Trong nước

Nhiệm kỳ mới có bao nhiêu Phó Thủ tướng?

Một số chuyên gia ủng hộ phương án giảm số lượng Phó Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại kỳ họp tháng 4

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 20/7, sẽ dành nhiều thời gian để bầu hoặc phê chuẩn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc giới thiệu nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021 – 2026 là công việc rất hệ trọng.

Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV (tháng 3 - 4/2021), Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và bầu hoặc phê chuẩn đối với 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước.

Đến nay, sau cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026), Ban Chấp hành Trung ương có trách nhiệm chuẩn bị và tiếp tục giới thiệu nhân sự để Quốc hội khoá XV bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất sắp tới theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét, giới thiệu nhân sự theo hướng: Đối với các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước đã được Hội nghị Trung ương 2 khoá XIII giới thiệu hoặc cho ý kiến thông qua với số phiếu tín nhiệm cao thì Ban Chấp hành Trung ương không tiến hành bỏ phiếu giới thiệu hoặc lấy ý kiến lại.

Đối với 23 chức danh còn lại chưa lấy phiếu giới thiệu tại Hội nghị Trung ương 2 và các chức danh có dự kiến thay đổi so với lần trước, Bộ Chính trị sẽ xin ý kiến Trung ương bằng phiếu trước khi chính thức giới thiệu để Quốc hội xem xét bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV sắp tới.

Liên quan đến vấn đề nhân sự nhiệm kỳ mới, đáng chú ý nhất vẫn là ở khối Chính phủ. Sau khi kiện toàn nhân sự ở kỳ họp Quốc hội trước, cơ cấu Chính phủ hiện tại gồm 28 thành viên. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ là ông Phạm Minh Chính. 5 Phó Thủ tướng hiện nay gồm các ông: Trương Hòa Bình (Phó Thủ tướng Thường trực), Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam và hai người vừa được phê chuẩn là ông Lê Minh Khái và ông Lê Văn Thành. Chính phủ hiện đang có 22 bộ trưởng, trưởng ngành.

Các thành viên Chính phủ hiện nay đều là các Ủy viên Trung ương. Riêng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình không tham gia Trung ương khóa XIII.

Cơ cấu Chính phủ hiện gồm 28 thành viên

Số lượng Phó Thủ tướng ra sao?

Số lượng các Phó Thủ tướng trong nhiệm kỳ mới là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian tới.

Trao đổi với Tiền Phong, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, mô thức quản trị ở ta có những điểm khác với các nước, thế nên Chính phủ có đến 4 - 5 Phó Thủ tướng là cần thiết.

“Cứ đọc bản phân công nhiệm vụ giữa Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, chúng ta sẽ thấy công việc của Chính phủ nhiều như núi. Nếu nhiệm kỳ tới giảm bớt một Phó Thủ tướng, thì công việc mà Thủ tướng và các Phó Thủ tướng còn lại phải đảm nhiệm sẽ tăng lên”, TS. Dũng cho hay.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, trong trường hợp này, “sự lựa chọn nên là quyền của Thủ tướng”.

“Với sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và mạch lạc như Thủ tướng đã đề ra, thì việc cắt giảm bớt một Phó Thủ tướng chắc sẽ không ảnh hưởng tới công việc của Chính phủ”, TS. Dũng nhận định.

Ủng hộ xu hướng giảm dần với cấp phó ở các Bộ, ngành, theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, với số lượng cấp Phó Thủ tướng cũng cần giảm theo, đồng thời đề cao trách nhiệm của các bộ.

“Lúc đó các bộ là cơ quan tham mưu và phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Nếu vấn đề gì sai cứ “gõ” các bộ. Nếu từ cấp bộ lên thẳng Thủ tướng, các bộ sẽ phải đề cao chịu trách nhiệm, và có thể giảm độ trễ một cách tối đa”, ông Dĩnh cho hay.

Tại hội nghị tổng kết ngành Nội vụ vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng thẳng thắn cho rằng, bộ máy hiện nay còn quá cồng kềnh, tầng nấc trong tổ chức đầu mối bên trong. Các bộ và cơ quan ngang bộ cũng rất chồng chéo, tầng nấc.

“Nếu không giảm được đầu mối thì không thể tinh giản biên chế, nên việc giảm đầu mối gắn với giảm biên chế là một nguyên tắc, phải tập trung đột phá vấn đề này”, bà Trà cho hay.

“Tới đây, chúng tôi sẽ phải đột phá rất mạnh vào vấn đề sắp xếp tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị sự nghiệp và các đơn vị hành chính”, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định.

Trong cơ cấu bộ máy Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIV, hiện còn 4 nhân sự không tham gia Trung ương khóa XIII, gồm: Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội; Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến. Chính phủ hiện đang có 5 Phó Thủ tướng, còn Quốc hội đang có 4 Phó Chủ tịch Quốc hội. Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026 sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua. Còn ở khối Quốc hội, các nhân sự ứng cử tại Quốc hội là Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Trần Hồng Minh, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng; và ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương.

Tác giả: Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP