Giáo dục

Nghệ An tìm giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên

Năm học 2019 - 2020 là năm học nhiều thách thức đối với ngành giáo dục tỉnh Nghệ An, đặc biệt là trong việc giải bài toán thiếu giáo viên ở các bậc học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở.

Giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều vai

Vừa làm giáo viên dạy các môn văn hóa, cô giáo Trần Thị Tuyết, giáo viên Trường Tiểu học Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, còn phải kiêm nhiệm dạy các môn học khác như Mỹ thuật, Âm nhạc và Thể dục. Hiện số tiết cô dạy đã vượt khung rất nhiều, nhưng nhà trường vẫn chưa biết sắp xếp thế nào khi không đủ giáo viên giảng dạy.

Cô giáo Trần Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Thông cho biết, do trường thiếu ba giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc và Thể dục, nên phải động viên giáo viên dạy tăng tiết để đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, trường còn phải thêm giáo viên dạy môn Tin học để đúng với tiêu chí trường chuẩn.

Cũng ở huyện Hưng Nguyên, tại nhiều trường Trung học cơ sở, tình trạng giáo viên dạy chéo môn khá phổ biến khi bậc Trung học cơ sở thừa 23 giáo viên, nhưng lại thiếu cục bộ các môn năng khiếu.

Ở Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thị Minh Khai, cô giáo Phan Thị Kim Hoàn vốn là giáo viên Tiếng Anh đã có kinh nghiệm gần 20 năm, hiện còn đảm nhiệm thêm vai trò của giáo viên môn Mỹ thuật. “Dù đã dạy Mỹ thuật được 3 năm và đã được đi bồi dưỡng chuyên môn, nhưng tôi vẫn gặp những khó khăn vì Mỹ thuật là môn đặc thù. Thế nên, có những bài cần dạy sâu, tôi không thể truyền tải hết được. Một số tiết tôi không biết "vẽ" như thế nào”, cô giáo Phan Thị Kim Hoàn bày tỏ.

Thầy giáo Nguyễn Văn Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thị Minh Khai cho biết thêm: Trường đang thiếu giáo viên hai môn Mỹ thuật và Công nghệ. Các môn học còn lại, nhà trường đang bố trí bằng hình thức “song môn”. Chẳng hạn, giáo viên học hệ Cao đẳng môn Toán – Lý sẽ dạy kiêm Toán, Lý; giáo viên Toán - Tin dạy môn Toán và Tin; giáo viên môn Văn dạy môn Giáo dục công dân.

Tại huyện Hưng Nguyên, dù mới được tuyển dụng hơn 30 giáo viên nhưng huyện vẫn còn thiếu 50 giáo viên ở hai bậc Mầm non và Tiểu học. Riêng giáo viên Tiếng Anh vì không bố trí đủ nên thay vì dạy chương trình 10 năm (1 tuần/4 tiết cho các khối từ lớp 3 trở lên), nay nhiều trường tiểu học đang lựa chọn chương trình tự chọn.

Tình trạng thiếu giáo viên cũng đang diễn ra khá trầm trọng ở các huyện miền núi, trong khi đó, theo quy định các huyện này phải được ưu tiên bố trí đủ giáo viên.

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở và Tiểu học Tà Cạ, năm học này trường có 242 học sinh tiểu học, được bố trí đủ 1,5 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, trường không có giáo viên tiểu học dạy Tiếng Anh, Tin học. Hiện trường cũng không có kinh phí, không được thu tiền dạy học 2 buổi/ngày nên việc hợp đồng giáo viên như các địa phương khác là không khả thi.

Thầy giáo Lê Văn Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở và Tiểu học Tà Cạ cho hay, theo quy định, từ lớp 3 trở lên, học sinh phải được học chương trình Tiếng Anh. Nhưng ở các huyện miền núi không biết đến bao giờ mới triển khai được, vì không những không có giáo viên mà còn không tuyển được giáo viên.

Theo ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, trong số 29 trường tiểu học chỉ có 7 giáo viên tiếng Anh ưu tiên bố trí cho trường chuẩn quốc gia và 2 giáo viên Tin học. Điều đáng nói là nhiều năm qua, huyện được cho định biên nhưng vẫn không tìm được giáo viên để dạy hai môn này.

Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều huyện vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Thầy Hà Văn Huấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Khuông, huyện Tương Dương, cho hay nhiều năm qua nhà trường đã đề xuất với Phòng Giáo dục và Đào tạo xin giáo viên tiếng Anh nhưng cả huyện đều đang thiếu. Riêng môn Tin học càng khó khăn do điều kiện về cơ sở vật chất ở vùng lòng hồ Bản Vẽ đang thiếu thốn, chưa đảm bảo.

Điều hòa giáo viên giữa các bậc học và trong vùng

Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, đến năm 2019, tỉnh thiếu gần 4.200 giáo viên, trong đó thiếu hơn 2.400 giáo viên tiểu học và 1.700 giáo viên mầm non. Ở bậc Mầm non, theo quy định của ngành, phải bố trí đủ giáo viên cho các nhóm nhà trẻ và mẫu giáo, song tỷ lệ này hiện ở Nghệ An không đáp ứng đủ.

Cụ thể, với bậc học Mầm non, các địa phương chỉ mới ưu tiên đủ 2 giáo viên/lớp cho trẻ 5 tuổi để thực hiện đúng chương trình phổ cập; còn trẻ 3 - 4 tuổi bố trí được 1,6 giáo viên/lớp trong khi quy định là 2 giáo viên/lớp; nhóm nhà trẻ mới đáp ứng được 2 giáo viên/lớp trong khi quy định là 2,6 giáo viên/lớp. Bậc Tiểu học, tỷ lệ này mới đạt trung bình 1,2 giáo viên/lớp, trong khi để dạy học 2 buổi/ngày cần 1,5 giáo viên/lớp.

Trước thực trạng trên, nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện giải pháp điều hòa giáo viên giữa các bậc học, trong vùng; đồng thời dự báo về quy mô học sinh, mạng lưới trường lớp trong tương lai để có sự cân bằng.

Ông Lê Trung Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn cho biết, huyện Nam Đàn đang thiếu gần 150 giáo viên tiểu học và mầm non. Đối với cấp Tiểu học, trong những năm qua, huyện đã thực hiện điều hòa nội bộ bằng cách chuyển giáo viên từ Trung học cơ sở xuống Tiểu học, tổ chức dạy liên trường đối với môn năng khiếu, Tiếng Anh và Tin học. Ngoài ra, huyện vận động một số giáo viên đăng ký học thêm văn bằng hai để dạy thêm môn. Năm học này, Nam Đàn được giao thêm hơn 30 chỉ tiêu ở bậc Tiểu học nên ngành Giáo dục huyện đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng.

Riêng bậc Mầm non đang khó khăn, tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi là 100%, trẻ 3 - 4 tuổi là 93%, nhưng trẻ 2 tuổi mới chỉ huy động được khoảng 25% do phải ưu tiên giáo viên cho nhóm lớp lớn. Huyện cũng tích cực vận động xã hội hóa, phát triển các nhóm lớp tư thục, nhưng chỉ hiệu quả đối với thị trấn Nam Đàn.

Ngoài số lượng giáo viên thiếu, Nghệ An cũng đang rơi vào tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở các môn như Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc. Tình trạng này không chỉ có ở những địa phương vùng miền núi khó khăn, mà ngay cả ở các huyện đồng bằng.

Huyện Thanh Chương đang thiếu 30 giáo viên Tiếng Anh, khiến cho việc tổ chức dạy Tiếng Anh theo chương trình 10 năm gặp nhiều khó khăn. Trong đó, 3 trường tiểu học hoàn toàn không có giáo viên Tiếng Anh khiến học sinh không được học, hoặc phải đưa giáo viên từ Trung học cơ sở xuống dạy kiêm nhiệm. Huyện Thanh Chương cũng đang xây dựng phương án hợp đồng giáo viên thỉnh giảng để tổ chức dạy học cho học sinh.

Đề cập đến vấn đề này, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Đầu năm học, Sở đã báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để tham mưu Chính phủ cho Nghệ An thêm định biên giáo viên, nhưng chưa được duyệt. Mặt khác, theo thống kê và dự báo quy mô học sinh, hiện nay lứa tuổi học Tiểu học của Nghệ An là đông nhất cả nước.

Nhưng sau 2 - 3 năm nữa, số học sinh này sẽ lên Trung học cơ sở, còn số học sinh mầm non lên tiểu học ổn định không tăng đột biến. Đến thời điểm đó, tình trạng thừa thiếu giáo viên ở các bậc học này không xảy ra mà trở lại trạng thái cân bằng. Những năm gần đây, nhiều địa phương thực hiện biệt phái giáo viên từ Trung học cơ sở xuống dạy ở bậc Tiểu học trong thời gian 2 - 3 năm. Sau khi hết hạn biệt phái, các giáo viên này được quay về trường cũ dạy học, hoặc nếu có nhu cầu tiếp tục dạy ở bậc Tiểu học cũng sẽ được giải quyết.

Thực tế thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã tiến hành sáp nhập các điểm trường, sáp nhập trường hoặc buộc các trường phải tăng sĩ số ở lớp, để bố trí đủ giáo viên đứng lớp. Tuy nhiên, qua thực hiện cũng cho thấy nhiều bất cập bởi việc sáp nhập không thể thực hiện một cách máy móc mà phải phù hợp với từng địa phương và cần có lộ trình cụ thể.

Tác giả: Bích Huệ

Nguồn tin: Báo TTXVN

  Từ khóa: Thiếu giáo viên , Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP