Xã hội

Ngộ độc phải nhập viện vẫn bắt vợ tưới rượu vào cơm

Đó là một trong những tình huống bi hài xảy ra tại bệnh viện Tâm thần Nghệ An khi các bác sĩ yêu cầu các bệnh nhân phải cai rượu để chữa bệnh.

Nhập viện Tâm thần tới… 3 lần do rượu

Vào điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc, bệnh viện Tâm thần Nghệ An được gần 1 tuần, hiện sức khỏe của ông Nguyễn Văn B. (SN 1975), trú xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An tiến triển tốt hơn. Điều đáng nói, đây là lần thứ 2 ông B. nhập viện do rượu. Thế nhưng, sau mỗi lần điều trị, trở về nhà ông tiếp tục đi nhậu. Đặc biệt trong những ngày Tết, gần như không có ngày nào ông B. không uống.

“Vào trưa 13/2, ông B. đi uống rượu ở nhà hàng xóm về được một lúc thì bất ngờ lên cơn co giật, người tím tái. Chúng tôi phải đưa ông ấy đến cấp cứu tại bệnh viện tuyến huyện, rồi chuyển lên điều trị ở đây cho đến hôm nay. Vào đây các bác sĩ nói ông ấy bị ngộ độc do rượu, hiện đang có dấu hiệu rối loạn tâm thần”, vợ ông B. thở dài cho hay.

Ông B. đang được các bác sĩ tích cực theo dõi.

Ông Lò Văn Th., trú ở xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An cũng đã nhập viện được 4 ngày nhưng tình trạng vẫn rất đáng ngại khi cơ thể bị suy nhược, nên ông Th. vẫn chưa thể đi lại được.

“Khi gia đình đưa tới bệnh viện thì bệnh nhân có biểu hiện lên cơn co giật, người tím tái, có ảo giác. Đây là lần thứ 3 ông Th. phải điều trị tại bệnh viện do rối loạn tâm thần từ việc uống rượu”, một bác sĩ cho hay.

Bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Minh Châu, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết, từ ngày 2/2 (28 Tết) đến nay, có 150 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị; trong đó 90 trường hợp rối loạn tâm thần do uống nhiều rượu và ngộ độc rượu, bia.

“Trong dịp Tết Nguyên đán 2019, tại bệnh viện Tâm thần Nghệ An số lượng bệnh nhân rối loạn tâm thần do uống nhiều rượu và ngộ độc rượu tăng gần gấp 2 lần so với dịp Tết năm 2018. Có những ngày chúng tôi tiếp nhận gần 20 bệnh nhân. Hiện nay khoa đã quá tải, không có giường bệnh cho các bệnh nhân nằm nữa”, bác sĩ Châu nói.

Số lượng bệnh nhân tăng cao sau Tết.

Bắt vợ tưới rượu vào cơm

Bác sĩ Phan Kim Thìn, Giám đốc bệnh viện Tâm thần Nghệ An cho biết, quá trình điều trị rối loạn tâm thần do ngộ độc rượu đòi hỏi bệnh nhân phải bỏ rượu bia tuyệt đối. Thế nhưng phần lớn những người vào đây đều nghiện rượu lâu năm, hoặc vì tính chất công việc nên thường xuyên phải uống rượu. Vì vậy để bỏ được không phải ngày một ngày hai.

“Khi đã uống nhiều thành quen thì sẽ nghiện, lúc đó dù bị bệnh cũng vô cùng khó bỏ. Không hiếm các trường hợp bệnh nhân lên cơn nghiện đã lẻn ra ngoài hoặc nhờ người nhà đi mua rượu. Chính vì thế, cánh cửa sắt để đi vào khoa Hồi sức tích cực chống độc luôn khóa chặt, việc mang đồ uống từ bên ngoài vào khoa được kiểm tra kỹ càng”, bác sĩ Thìn nói.

Cửa sắt của khoa luôn trong tình trạng đón kín, tránh việc bệnh nhân bỏ trốn.

Một trong những trường hợp mà bác sĩ Nguyễn Thị Minh Châu còn nhớ, đó là khi đang tiến hành chữa trị cho một bệnh nhân, do thèm rượu quá nên bắt vợ đi mua để uống.

“Khi vợ từ chối thì người này đánh đập vô cùng dã man. Sau đó, để qua mặt các bác sĩ, người vợ đã phải tưới rượu vào cơm rồi mang vào cho chồng. Các bác sĩ cũng không để ý nên người vợ qua được cổng, nhưng khi người chồng mở cơm ra ăn thì mùi rượu bốc lên nồng nặc nên chúng tôi phát hiện ra”, bác sĩ Châu kể.

Những trường hợp bệnh nhân đang điều trị ở bệnh viện mà vẫn sử dụng rượu thì nguyên nhân chính là có sự tiếp tay của người thân. Việc bị uy hiếp hoặc thương bệnh nhân không đúng cách đã khiến cho công tác điều trị của bác sĩ càng khó khăn hơn gấp bội.

Cai rượu như cai ma túy

Bệnh nhân bị ngộ độc rượu chủ yếu ngộ độc Ethanol (C2H5OH) - một hoạt chất có trong rượu thực phẩm, rượu chưng cất theo phương thức thủ công.

Phần lớn, khi nhập viện các bệnh nhân có triệu chứng tương tự người sử dụng ma túy đá, tuy nhiên mức độ nhẹ hơn như: Cơ thể run rẩy, co giật, sùi bọt mép, tâm trí mê sảng, hoang tưởng, không làm chủ được hành vi…

Các bệnh nhân điều trị ở đây phần lớn đang nằm trong độ tuổi lao động.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, trước khi nhập viện, những bệnh nhân này thường uống từ 0,5 đến 1,5 lít rượu mỗi ngày. Vào dịp Tết, lượng rượu uống vào nhiều khiến cơ thể không thể dung nạp dẫn đến cơ thể suy nhược, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. May mắn, tuy triệu chứng nặng nề nhưng đa số được chữa khỏi, bệnh nhân xuất viện sau thời gian từ 2- 3 tuần.

“Tuy nhiên, trường hợp bệnh nặng phải điều trị kéo dài, khi về nhà không kiêng khem, bệnh nhân có thể mất trí nhớ vĩnh viễn. Điều đáng nói, hầu hết các bệnh nhân nhập viện thường nằm trong độ tuổi lao động, đều có tiền sử nghiện rượu, uống nhiều và thời gian kéo dài”, bác sĩ Châu cho biết thêm.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Châu cho biết thêm: “Chiến đấu với những bệnh nhân nghiện rượu nặng vô cùng khó khăn. Nghiện rượu chẳng khác nào nghiện ma túy. Vì vậy, điều quan trọng nhất là nghị lực của các bệnh nhân, phải kiêng rượu bia thì mới chữa dứt điểm được”.

Tác giả: Minh Tú

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP