Tin trong tỉnh

Nghệ An: Xây dựng công trình trên đất lấn biển đã 6 năm, bao giờ mới bị phá dỡ?

Đã 6 năm nay, một nhà máy sản xuất đá lạnh và cầu cảng ngang nhiên xây dựng trái phép, lấn chiếm ngoài tuyến kè ven cảng biển Lạch Quèn nhưng chính quyền gần đây mới biết. Dư luận đặt câu hỏi, đến khi nào chính quyền mới tiến hành cưỡng chế các công trình trên?

Thời gian gần đây, người dân xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An hết sức bất bình vì ngay phía ngoài đường kè ven biển cảng Lạch Quèn bỗng nhiên "mọc" lên một nhà máy sản xuất đá lạnh và đắp đất, đổ nền, đổ bê tông xây cầu cảng, lấn chiếm dòng chảy cửa biển.

Công trình nhà máy sản xuất đá lạnh và cầu cảng được xây dựng kiên cố lấn chiếm đường kè biển Lạch Quèn

Cụm công trình này án ngữ ngay ngã ba âu thuyền, khu neo đậu tránh trú bão của ngư dân địa phương. Các công trình trái phép được xây dựng gây cản trở đến dòng chảy, sự lưu thông của tàu thuyền. Vì vậy, mỗi khi giông bão, các tàu thuyền ra vào âu thuyền ở cảng Lạch Quèn để tránh trú gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Theo tìm hiểu của PV, đây là cụm công trình của gia đình ông Trần Huy Hoàng, doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn xã. Năm 2000, ông Hoàng tự ý xây dựng cầu cảng nối từ bờ kè ra biển để làm nơi neo đậu cho tàu thuyền phục vụ buôn bán, kinh doanh của gia đình.

Năm 2013, gia đình ông Hoàng tiếp tục san lấp, xây dựng nhà máy sản xuất đá lạnh ngay phía ngoài mặt kè đê biển phục vụ cho các tàu thuyền trên địa bàn.

Việc ông Hoàng tự ý san lấp, xây dựng các công trình trên biển đã tác động đến dòng chảy luồng lạch. Tàu thuyền ra vào cảng không ít lần bị mắc cạn, va đập.

Theo quy hoạch, cắm mốc dự án xưởng cơ khí và sửa chữa động cơ vùng cảng cá Lạch Quèn thì phần đất được ông Trần Huy Hoàng thuê hoàn toàn nằm phía trong đường kè ven cảng Lạch Quèn

Một người dân thôn Đức Long, xã Quỳnh Thuận cho biết: "Không biết cơ quan nào lại đi cấp đất ngoài biển như vậy cho ông Hoàng. Người dân chúng tôi vô cùng bức xúc vì những công trình này đã cản trở việc đi lại của tàu thuyền ngư dân. Chúng tôi yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, nếu như ông Hoàng tự ý lấn chiếm đất trái phép thì phải tiến hành phá dỡ trả lại hiện trạng như ban đầu cho cảng cá".

Thắc mắc của người dân xã Quỳnh Thuận nhiều lần được đưa ra trong các buổi tiếp xúc cử tri cũng như các cuộc họp HĐND xã. Tuy nhiên, người dân không nhận được câu trả lời từ chính quyền xã.

Điều mà bất cứ người dân nào sinh sống và lao động trên cảng cá này đều cảm thấy bất bình là: Tại sao lại cho phép xây dựng những công trình ngay tại vị trí "án ngữ" trước ngã ba sông, đường vào âu thuyền Lạch Quèn? Đây là vùng lạch biển bao năm qua che chở, bảo vệ cho hàng ngàn con tàu tìm về nơi neo đậu, tránh trú bão khi có thiên tai xảy ra.

Điều đáng nói, công trình xây dựng ngoài đê kè ven biển cảng Lạch Quèn của gia đình ông Trần Huy Hoàng đã tồn tại thời gian dài nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vẫn không không hề hay biết.

Theo tìm hiểu, vào ngày 13/7/2012, UBND huyện Quỳnh Lưu đã có Quyết định 1670/QĐ-UBND cho ông Trần Huy Hoàng thuê 1.686 m2 đất tại thôn Đức Long, xã Quỳnh Thuận để sử dụng vào mục đích xây dựng xưởng cơ khí và sửa chữa động cơ. Thời hạn thuê đất kể từ ngày ký đến năm 2042.

Biên bản giao đất của UBND huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bàn giao đất cho ông Trần Huy Hoàng năm 2012

Theo quyết định này, qua quy hoạch, cắm mốc dự án xưởng cơ khí và sửa chữa động cơ vùng cảng cá Lạch Quèn thì phần đất được ông Trần Huy Hoàng thuê hoàn toàn nằm phía trong đường kè ven cảng Lạch Quèn. Vì vậy, không có việc ông Trần Huy Hoàng được cấp đất từ phía ngoài đường kè ven cảng Lạch Quèn ra biển.

Báo cáo của phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu chỉ rõ những sai phạm của hộ ông Trần Huy Hoàng

Báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu số 166/NN do ông Đậu Đức Năm, Trưởng phòng ký ngày 10/9/2018 đã chỉ rõ:

Xưởng sản xuất đá lạnh của ông Trần Huy Hoàng ở vị trí ngoài đê (kè số 1 và kè số 5, dạng kè kết hợp đê) ở thôn Đức Long, xã Quỳnh Thiện.

Qua kiểm tra hồ sơ của ông Trần Huy Hoàng xây dựng công trình khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Việc xây dựng xưởng sản xuất đá lạnh của ông Trần Huy Hoàng là vi phạm:

- Khoản 1, Điều 2, Luật Đất đai năm 2013 (Những hành vi bị nghiêm cấm:Lấn chiếm, hủy hoại đất đai)

- Khoản 3, Điều 12, Luật Xây dựng năm 2014 (Các hành vi bị nghiêm cấm:Xây dựng công trình trong khu vực cấm xây dựng; xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống, trừ công trình xây dựng để khắc phục những hiện tượng này)

- Khoản 5, Điều 7, Luật Đê điều năm 2006 (Các hành vi bị nghiêm cấm:Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt).

Công trình nói trên gây cản trở dòng chảy, luồng lạch đi lại của tàu thuyền, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân nên phòng kiến nghị dỡ bỏ công trình xây dựng trái phép trên, trả lại mặt bằng ban đầu.

Qua sự việc 1 cụm công trình nhà xưởng, cầu cảng xây dựng trái phép, lấn chiếm cả con kè, lấn chiếm cả vùng nhưng lại tồn tại hơn 6 năm nay thì cơ quan chức năng nào và ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này?

Dư luận cũng đặt câu hỏi, ai đã "chống lưng" cho những công trình này ngang nhiên xây dựng, ngăn chặn cả một đoạn kè, gây cản trở dòng chảy, luồng lạch đi lại của tàu thuyền?

Báo Thời Đại theo dõi vụ việc và tiếp tục chuyển đến bạn đọc thông tin mới nhất.

Tác giả: Nhóm PVMT

Nguồn tin: thoidai.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP