Xã hội

Người phụ nữ thoát y, chửi bới trước đền Cuông: "Có thể có vấn đề về tâm lý"

Nhà nghiên cứu Văn học dân gian - Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, người phụ nữ bước xuống từ "xế hộp" rồi tụt quần, chửi bới ngay trước cổng đền Cuông (Nghệ An) có thể đang có vấn đề về tâm lý.

Tụt quần chửi bới ở chốn linh thiêng

Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại cảnh một người phụ nữ mặc bộ đồ đen từ trên “xế hộp” bước xuống, tụt quần chửi bới nhân viên hướng dẫn đền Cuông.

Ngày 1/3, Trưởng Ban quản lý đền Cuông (xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho biết, ông đang đại diện cho phía đền làm việc với Thanh tra Sở Văn hóa tỉnh Nghệ An, lãnh đạo xã Diễn An, Công an xã Diễn An để làm rõ và có hướng xử lý vụ việc một người phụ nữ có hành vi tụt quần, chửi bới nhân viên đền ngay trước cổng đền Cuông, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Theo đó, chiều 26/2 (Rằm tháng Giêng), một người phụ nữ cùng nhóm người đàn ông đến đền Cuông thắp hương. Người phụ nữ sau đó xin xăm và giải quẻ xăm. Quá trình xin giải xăm, người này xảy ra mâu thuẫn với nhân viên làm việc tại đền về chuyện tiền bạc.

Sau khi xảy ra mâu thuẫn chửi bới với nhân viên đền, người phụ nữ này cùng nhóm người đàn ông ra về. Tuy nhiên, khi ra trước cổng, nhóm người này dừng xe ô tô ngay trước cổng đền, người phụ nữ ngồi ghế sau mở cửa xe xuống, bất ngờ có hành vi tụt quần và ra sức chửi bới nhân viên đền.

"Nam nhân viên làm nhiệm vụ trước cổng đền đến yêu cầu chiếc xe ô tô di chuyển thì nhóm người này cùng một người phụ nữ ngồi trên xe chửi bới. Người phụ nữ sau đó mở cửa xuống và tụt quần, chửi bới ngay trước cổng đền" - Trưởng Ban quản lý đền Cuông chia sẻ.

Người phụ nữ sau khi xuống xe bất ngờ tụt quần chửi nhân viên hướng dẫn đền Cuông. (Ảnh cắt từ clip)


Sự việc xảy ra được những người xung quanh dùng điện thoại quay video lại và chia sẻ trên mạng xã hội. Dư luận hết sức bức xúc, bất bình với hành động vô văn hóa của người phụ nữ trên. Nhất là khi nhóm người này đang đứng trước cổng đền - điểm tôn giáo, tâm linh, một di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Ban Quản lý đền Cuông đã yêu cầu nhân viên làm bản tường trình toàn bộ sự việc để phối hợp với cơ quan chức năng xác minh, có hướng xử lý nghiêm.

"Sau sự việc, chúng tôi đã báo cáo với Công an xã Diễn An. Chúng tôi đã xác định được danh tính của người phụ nữ trên là M. (trú TP Vinh, Nghệ An). Để sự việc vừa qua xảy ra cũng một phần do lỗi của nhân viên làm việc trong đền không mềm dẻo, quá máy móc dẫn đến bức xúc giữa 2 bên. Chúng tôi đang làm việc với cơ quan chức năng để có hướng xử lý những sự việc liên quan" - Trưởng Ban quản lý đền Cuông nói thêm.

“Khẩu xà, tâm xà'... đi đền, chùa cũng vô ích"

Ông Nguyễn Hùng Vĩ - Nhà nghiên cứu Văn học dân gian, nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Người phụ nữ trên có vấn đề về thần kinh! Chỉ có những người có vấn đề về tâm thần, thần kinh mới có những phản ứng đến mức như vậy. Đây là hành vi quá lạ lùng ngay trước cửa đền, chốn linh thiêng”.

Theo ông Vĩ, phụ nữ ở tuổi 40 tuổi trở lên có tới 45% số người bị vướng vào tâm lý trầm cảm nào đó. Có lẽ do bị ức chế, vướng vào trầm cảm nên người phụ nữ này mới có hành động bột phát như vậy. Dù có khó khăn, có tức giận khi xếp hàng để xin xăm, giải quẻ xăm cũng không bao giờ có cảm xúc đến nỗi có hành động tụt quần, chửi bới trước cửa đền. Với một con người bình thường thì không bao giờ làm như thế.

“Thẳng thắn mà nói, người phụ nữ này chính là 'khẩu xà tâm xà' và đây là trường hợp rất bất bình thường” – ông Vĩ nói.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cũng cho biết, từ trước đến nay, sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt Nam rất phong phú. Người dân đi chùa với 3 mục đích chính, đó là: Lễ, vãng cảnh chùa, cúng dường và cầu mong. Trong các nghi thức lễ bái, người ta nói đến 4 hành vi lễ bái chính là: Thân, Tâm, Khẩu, Ý.

"Thân" là chỉ tư thế khi lễ bái như đi đứng, quỳ lạy, thái độ tôn kính, ăn mặc... Thậm chí người xưa còn đưa ra những quy định rất rõ về thi lễ, ví dụ như khi gặp các bậc sư, tăng, các bậc tôn trưởng, người giám tự chùa thì phải chắp tay vái. Khi nhà sư đang tụng kinh thì không được đứng vái ở bên cạnh, khi mình đứng trên cao mà các bậc tôn trưởng đứng dưới thấp thì không được vái, khi mình ngồi đối diện nhưng với tư thế không lịch sự thì không được vái, hoặc khi các nhà sư hoặc các bậc tôn trưởng quay đi thì không được vái lưng họ...

"Tâm" là chỉ tấm lòng thành kính với đức Phật và cái tâm phải an nhiên, thanh thản, cung kính khi lễ Phật.

“Khẩu” nghĩa là lời nói ở chốn linh thiêng phải đầy đủ sự thành kính. Thông thường khi lễ bái, câu đầu tiên người ta thường nói là “Nam mô a di đà Phật”. “Nam mô” là kính ngưỡng, kính chúc, “a di đà” là vĩnh hằng, vô lượng. “Nam mô a di đà Phật” được gọi là “lục tự xưng tụng” tương đương nghĩa: Kính lạy đức Phật muôn năm. Đó là những lời cung kính nhất với Phật.

Còn “Ý” nghĩa là suy nghĩ hướng về làm điều thiện, điều lành.

Ngoài ra, trong quy định về lễ bái người ta kỵ nhất 2 tà lễ, đó là “Ngã mạn kiêu tâm lễ” - tức là lễ với cái tâm kiêu mạn, và “Xướng họa cầu danh lễ” - lễ bái để cầu danh, cầu chức, cầu quyền...

Ông Nguyễn Hùng Vĩ - Nhà nghiên cứu Văn học dân gian, nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.


Nếu đem so sánh những quy ước cũ với sự vận động của cuộc sống bây giờ, ta sẽ thấy rất nhiều hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực trước cửa thiền. Trong bốn hành vi lễ bái Thân - Tâm - Khẩu - Ý, nhiều người đã vượt khỏi quy ước chung. Họ đi lễ đình, đền, chùa với cái “Thân” không nghiêm túc, ăn mặc hở hang, váy ngắn, quần cộc hoặc ăn mặc quá lôi thôi, đi vào chùa thì hò hét, co kéo nhau...

Về “Tâm”, một số người đi lễ với cái tâm không trong sáng, kiêu mạn, tranh giành nhau lễ, chen lấn xô đẩy nhau để lễ...

Về “Khẩu” thì một bộ phận, nhất là giới trẻ ngày nay, vào chốn linh thiêng vẫn văng tục, nói chuyện ồn ào.

Còn về “Ý”, nhiều người đi lễ chùa mà chỉ chăm chăm nghĩ đến lợi riêng, mong muốn cầu danh, cầu chức...

Tiếp đó, nhiều người vào chùa không những không vãng cảnh chùa mà còn trực tiếp bôi bẩn cảnh chùa, vứt rác bừa bãi. Việc cúng dường cũng vậy, với quan niệm “tốt lễ dễ cầu”, lễ vật càng to sẽ càng tốt nên người ta ganh đua nhau xem ai nhiều lễ hơn mà không nghĩ rằng “lễ bạc lòng thành” mới là nhất. Rồi từ cái tâm không trong sáng, họ đốt vàng mã, đốt hương thật nhiều. Hành động đó vừa phung phí vừa không thành tâm, bởi đó chính là “Xướng họa cầu danh”, sa đà vào tà lễ. Đặc biệt là hành vi đút tiền vào tay Phật, một hành vi vô cùng phản cảm bởi như thế là họ đang “mặc cả” với Phật, “mặc cả” với thế giới tâm linh.

Từ những lẽ trên, có lẽ những người “khẩu xà, tâm xà” với thái độ, hành vi vượt qua giới hạn của lễ bái Thân - Tâm - Khẩu – Ý thì dù có tất bật sắm sửa đến đền, chùa, chốn linh thiêng thì cũng vô ích.

Tác giả: Hiểu Lam

Nguồn tin: kienthuc.trithuccuocsong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP