Kinh tế

Nghệ An: Tàu 67 vươn khơi trở lại

Hàng chục tàu cá “67” trên địa bàn các huyện: Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, TX. Hoàng Mai... sau một thời gian nằm bờ vì khai thác kém hiệu quả nay đã ra khơi đánh bắt.

Sau khi neo tàu nằm bờ 3 tháng liền, ngư dân Nguyễn Văn Phương, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai quyết định đưa tàu vỏ sắt mang số hiệu NA 99399 TS trở lại vươn khơi đánh bắt.

Anh Phương cho biết, sau khi thăm dò ngư trường thấy xuất hiện nhiều luồng cá hơn trước nên tàu xuất bến đã được 5 ngày. “Xác định những chuyến ra khơi không phải lúc nào cũng thắng. Mỗi chuyến ra biển 10 - 12 ngày với chi phí 80 triệu đồng nhưng chúng tôi vẫn mạnh dạn, nếu để tàu nằm bờ thì khoản nợ ngân hàng càng lớn. Nếu ra khơi gặp may, có thể trả được khoản nợ cho ngân hàng” - anh Phương chia sẻ.

Sau khi có nhiều giải pháp từ cơ quan chức năng, nhiều tàu cá 67 ở thị xã Hoàng Mai đã vươn khơi trở lại. Ảnh: Việt Hùng

Nhờ chính quyền địa phương và các phòng chức năng thị xã Hoàng Mai kịp thời tìm hiểu hoàn cảnh của những ngư dân có tàu nằm bờ và vận động, tuyên truyền, có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, đến nay, toàn bộ 12 tàu cá đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ ở thị xã Hoàng Mai đã vươn khơi đánh bắt trở lại.

Ông Nguyễn Xuân Thủy - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hoàng Mai cho biết, thực hiện dự án đóng tàu 67 của Chính phủ, phường Quỳnh Phương được phê duyệt 12 dự án tàu 67 với nghề đánh bắt lưới xù. Thời gian qua, không chỉ ở Quỳnh Phương mà hầu hết các tàu cá làm nghề này đều đánh bắt không hiệu quả, ngư dân cho tàu nằm bờ. Nghề biển hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết nên sản phẩm khai thác thường không ổn định. Do vậy, thời gian gần đây, thị xã vận động ngư dân tìm kiếm, thăm dò ngư trường để khai thác có hiệu quả. Trước khi đoàn tàu 67 ở Quỳnh Phương hoạt động trở lại, ngư dân đã liên hệ với các tàu cá ở Nam Định, Quảng Bình... đồng thời cho 1 chiếc ra thăm dò nếu đánh bắt được sẽ liên lạc qua Icom về cho các tàu cùng đi.

Ngoài giải pháp trên, Nhà nước cũng có chính sách khuyến khích ngư dân đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, kinh phí hỗ trợ cho chuyến đi trên 100 triệu đồng/chuyến.

Còn ở huyện Nghi Lộc, ngư dân Nguyễn Sỹ Thiết ở xã Phúc Thọ sau khi được sự động viên của chính quyền địa phương, đầu tháng 11 đã đưa tàu 67 ra khơi trở lại, đánh bắt trên vùng biển xa.

Theo kinh nghiệm của ông Thiết, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nghề đánh bắt cá thu mới hiệu quả. Do vậy, những chuyến ra khơi gần đây sẽ giúp ông có thêm thu nhập để trả nợ ngân hàng.

Tàu đánh cá công suất lớn của ngư dân huyện Quỳnh Lưu rời bến cá lạch Quèn, nối nhau ra khơi khai thác hải sản. Ảnh: Xuân Hoàng

Qua trao đổi, nhiều chủ tàu 67 cho rằng, vì đánh bắt xa bờ phải sử dụng nhiều người trên tàu, khiến phải trả lương nhiều, cùng với các chi phí khác như: dầu, lương thực, thực phẩm... tăng, nên nếu không được cá, hiệu quả sẽ thấp. Trong khi đó, đánh bắt vùng biển xa thời gian gần đây nguồn hải sản giảm sút, lại thường bị tàu nước ngoài xua đuổi. Do vậy, những tháng giữa quý II - III năm 2018, nhiều ngư dân có tàu 67 nghỉ đi biển, cho tàu nằm bờ. Trong khi đó, hầu hết các chủ tàu đang nợ tiền đầu tư tàu từ ngân hàng lên tới hàng tỷ đồng.

Đánh giá của Sở NN&PTNT cho thấy, thời gian qua, trong tổng số 104 tàu cá 67 trên địa bàn tỉnh, có 57 tàu làm ăn có lãi, 17 tàu hòa vốn và 30 tàu làm ăn kém hiệu quả.

Ngư dân quỳnh long quỳnh lưu khai thác ngoài biển xa. Ảnh: PV

Trao đổi về tín hiệu tích cực khi các tàu 67 ra khơi trở lại, ông Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm: Trước thực trạng nhiều tàu cá 67 hoạt động kém hiệu quả, nằm bờ nhiều tháng liền, đã ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân, đặc biệt là không có tiền trả vốn vay ngân hàng đúng thời hạn, Sở NN&PTNT cùng với các cấp, ngành liên quan tiếp tục động viên, đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn để các chủ tàu 67 có điều kiện đi vào hoạt động có hiệu quả hơn. Thời điểm này, phần lớn các tàu 67 đã vươn khơi đánh bắt hải sản, không còn tình trạng nằm bờ như trước.

Mỗi năm ngư dân xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) đánh bắt trên 20.000 tấn hải sản. Ảnh: PV

Ngư dân Quỳnh Phương trúng đậm mực nang. Ảnh: PV

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 104 chủ tàu được đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Các tàu 67 đánh bắt gồm các nghề sau: Nghề chụp mực 31 tàu; nghề lưới rê 7 tàu; nghề lưới vây 28 tàu; nghề dịch vụ hậu cần 2 tàu; nghề khai thác thủy sản kiêm dịch vụ hậu cần 31 tàu; nghề dịch vụ hậu cần kiêm khai thác thủy sản 5 tàu.

Tác giả: Xuân Hoàng - Việt Hùng - Thanh Yên

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP