Giới trẻ

Người trẻ Hà thành bật khóc khi đến chùa tham dự khóa tu Vu Lan báo hiếu

Có rất nhiều khóa tu mùa Vu Lan báo hiếu được mở ra tại các ngôi chùa trên cả nước trong tháng bảy âm lịch. Giới trẻ tham gia khóa tu mùa Vu Lan như một cách để sống chậm và học cách yêu thương.

“Cha mẹ mừng rơi nước mắt vì con ngoan hơn”

Chàng trai Bùi Công Long, 19 tuổi, Q. Hà Đông, Hà Nội đã xin nghỉ làm hai ngày để đến chùa Bằng tham dự khóa tu mùa Vu Lan do nhà chùa tổ chức vào đầu tháng bảy âm lịch.

“Đây là lần thứ hai em dự khóa tu mùa Vu Lan. Năm ngoái, em định tham gia cho biết, nhưng sau thấy ý nghĩa nên năm nay lại đăng ký tham gia”, Long chia sẻ.

Hàng nghìn Phật tử đã đổ về chùa Bằng dự khóa tu Vu Lan báo hiếu. Trong đó, rất nhiều người là các bạn học sinh, sinh viên.

Long biết đến khóa tu Vu Lan qua mạng xã hội Facebook. Long đã xin nghỉ việc tại nhà hàng để đi học trọn vẹn hai ngày. Khi Long nói sẽ đăng ký khóa tu này, bố mẹ em cảm thấy rất mừng. Long cảm thấy sau khóa tu, em thấy mình “tiết chế cái tôi trong các mối quan hệ, biết quan tâm tới mọi người nhiều hơn”.

Long cảm thấy mình biết tiết chế cái tôi và yêu thương gia đình nhiều hơn sau khi tham dự khóa tu Vu Lan.

PV gặp gia đình chị Nguyễn Tuyết Nhung, 37 tuổi, ngụ tại phố Trung Tự, Q. Đống Đa, Hà Nội khi chị đang dẫn các con và các cháu đến đăng ký khóa tu mùa Vu Lan tại chùa Bằng.

Nhiều em học sinh đã rủ nhau tới chùa tham dự khóa tu mùa Vu Lan.

“Trước đó, con đã tham gia khóa tu mùa hè. Con đi về thay đổi hẳn, ngoan hơn, biết quan tâm đến bố mẹ nên cả nhà đều mừng. Nay con có duyên được đến cửa chùa tu học mùa Vu Lan. Con háo hức, đếm từng ngày đến khóa học. Chỉ mong nhà chùa có nhiều buổi học ý nghĩa như thế này cho các con”, chị Tuyết Nhung vui vẻ cho biết.

Bàn đăng ký luôn đông đúc nhưng hề xảy ra cảnh chen lấn, xô đẩy.

Theo chị Tuyết Nhung, xã hội ngày nay phức tạp, tệ nạn nhiều, giới trẻ cũng sống gấp, nhiều cám dỗ hơn rất nhiều so với cuộc sống thanh bình của thế hệ đi trước.

“Chính vì thế, những buổi học tại chùa sẽ chạm vào trái tim các con, giúp con sống chậm lại và cảm nhận cuộc sống. Bố mẹ cùng con tới chùa cũng là một cách “đi học” sống chậm cùng con”, chị Tuyết Nhung bày tỏ.

“Đã có những giọt nước mắt lăn dài trên má”

Tháng 7 âm lịch - mùa Vu lan Báo hiếu cũng là mùa lễ hội tình thương, mùa của những đoá hồng đỏ thắm được vinh dự cài lên ngực áo nếu ai đó diễm phúc còn mẹ ở trên đời để được bảo bọc và chăm lo. Và cũng bùi ngùi xúc động, chia sẻ, cảm thông với những ai không còn cha mẹ nữa để yêu thương.

Trước giờ khai mạc khóa tu mùa Vu Lan báo hiếu.

Cùng nhau đọc kinh nhân quả.

Trong niềm hoài cảm sâu lắng đó, nhiều ngôi chùa trên cả nước đã tổ chức các khóa tu mùa Vu Lan.

Ở những khóa tu mùa Vu Lan, người trẻ sẽ được nghe giảng pháp, thực hiện nghi lễ cung thỉnh Gia tiên, lễ tri ân cha mẹ, ông bà tổ tiên và lễ bông hồng cài áo… tất cả nhằm nhằm giác ngộ, khơi dậy tình yêu thương, lòng hiếu thảo ở các bạn trẻ.

Theo Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Trụ trì chùa Bằng, trong Phật giáo có 4 ơn lớn gồm ơn Tam bảo; ơn quốc gia xã hội; ơn cha mẹ sinh thành, thầy cô dạy bảo và ơn tất cả mọi loại chúng sinh. Nhưng riêng trong tháng 7 âm lịch thì nặng về báo ơn cha mẹ. Từ đó hình thành nên mùa tri ơn và báo ơn hay còn gọi là mùa Vu Lan.

Khóa tu mở dành cho tất cả đối tượng, từ người già đến các em nhỏ đều có thể tham dự.

“Trước kia lễ Vu Lan chỉ chính trong 2 ngày 14-15 tháng 7 Âm lịch, nhưng theo thời gian lễ này đã trở thành một lễ lớn. Nhiều nơi tổ chức thành mùa Vu Lan kéo dài cả tháng”, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm lý giải.

Tại chùa Bằng, khóa tu mùa Vu Lan báo hiếu là khóa tu mở, dành cho mọi tầng lớp từ người già cho đến các em nhỏ bởi ai cũng có cha sinh mẹ dưỡng. Ghi nhận đã có khoảng 1000 Phật tử đổ về nhà chùa tham dự khóa tu.

“Mọi địa vị xã hội đến đây nghe lời Phật dạy, gạn đục khơi trong để trở thành người con có hiếu, sống thánh thiện. Hiếu với Mẹ Cha tức là kính Phật. Không tội nào nặng bằng tội bất kính với cha mẹ. Sau khoá tu, con trẻ biết vâng lời thầy cô, cha mẹ. Tránh cúng bái rườm rà, sát hại sinh linh, đốt vàng mã vì kinh Phật không dạy như vậy”, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm nói.

Trong không gian tĩnh lặng chốn thiền môn, ánh sáng ấm áp của đạo lý làm con dần lan tỏa, soi vào tâm thức từng bạn trẻ.

Họ được lắng lòng mình lại, hòa vào từng tiếng chuông, thức tỉnh lại chính bản thân mình, nghĩ về công lao sinh thành dưỡng dục tựa biển trời của cha mẹ.

Đã có những giọt nước mắt lăn dài trên má, đã có những tiếng thổn thức nghẹn ngào của những người trẻ khi chợt nhận ra một phút giây nào đó đã vô tình làm cha mẹ buồn đau, hoặc ai đó xót xa khi không còn cha mẹ trên đời để yêu thương…

Tác giả: Thu Hà

Nguồn tin: emdep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP