Tin trong tỉnh

Nghệ An: Về Nghĩa Lâm nghe người dân tố Trang trại bò sữa TH True Milk gây ô nhiễm môi trường, bức tử người dân

Ngày 12 /10 / 2018, Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã đăng tải bài viết: “Nghệ An: Người dân khốn khổ sống cạnh Trang trại bò sữa TH True Milk ô nhiễm, bốc mùi hôi thối”, bài báo phản ánh thực trạng nhiều năm qua, người dân xóm Đông Lâm, xã Nghĩa Lâm (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) phải sống trong bầu không khí ô nhiễm do trang trại bò sữa của Công ty Cp thực phẩm sữa TH True Milk gây ra. Đã 6 tháng trôi qua kể từ ngày báo phản ánh, tình hình ô nhiễm môi trường không có dấu hiệu giảm mà lại còn tăng lên, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.

Chết mòn vì ô nhiễm…

Trang trại bò sữa TH nằm ngay cạnh tuyến đường quốc lộ 48 E nối từ quốc lộ 1A đến huyện Quỳnh Lưu. Đây là con đường độc đạo đi vào trang trại, xe tải chạy thường xuyên nên phủ đầy bụi, bụi bám vào lá cây hai bên đường một màu xám xịt, bụi bay vào nhà dân đến mức nhà nào cũng phải che bạt kín mít, cửa đóng then cài.

Trang trại bò sữa TH

Ồng Nguyễn Văn Hóa, xóm phó Đông Lâm kiêm công an viên chia sẻ: “Từ khi Trang trại bò sữa TH True Milk xây dựng năm 2009 đến nay, cuộc sống nhân dân xã Nghĩa Lâm nói chung và xóm Đông Lâm nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề vì ô nhiễm môi trường. Vấn đề đầu tiên là bụi, không thể kiểm đếm được hàng ngày có bao nhiêu xe tải chở hàng của TH True Milk chạy trên trục đường 48 E, chỉ biết là nhiều, nhiều lắm. Điều này khiến mùa nắng bụi mù trời, mưa xuống bùn nhão nhoẹt, đường trơn trượt.

Vấn đề thứ hai là mùi hôi thối, xe cộ TH thường xuyên chuyên chở các chất thải của trại bò, đưa qua bên cam bot này xử lý rồi lại chở về chuồng làm phân vi sinh để bán. Xe chở phân tươi ở trang trại hàng ngày cũng chạy qua chạy lại trên đường bốc mùi hôi thối. Quá trình xe chở hàng làm phân rơi vãi xuống đường, tạo ra nhiều loại bụi tổng hợp khiến không khí lúc nào cũng ngột ngạt, khó thở. Nặng nhất là những hộ dân ven đường, họ phải hứng chịu lượng bụi và tiếng ồn quá lớn.”

Xe tải TH chạy thường xuyên trên đường 48 E kéo theo một lớp bụi mù. Ảnh: Cắt từ Clip

“Ngoài bụi ra thì đủ các loại mùi theo xe chở phân đi khắp mọi nơi, ảnh hưởng cả xã, cả làng, cả xóm. Cụ thể là mùi hôi của phân bò khi xả mở van cống, mùi thối đặc trưng nữa là mùi thum thủm do thức ăn bò ủ chua gây ra. Rồi nhà máy xử lý phân hàng ngày xả xuống sông Sào cũng gây mùi hôi thối. Bà con phản ánh nhiều nhưng họ không chịu khắc phục. Mùa hè ruồi, muỗi, nhặng vo ve theo xe chở cỏ bay vào đầy nhà đầy cửa luôn. Ngoài tiếng động cơ xe tải, còn có tiếng ồn của trạm trộn thức ăn cho bò, gàu lúc nào cũng rung lắc rầm rập. Nhất là vào ban đêm ảnh hưởng rất lớn tới giấc ngủ của dân sau một ngày lao động mệt nhọc.”, ông Nguyễn Văn Hóa cho biết thêm.

Đường thì hẹp nhưng các xe của Tập đoàn TH True milk chạy bạt mạng, khiến người tham gia giao thông khiếp vía. Ảnh: Cắt từ Clip

Theo ý kiến của người dân, thực tế bên công ty cũng tưới nước ngày một vài lần, nhưng tưới chỉ đối phó cho có thôi vì lượng xe nhiều quá. Một vấn đề nguy hiểm nữa là an toàn giao thông. Đường 48 E nhỏ hẹp, trước rải nhựa, nhưng giờ xe tải cày nát còn trơ đất đá mà lượng lưu thông xe qua lại rất nhiều, lái xe thì ẩu vô cùng. Đã thế nhiều lúc lái xe chở phân cứ một tay nghe điện thoại, một tay cầm vô lăng, xe thì to lớn kềnh càng lấn hết đường của dân, khiến người đi đường chết khiếp. Trong 5 năm trở lại đây đã có hai trường hợp bị chết vì tai nạn giao thông trên tuyến đường này, trong đó có 1 công nhân TH True Milk sinh năm 1983. Số người tham gia giao thông bị ngã, trầy xước do tránh xe tải TH True Milk thì không tính nổi. Đường sá xuống cấp trầm trọng đầy ổ gà, ổ voi, nhưng họ không chịu tu sửa, gặp trời mưa nhiều chất thải trơn, người đi đường rất khó tránh được ô tô do đường hẹp, xe đông. Vì thế tai nạn giao thông thường xuyên rình rập người dân nơi đây, nhất là các cháu học sinh đi học .

Trang trại bò TH True Milk không những gây ô nhiễm môi trường về không khí mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sạch phục vụ hằng ngày của người dân. Bà Phạm Thị Duyệt 57 tuổi ngụ cùng thôn Đông Lâm bức xúc: “Từ năm 2009 đến 2015 họ múc nước phân đổ lên đầu nguồn của núi Phú Lẵng, trong 6 năm đó họ đổ lên đồi không biết bao nhiêu là phân, rồi phân ngấm vào lòng đất theo mưa nước chảy xuống và thấm vào nguồn nước ngầm sinh hoạt của dân, nên các hộ dân không sử dụng được, họ phải mua máy lọc nước để sử dụng. Phía ngoài thôn cũng bị ô nhiễm, nhất là khu vực nhà ông Hòa Thuận, bà Minh Dương, trước đây nước sinh hoạt bình thường, nấu chè xanh thơm ngon. Từ khi xe chở nước phân tưới cho vườn cỏ trang trại, nước phân thường xuyên tràn xuống hồ nước nhà ông Bình làm nguồn nước bị ô nhiễm. Hồ này nằm phía đầu nguồn giếng của dân, nên nước phân ngấm vào nước giếng.”.

Hồ nước thôn Đông Lâm bị ô nhiễm nước đen ngòm

Vì ô nhiễm nên dân muốn bỏ làng mà đi

Đi không được, ở không xong, đó là tình cảnh bi đát của gần 100 hộ dân xóm Đông Lâm hiện nay. Ông Trần Văn Thống 62 tuổi than thở: nói thật với chú, giờ dân Đông Lâm bức xúc lắm rồi, chẳng biết kêu ai, vì kêu cũng chẳng giải quyết được gì. Môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, cấp trên hứa giải quyết đưa dân đi tái định cư, nhưng đó là nói nhưng không thực hiện. Họ chỉ làm được thứ duy nhất là kiểm đếm tài sản nhà cửa xong rồi để đó, mặc dân sống trong cảnh cơ cực. Ông Thống cười buồn: tôi nói đúng sự thật, họp hành tôi cũng nói nhiều rồi, nhưng không đưa đến hiệu quả gì, giờ chán rồi.

Đồng quan điểm với ông Thống, ông Hồ Sỹ Hải 61 tuổi, trú tại xóm Đông Lâm khẳng định: Tái định cư thì trên cũng hứa nhiều lần rồi, nhưng chưa thấy chi. Nhà cửa thì nói di chuyển đền bù tái định cư, dân nhà nát hư hỏng vẫn phải giữ nguyên vì kiểm đếm rồi, nếu tu sửa thì phần tu sửa không được đền bù. Như để chứng minh cho điều ông Hải nói, bà Duyệt (vợ ông Hải) chỉ tay lên trần nhà ngao ngán: Nhà tôi giờ trần nứt nẻ, nếu trời mưa thì trong nhà cũng như ngoài sân mà không dám sửa, mưa gió là nước chảy xuống nền lênh láng. Năm 2010 họ cũng hứa chia ô, chia thửa cho dân rồi, nhưng hình như đất đó giờ làm rau sạch, không cấp cho dân nữa. Xóm Đông Lâm giờ rất nhiều nhà như hoàn cảnh của gia đình tôi. Nguyện vọng của người dân của chúng tôi giờ đây là yêu cầu TH True Milk chi tiền sớm cho dân để các gia đình kếm nơi ở mới.

Bà Duyệt đang chỉ tay lên trần nhà bị hư hỏng mà không dám sửa

Để làm rõ thêm những điều dân phản ánh, chúng tôi tìm đến UBND xã Nghĩa Lâm, trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thanh Vinh – Chủ tịch UBND xã khẳng định: Việc ô nhiễm môi trường của người dân xóm Đông Lâm do trang trại TH True Milk gây ra là có thật, và có từ lâu. Về an toàn giao thông chúng tôi yêu cầu trang trại TH True Milk phải chạy xe tải theo vận tốc cho phép, không chạy nhanh vượt ẩu gây nguy hiểm đến tính mạng người dân, đồng thời bố trí chạy lệch thời gian chạy xe. Thường xuyên tưới nước nhiều lần trong ngày để giảm thiểu bụi do xe tải gây ra. Đồng thời có các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu mùi hôi thối và chống ô nhiễm nguồn nước.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vinh – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn buồn rầu khi nói tới Tranbg trại bò của Tập đoàn TH True milk

Tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền cần sớm giải quyết nguồn kinh phí để chi trả hỗ trợ tái định cư cho 88 hộ dân xóm Đông Lâm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân địa phương nơi đây.

Bao giơ người dân xóm Đông Lâm nói riêng và xã Nghĩa Lâm nói chung mới thoát khỏi cảnh hằng ngày bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường từ Trang trại bò TH True Milk? Đề nghị tỉnh Nghệ An và các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý những vi phạm của TH True Milk để người dân nơi đây sớm được sống trong bầu không khí trong lành.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.

Tác giả: Kế Hùng

Nguồn tin: Moitruong.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP