Pháp luật

Nghi vấn tài xế Mercedes tẩu tán tài sản để né tránh trách nhiệm bồi thường

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong, tài xế xe Mercedes gây tai nạn, khai trong thời gian tạm giam đã ký sang tên căn nhà cho mẹ, nên không có tài sản bồi thường cho bị hại

Bị cáo Phong tại tòa. ẢNH: NHẬT LINH

Hôm qua (15.12), TAND Q.Phú Nhuận xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Phong là tài xế xe Mercedes gây tai nạn, khiến một tài xế GrabBike tử vong, một nữ tiếp viên hàng không bị thương tật 79%.

Sau khi xảy ra vụ tai nạn, phía gia đình bị cáo Phong đã nộp 29 triệu đồng cho Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP để khắc phục hậu quả thiệt hại cây xanh do tai nạn gây ra, bồi thường phía chủ chiếc xe mà bị cáo Phong thuê 150 triệu đồng. Riêng, đối với hai bị hại nặng nhất trọng vụ án, đến giờ phía bị cáo Phong chưa bồi thường.

Tại phần luận tội, Đại diện Viện KSND Q.Phú Nhuận đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phong 6 – 7 năm tù về tội danh trên. Đồng thời, đề nghị bị cáo phải bồi thường cho bị hại Lê Mạnh Thường (người lái xe GrabBike đã tử vong sau vụ tai nạn) 477 triệu đồng, bị hại Nguyễn Thị Bích Hường (nữ tiếp viên của hãng hàng không) 1,4 tỉ đồng, tổng cộng hơn 1,8 tỉ đồng.

Luật sư đặt nghi vấn bị cáo sang tên căn nhà để tránh bồi thường

Trước đó, tại phần xét hỏi, bị cáo Phong khai tài sản duy nhất là căn nhà trong lúc bị cáo tạm giam đã ký sang tên cho mẹ. Hiện bị cáo không còn tài sản nào khác để bồi thường. Bị cáo Phong khai, vào thời điểm tạm giam, mẹ của bị cáo và người ở phòng công chứng đến yêu cầu bị cáo Phong ký vào giấy tờ. Bị cáo Phong chỉ ký vào chứ không biết đó là giấy tờ gì.

Bà M. (mẹ bị cáo Phong) trình bày, sau khi Phong gây ra tai nạn rồi bị tạm giam, khi biết số tiền mức bồi thường bà đã gặp bị cáo Phong trong trại tạm giam nói sẽ cầm cố căn nhà để bồi thường. Việc sang tên căn nhà là ý của bà, do số tiền bồi thường quá lớn bà định mang căn nhà đi thế chấp ngân hàng. Nhưng do căn nhà chưa có sổ đỏ, nên phía ngân hàng không đồng ý, sau đó bà đã sang tên căn nhà cho người khác.

Bà M. khai thêm căn nhà này là của ông ngoại bị cáo Phong cho tiền mua, nhưng lúc đó bà không có giấy tờ nên để Phong đứng tên căn nhà giúp. Hiện căn nhà này là chỗ ở duy nhất của bà và các em bị cáo Phong, nếu bán đi để bồi thường thì gia đình bà không có chỗ ở.

Tranh luận tại phiên tòa, phía luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại cho rằng việc bị cáo đang phải chịu trách nhiệm bồi thường nhưng lại chuyển nhượng tài sản không hợp lý.

Đồng thời, theo luật sư, việc cơ quan điều tra cho thân nhân vào gặp bị cáo Phong để chuyển nhượng tài sản, trong giai đoạn bị cáo bị tạm giam và phải có trách nhiệm số tiền mà bị cáo bồi thường hơn 1,8 tỉ đồng, là "vấn đề tế nhị".

Việc bị cáo chuyển nhượng tài sản trong lúc này dẫn đến việc 2 bị hại, trong đó một người tử vong, một người thương tật 79%, không nhận được bồi thường. Trong khi đó, phía công ty cây xanh nhận được 29 triệu đồng, chủ chiếc xe mà bị cáo Phong thuê được bồi thường 150 triệu đồng.

Theo luật sư, trong vụ án này số tiền bồi thường thiệt hại rất lớn, vì vậy việc chuyển nhượng tài sản trong quá trình bị cáo tạm giam được xem là là hành vi tẩu tán tài sản, tránh việc phải bồi thường.

Phía luật sư kiến nghị HĐXX xem xét hủy giao dịch chuyển nhượng căn nhà của bị cáo Phong cho mẹ, áp dụng biện pháp kê biên tài sản để ngăn chặn hành động tẩu tán tài sản của bị cáo, đảm bảo thi hành án.

Có thể khởi kiện để vô hiệu giao dịch tài sản

Theo luật sư Lê Trung Phát (Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát), bị cáo Phong bị tạm giam không bị tước đi quyền định đoạt về tài sản của mình. Trong thời gian tạm giam, Phong vẫn được thực hiện các quyền liên quan đến quyền sở hữu tài sản.

Phong bị tạm giam nên bị hạn chế quyền đi lại, việc ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản trong trường hợp này không thể thực hiện tại Văn phòng công chứng. Công chứng viên phải đến nơi bị can tạm giam để thực hiện thủ tục, có giấy giới thiệu của văn phòng công chứng gửi cơ quan công an nơi bị can đang tạm giam.

Sau khi được cơ quan công an cho phép, công chứng viên mới được tiếp cận bị can để thực hiện việc ký giấy tờ công chứng chuyển nhượng. Thông thường, khi công chứng viên mang giấy giới thiệu của văn phòng đến, thì họ cũng cung cấp cho Cơ quan công an văn bản dự là sẽ cho bị can ký.

Theo luật sư Phát, có thể đặt nghi vấn việc sang tên căn nhà trong trường hợp này là nhằm tẩu tán tài sản tránh việc phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.

Trong vụ án "tài xế xe Mercedes gây tai nạn" nêu trên, để bảo vệ quyền và lợi ích thì các bị hại cần có đơn yêu cầu tòa án tiến hành áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn mọi giao dịch phát sinh, đảm bảo việc thi hành án. Sau đó, các bị hại sẽ khởi kiện vụ án dân sự nhằm tuyên bố giao dịch kia vô hiệu, theo điều 124 Bộ luật Dân sự 2015.

Tác giả: Song Mai - Nhật Linh

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP