Tin trong tỉnh

Người trồng rừng thay thế có thể trắng tay cầu cứu cơ quan chức năng Nghệ An

Bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, tiền của để trồng rừng thay thế nhưng sau 5 năm, ông Vi Văn Minh, trú tại bản Có Phảo, xã Yên Na, huyện Tương Dương (Nghệ An) có nguy cơ sẽ trắng tay.

Hợp đồng trồng rừng "ma"?

Vừa qua, An Ninh Tiền Tệ nhận được đơn cầu cứu của ông Vi Văn Minh, trú tại bản Có Phảo, xã Yên Na, huyện Tương Dương (Nghệ An) phản ánh thông tin liên quan đến việc trồng rừng trên địa bàn xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương.

Trong đơn, ông Vi Văn Minh cho biết, năm 2016, ông được 2 cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương đề nghị với gia đình tham gia trồng rừng trên núi Pu Huông và gia đình ông đồng ý.

Trong quá làm việc, ông Minh được cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương nói rằng, ông được đầu tư giống, tiền... để trồng rừng. Sau khi có sản phẩm, số tiền thu được từ việc bán cây sẽ "cưa đôi" cho hai bên.

Khi nhận được lời đề nghị "béo bở" từ phía ông Phan Cảnh Thành và ông Ngũ Văn Trị, cán bộ của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương, gia đình ông Minh cũng đã tức tốc bắt tay vào việc phát triển trồng rừng.

Đơn kêu cứu nói rõ, trong quá trình thực hiện trồng 11,5ha keo, ông Thành đã đưa cho ông Vi Văn Minh 30 triệu đồng, 25 cuộn thép gai và một ít thuốc mối.

Sau khi gia đình ông Minh trồng xong và bảo vệ vườn keo lên xanh tốt, đầu năm 2019, phía Ban quản lý rừng Phong hộ Tương Dương đã "đuổi" gia đình ông Minh ra khỏi khu vực và tuyên bố rằng ông Minh hết trách nhiệm, không liên quan đến số diện tích keo mà gia đình ông đã trồng.

PV An Ninh Tiền Tệ đã trực tiếp gặp ông Vi Văn Minh và các bên liên quan để tìm hiểu sự tình.

Khu vực nơi ông Minh trồng rừng

PV đã đề nghị ông Minh dẫn lên vườn keo do gia đình ông trồng trên núi Pu Huông. Ở cánh rừng nơi gia đình ông Minh trồng, những cây keo xanh tốt nối nhau trải dài rợp cả khoảnh rừng. Mới chỉ chừng 5 năm nhưng có những cây đường kính đã gần 30cm cao chót vót.

Vừa đi, ông Minh buồn rầu kể, ông nhận trồng keo từ ông Thành và ông Trị, 2 ông là cán bộ của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương. Hợp đồng không có giấy tờ. Việc ông Thành đưa tiền, cây giống, dây thép gai, thuốc mối... cũng không có biên lai hay giấy biên nhận. Nhận thấy ông Thành và ông Trị là cán bộ, đảng viên nên ông Minh răm rắp tin theo, không hề hoài nghi.

Để có được số keo xanh tốt, việc đầu tư 30 triệu đồng, giống cây, 25 cuộn thép gai cho hơn 11ha keo chỉ là số tiền quá ít ỏi. Ông Minh đã thuê hàng trăm lượt người và đầu tư hàng trăm triệu đồng để xẻ gỗ, rào vườn ngăn trâu bò. Không những vậy, công sức trong mấy năm bảo vệ rừng cũng rất nhiều.

"Công sức và tiền của bỏ ra không thể nào đếm xuể. Nhiều dự án đầu tư hàng chục tỷ đồng đều thất bại, riêng tôi mới trồng được. Giờ đây cây lên đẹp, gần đến thời kỳ thu hoạch lại đuổi tôi đi...", ông Minh nói trong nước mắt.

Những cây keo có đường kính gần 30cm đang chờ ngày thu hoạch

Cũng theo ông Minh, riêng số gỗ để rào vườn đủ để cất 3 ngôi nhà gỗ bình thường. Trong thời gian trồng cây, ông đã đầu tư số tiền hơn 100 triệu đồng.

Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ nói gì?

Để hiểu rõ hơn về sự việc, PV đã có cuộc làm việc với Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương. Tại trụ sở, phía Ban đã đưa ra nhiều giấy tờ liên quan đến việc trồng rừng thay thế ở xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương như: Quyết định chỉ định hộ nhận khoán trồng rừng thay thế, Hợp đồng nhận khoán, Biên bản nghiệm thu...

Tìm hiểu được biết, vị trí ông Vi Văn Minh thực hiện trồng rừng là tại các khoảnh 5, khoảnh 8, khoảnh 9 thuộc tiểu khu 551, xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương.

Theo các cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương , phía BQL chỉ hợp đồng trồng rừng với ông Phan Cảnh Thành. Tại thời điểm đó, ông Thành là cán bộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương, còn ông Minh phía BQL không liên quan. Việc ông Minh làm như thế nào, hợp đồng với ông Thành ra sao BQL cũng không liên quan, không cần biết.

Ông Vi Văn Minh buồn rầu khi nói về khu rừng ông đã đầu tư công sức để trồng nên.

Ông Nguyễn Tất Hòa, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương cho biết, thời điểm ông lên làm việc, phát hiện ông Minh ở trong rừng phòng hộ nên ông đề nghị gia đình ông Minh rút khỏi địa bàn. Việc trồng rừng thay thế, Ban hợp đồng với ông Phan Cảnh Thành. Tiền trồng rừng và bảo vệ đã được ban chuyển thẳng vào tài khoản của ông Thành theo đúng quy định.

"Tổng hợp đồng là 270 triệu, Ban cũng chuyển cho ông Thành hơn 200 triệu, còn khoảng 30 triệu ban đang giữ lại, sau khi kiểm tra lại sẽ chi trả cho ông Thành", ông Hòa nói.

"Để cánh rừng đẹp được như bây giờ là do công ông Minh. Tôi vẫn thừa nhận, nếu không có người chăm sóc và quan tâm như ông Minh thì không thể thành rừng như hiện nay", ông Hòa nhấn mạnh.

Làm việc với PV, ông Phan Cảnh Thành (hiện ông Thành đang là Phó Trường Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Kỳ) thừa nhận, ông có làm hợp đồng trồng rừng thay thế với Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương.

Diện tích ban đầu là hơn 17ha, tuy nhiên sau khi trồng rừng và nghiệm thu chỉ trồng được hơn 9ha.

Trong quá trình trồng rừng, ông Thành có hợp tác với gia đình ông Vi Văn Minh. Ông Thành cũng thừa nhận, trong quá trình làm việc với gia đình ông Minh, ông Thành đã nói đến việc sẽ "cưa đôi" số tiền thu được từ việc thu hoạch cây.

Ông Thành cho biết, khi sở giao trồng 40ha, ông Thành và các cán bộ ban đi nhiều nơi để tìm khu vực trồng rừng thay thế nhưng không được. Sau đó về gặp ông Minh và vợ (bà Hằng) có lán (nhà tạm) ở trên núi và trao đổi có chương trình trồng cây. Tuy nhiên, ông Minh và bà Hằng có hộ khẩu ở Yên Na cho nên không thể để ông Minh đứng tên.

Phía Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương cũng thông báo rộng rãi nhưng không ai đứng ra đăng ký nhận trồng. Tại thời điểm đó ông Thành đang là Trưởng phòng Kế hoạch nên đứng ra nhận trồng. "Tôi không đứng ra xin trồng. Về thủ tục thì làm đơn từ như thật", ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, về mặt hưởng lợi, thông thường được thực hiện theo Quyết định 178/2001/QĐ-TTg, theo Nghị định 135 và hiện nay là theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP. Có nghĩa rằng, chủ hộ trồng rừng được hưởng sản phẩm sau khi thu được theo tỉ lệ của pháp luật quy định.

"Hiện nay còn mấy chục triệu đồng chưa thanh toán, sau khi thanh toán xong thì tôi sẽ gọi vợ chồng ông Minh ngồi lại để tính toán số tiền tham gia trồng rừng", ông Thành nói thêm.

Hiện nay, việc trồng rừng thay thế ở xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương về cơ bản đã gần như hoàn thành. Những cây keo do gia đình ông Minh trồng nên đã được chăm sóc, lớn lên và dần cho thu hoạch. Điều đáng buồn, người bỏ công, bỏ sức để làm nên "điều không thể mà có thể" ở mảnh đất "khó" đang "dở khóc dở cười" vì có thể trắng tay.

Tác giả: Phương Hồ

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP