Kinh tế

Nghệ An: Phân lô bán nền ở lòng đập Đồng Bù có hợp lòng dân?

Xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc lấy một phần diện tích lòng đập Đồng Bù, san lấp phân thành 14 lô đất nền và đang dự định tổ chức bán đầu giá không được sự ủng hộ của Chi bộ Đảng cơ sở.

Quy hoạch sử dụng đất có được lấy ý kiến dân cư địa phương?

Đập Đồng Bù là một hồ tự nhiên, có nhiều giá trị về thủy lợi cung cấp nước cho cả trăm hecta ruộng, chăn nuôi gia súc, chống lũ lụt bên cạnh giá trị tinh thần với người dân địa phương. Ngay trong năm 2017, chúng tôi có tài liệu là danh sách các hộ được hỗ trợ tiền về thiệt hại do mưa lũ lụt gây ra vụ đông năm 2016 và các ngày 09-10/10/2017 của xóm 6 xã Nghi Lâm. Với việc hình thành nên khu dân cư mới trong đó lấn chiếm lòng đập Đồng Bù thì ngoài những giá trị bị mất đi thì còn gây nên hậu quả ô nhiễm môi trường.

Hiện tại máy múc đang thi công đắp đất lòng đập Đồng Bù nơi thông báo chia lô bán nền.

Tại điều 35 Luật Đê điều 2013 quy định về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch có nội dung: “4. Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu. 5. Bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. 6. Dân chủ và công khai.”. Điều 44 của Luật Đê điều 2013 quy định về thẩm định quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và trong nội dung thẩm định phải có nội dung đánh giá về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Chúng tôi không rõ các cơ quan, đơn vị khi lập quy hoạch đã tính toán tới các yêu cầu bắt buộc này của Luật Đất đai hay chưa, trong hồ sơ có tài liệu xử lý vấn đề này hay không. (?)

Qua hỏi thăm những người dân ở các xóm trong khu vực, không người dân được hỏi nào biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thể hiện trong Quyết định số 898/QĐ-UBND ngày 30/05/2014 của UBND huyện Nghi Lộc về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 kỳ đầu (2011 - 2015) xã Nghi Lâm.

Trong khi đó việc lấy ý kiến người dân là bắt buộc theo như quy định tại Điều 43 Luật Đê điều 2013 và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 8 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hồ sơ lấy ý kiến người dân, cách thức lấy ý kiến: “1. Hồ sơ lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện gồm: a) Báo cáo tóm tắt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó có các chỉ tiêu sử dụng đất, danh mục dự án, công trình dự kiến thực hiện trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; b) Bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”. Và các tài liệu thể hiện thủ tục bắt buộc này đều phải được lưu trữ, UBND huyện Nghi Lộc liệu có chứng minh được các thủ tục bắt buộc này?

Đồng thời với việc công khai, lấy ý kiến người dân thì sau khi quy hoạch kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt thì cũng phải được công khai theo quy định tại Điều 48 Luật Đất đai 2013. Câu hỏi đặt ra, tại sao Quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt từ lâu mà những người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp của quy hoạch lại không được biết?

Liệu có quy hoạch phân lô đất ở trên mặt nước đập Đồng Bù có đúng quy định?

Căn cứ vào Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói trên, UBND huyện Nghi Lộc đã có Quyết định số 1591/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt Quy hoạch chia lô đất ở tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An”.Chủ đầu tư lập Đồ án là UBND xã Nghi Lâm. Tuy nhiên, một lần nữa, lại không một người dân nào được hỏi có thể biết về Quy hoạch chia lô đất này.(?). Vậy quyền tham gia góp ý kiến, giám sát cũng như nghĩa vụ giải trình của cơ quan có thẩm quyền đã được quy định rõ tại Mục 2, Chương 2 Luật Quy hoạch đô thị có được áp dụng?.

Bản Quy hoạch rất sơ sài không có mốc Quy hoạch do Công ty tư vấn Khánh Bình và ông Nguyễn Tiến Dũng đại diện cho UBND huyện Nghi Lộc ký tên đóng dấu.

Ngày 20/7/2012 UNBD tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 46/2012/QĐ-UBND “Ban hành quy định về phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi” nêu rõ tại Điều 4.Quy định về cắm mốc chỉ giới phạm vi vùng phụ cận công trình trủy lợi: Đối với đập cấp II trở lên của hồ chứa nước: khoảng cách của 2 mốc kề nhau là 20m (đập gần khu dân cư tập trung sau hạ lưu) và 50m ( đập không gần khu dân cư sau hạ lưu đập); Đối với các đập cấp III,IV,V khoảng cách 2 mốc liền kề là 50m(đập gần khu dân cư tập trung sau hạ lưu đập) và 80m (đập không gần khu dân cư sau hạ lưu đập)…Điều 5. Nghiêm cấm các hành vi sau đây: 1) Lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; các hoạt động cản trở đến việc quản lý, tu sửa và xử lý công trình khi có sự cố. 6) Đối với lòng hồ của các hồ chứa nước: Cấm xây dựng nhà ở, khu dân cư, xây dựng các chuồng trại căn nuôi,đào đắp bờ ao nuôi trồng thủy sản, chon lấp phế thải, chất nổ, nổ mìn và các hoạt động gây hại khác.

Công ty Tư vấn trong việc lập Quy hoạch phân lô này là Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Khánh Bình có địa chỉ tại xóm 5, Xã Quỳnh Hồng, Huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An với ngành nghề chính kinh doanh là Hoạt động tư vấn quản lý (M70200). Tuy nhiên, Ngày 05/11, nhóm phóng viên có buổi làm việc với UBND xã Nghi Lâm và 02 Công chức địa chính cho biết: “Hiện nay, chúng tôi không liên lạc được với công ty này để trả mốc quy hoạch”.

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 10 Luật Quy hoạch đô thị 2009 và được hướng dẫn chi tiết tại Mục 1, Chương 2, Nghị định 37/2010/NĐ-CP và được thay thế bởi Khoản 1, Điều 78, Nghị định 59/2015/NĐ-CP. Ví dụ như: “1. Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư quy hoạch đô thị phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành kiến trúc, quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật đô thị, kinh tế đô thị; có kinh nghiệm tham gia thiết kế quy hoạch tối thiểu 05 năm và đã tham gia thiết kế ít nhất 05 đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt”.

Với việc thực hiện đồ án như vậy, chúng tôi không rõ các cá nhân, tổ chức tư vấn có đáp ứng được yêu cầu như quy định hay không?. Và theo Quy định cụ thể phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi tại Mục a, Khoản 3, Điều 25 - Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04/04/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X đã nêu rõ chi tiết phạm vi vùng phụ cận bảo vệ. Nhưng không hiểu sao UBND huyện Nghi Lộc đã thuê đơn vị tư vấn này lập quy hoạch đất ở trên mặt nước đập Đồng Bù???

Và UBND huyện Nghi Lộc là chủ đầu tư dự án 80 tỷ cũng đã xảy ra sai phạm đầu tư công “Nâng cấp trạm bơm và hệ thống kênh nội đồng …” với những đơn vị khảo sát, thiết kế, lập dự toán, thầu thi công, tư vấn giám sát,.. là những doanh nghiệp làm hồ sơ không đúng với năng lực đã làm giả hồ sơ.

Theo số liệu của Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An - Nghị Quyết số 33/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 “Về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020” riêng huyện Nghi Lộc phần Nông nghiệp công trình trả nợ được nêu rõ Kế hoạch trung hạn 2016-2020: Chủ đầu tư là UBND xã Nghi Lâm với dự án Xây dựng trạm bơm Ba Cây là 3.500 triệu đồng; Chủ đầu tư là UBND huyện với dự án Nâng cấp hệ thống tưới tiêu xã Nghi Trung là 3.000 triệu đồng; Chủ đầu tư là UBND xã Nghi Công với dự án sửa chữa, nâng cấp Trạm bơm Cồn Trường là 3.300 triệu đồng; Chủ đầu tư là UBND xã Nghi Thái với dự án Xây dựng trạm bơm số 02 là 7.000 triệu đồng; Chủ đầu tư là UBND xã Nghi Mỹ với dự án sửa chữa, nâng cấp Trạm bơm Trường Xuân là 10.300 triệu đồng; Chủ đầu tư là UBND xã Nghi Khánh với dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh tiêu nội đồng xã là 2.700 triệu đồng; Chủ đầu tư là UBND xã Nghi Văn với dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Bàu Gà 10.000 triệu đồng và đặc biệt Chủ đầu tư là UBND huyện với dự án Sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh mương loại III của các hồ đập và trạm bơm là 26.800 triệu đồng.

Những số liệu trên đã thể hiện ngân sách nhà nước với số tiền 100.566 triệu đồng dành cho nông nghiệp huyện Nghi Lộc về thủy lợi là rất lớn.

Việc san lấp, phân lô đất nền ở xã Nghi Lâm có dấu hiệu chưa được thực hiện đúng quy trình mà pháp luật quy định mà trên đây chúng tôi chỉ mới có thể điểm qua một vài dấu hiệu và có thể gây điểm nóng ở địa phương vì những lợi ích mang lại chưa rõ ràng trong khi tiềm tàng những rủi ro lớn. Việc đấu giá 14 lô đất đem lại được bao nhiêu tiền cho ngân sách? Liệu có bù lại được sự mất mát về vật chất cũng như tinh thần cũng như niềm tin của người dân với chính quyền?

Và đặc biệt là khi chính Chi bộ ở cơ sở cũng chưa đồng thuận. Qua tiếp xúc và trao đổi với ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, chúng tôi có niềm tin chính quyền địa phương sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến người dân một cách tích cực để có thể khắc phục những vấn đề đã phát sinh và phòng ngừa được những vấn đề tiêu cực có thể xảy ra.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Thái Quảng và nhóm PVĐT

Nguồn tin: Báo Gia đình & Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP