầu tư thời điểm phê duyệt gần 37 tỷ đồng. Dự án được giao cho Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) làm chủ đầu tư, dự kiến sau 3 năm sẽ hoàn thành. Mục đích là để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai tại xã Hưng Hòa, 58 hộ dân xóm Hòa Lam sẽ được tái định cư tại xóm Phong Thuận 2 nằm trong đê.

Đây là dự án “khẩn cấp” di dời người dân ra khỏi vùng thiên tai. Tuy nhiên, đã 7 năm trôi qua, người dân vẫn nơm nớp sống bên bờ sông mỗi khi mùa lũ về.

Bà M – một người dân sinh sống tại xóm cho biết: “Bản thân tôi đã gần 70 tuổi, đã từng chứng kiến nhiều trận lũ và rất mong muốn dự án nhanh chóng hoàn thành để có thể di dời. Thế nhưng, thời gian qua, dự án vẫn đang dậm chân tại chỗ…”.

Khu tái định cư đang triển khai theo tiến độ rùa bò tại xã Hưng Hòa.

Dự án di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng thiên tai này được giao cho Chi cục Phát triển nông thôn - Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư. Lý giải về sự chậm trễ này, ông Lê Văn Lương - Chi cục trưởng cho rằng, do hai nguyên nhân chính là vốn cấp chậm và chưa có mặt bằng “sạch” để triển khai. Hiện tại vẫn đang tiếp tục công tác giải phóng mặt bằng, một phần đã giải phóng xong thì tiến hành thi công luôn để cho kịp tiến độ.

Đồng thời, trong quá trình thi công, tại thời điểm chúng tôi có mặt để xác minh ý kiến của người dân về một số vấn đề nghi vấn chất lượng công trình thì đơn vị thi công đang san lấp mặt bằng. Phương tiện vận chuyển vật liệu cát và đất phục vụ công trình gây ảnh hưởng nhiều đến giao thông cũng như môi trường của những hộ dân sống gần đó.

Mặc dù công trình thi công tại vị trí có lưu lượng mật độ giao thông tương đối đông nhưng rất hạn chế biển cảnh báo. Phần diện tích đang thi công được bóc phong hóa sơ sài.

Ông Nguyễn Cảnh Dương – kỹ thuật đại diện chủ đầu tư cho biết: “Tổng diện tích của dự án khoảng 2,5 ha. Đến nay đã giải phóng được 1,9 ha và hiện đang tiến hành thi công”.

Khi PV đặt câu hỏi về khối lượng đất phong hóa được đưa đi đâu và nguồn gốc đất đắp phục vụ công trình được lấy ở đâu thì ông Dương cho biết: “Khối lượng đất phong hóa khoảng 3500m3, thiết kế tại bãi thải của xã Hưng Hòa, cụ thể ở đâu thì tôi chưa nắm được. Còn đất đắp thiết kế tại mỏ thuộc xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) nhưng giờ hình như mỏ đã đóng cửa nên bây giờ đơn vị thi công lấy ở đâu thì phải xem lại. Mong báo chí thông cảm vì công trình được phê duyệt lâu rồi, vướng mắc nhiều thứ, bây giờ mới triển khai lại”.

Như vậy sau 7 năm triển khai, chủ đầu tư mới triển khai đến giai đoạn đổ đất, san nền. Điều đó có nghĩa là trong năm nay, người dân thuộc diện di dân của xã Hưng Hòa vẫn chưa thể di dời tới nơi ở mới mà vẫn tiếp tục sống nơm nớp bên bờ sông, đối mặt với nguy cơ mất an toàn, nhất là vào mùa mưa lũ sắp tới.

Khu tái định cư hoang vắng tại xã Xuân Lam.

Mặt khác, tại huyện Hưng Nguyên có 1 dự án tại xã Xuân Lam (trước đây là xã Hưng Lam) với quy mô 100 hộ hiện cũng đang đầu tư hạ tầng, chưa thực hiện bố trí tái định cư.

Dự án này thuộc diện di dân khẩn cấp vùng thiên tai, sạt lở đất; Dự án bố trí dân cư vùng biên giới và dự án bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn do sở Nông Nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư, được triển khai từ năm 2014 và đến nay vẫn đang dang dở. Phần hạ tầng đã triển khai giữa chừng bây giờ thành bãi đất để chăn trâu, chăn bò. Hệ thống hạ tầng đã đầu tư ngày đêm phơi sương, phơi nắng vừa gây phản cảm và hoang phí. Trái ngược với mong muốn của bà con là có nơi ổn định để di dời tái định cư cho an cư lạc nghiệp.

Thiết nghĩ, đại diện chủ đầu tư là Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An cũng như UBND tỉnh cần có những giải pháp mạnh tay để nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng các khu tái định cư, nhanh chóng di dân theo đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Tác giả: Hiền Mai

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP