Giáo dục

Những người “gieo chữ” nơi quanh năm sương mù bao phủ

Vượt qua gian khó, các thầy cô giáo trên đỉnh Sài Khao, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) vẫn quyết tâm cắm bản để gieo chữ cho các em nhỏ người Mông (100% người Mông) ở nơi xa xôi, quanh năm sương mù bao phủ, chỉ vì lòng yêu nghề và yêu các em học sinh.

Điểm trường khu Sài Khao quanh năm sương mù bao phủ

Gieo chữ trên đỉnh Sài Khao

Nằm cách thành phố Thanh Hóa gần 300km, bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) là nơi xa xôi và khó khăn về về đường đi, điện, nước... nhưng những người thầy giáo, cô giáo và nhân dân nơi đây đang từng ngày cố gắng để đưa các em đến lớp đầy đủ.

Đúng như câu thơ trong bài “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng đã từng viết “Sài Khao sương lấp, dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm”, là một nơi quanh năm sương mù bao phủ, được bao bọc bởi những ngọn núi cao chót vót, khí hậu thấp hơn so với các bản làng khác, về mùa đông có những thời điểm xuất hiện băng giá.

Cách thị trấn Mường Lát chỉ hơn 30km nhưng để đến được điểm trường Sài Khao chúng tôi phải mất hơn 2h đồng hồ đi xe máy với những con đường đất dốc cao thăm thẳm, uốn lượn quanh co.

Tại bản Sài Khao có 2 điểm trường lẻ là Mầm non thuộc Trường mầm non Mường Lý và điểm trường Tiểu học thuộc Trường tiểu học Tây Tiến (xã Mường Lý.

Đường lên Sài Khao ngày mưa trơn trượt, sương mù bao phủ.

Thầy Phạm Thúc Hoàng (SN 1984, Giáo viên tiểu học khu Sài Khao, quê huyện Ngọc Lặc) cho biết “Từ năm 2013 tôi đã lên Mường Lý công tác và chuyển lên Sài Khao 4 năm nay, tôi thấy trên đây điều kiện vật chất hết sức khó khăn cũng như thời tiết quanh năm sương mù bao phủ, mùa đông nhiệt độ xuống 1-2 độ và xuất hiện băng giá khiến cho việc dạy và học của cả thầy, trò nơi đây gặp muôn vàn trắc trở”.

Vừa ngồi nhâm nhi cốc nước, thầy Hoàng vừa kể tiếp: “Trước đây, nơi này chỉ là những lớp học tranh tre nứa lá, đường xá đi lại khó khăn nhất là trời mưa thì phải gửi xe cách điểm trường 2-3km, vác đồ đi bộ để lên bản, học sinh khi đó phải đi từng nhà vận động các em đến lớp”.

Giáo viên giảng dạy ở đây đều ở các địa phương khác đến công tác

Từ năm 2018 một tổ chức thiện nguyện đã kêu gọi đầu tư, hỗ trợ để xây dựng cho điểm trường tiểu học Sài Khao 3 phòng học kiên cố thay cho những lớp học bằng tranh tre trước đây.

Còn thầy Vi Văn Tân (SN 1984, quê xã Mường Chanh, huyện Mường Lát) lên điểm trường cách nhà 50km cho hay: “Khó khăn mọi thứ khi điện lưới quốc gia chưa có, sóng điện thoại trong bản cũng chưa có phải đi dò sóng ở những nơi xa mới có tý sóng lạc. Các em ở đây đến lớp vất vả lắm khi phải đi bộ nhiều km, trời nắng thì các em còn đến lớp đầy đủ chứ trời mưa thì có một số ít đến lớp”.

Được biết, điểm trường tiểu học khu Sài Khao có 5 khối học với 82 học sinh là người dân tộc Mông và có 4 giáo viên ở bán trú giảng dạy tại đây.

Các thầy cô giáo đều tự cung, tự cấp cho cuộc sống của mình.

Vượt gian khó vì học trò

Các thầy cô giáo tại điểm trường Sài Khao đều không phải là người dân bản địa mà đều từ các địa phương khác đến giảng dạy. Trong đó, người ở xa nhất là hơn 200km và người gần nhất cũng cách hơn 40km đều phải xa gia đình, vợ con lên đây cắm bản gieo chữ cho các em.

Cắm bản dạy học ở nơi xa xôi khiến cho việc về thăm gia đình, vợ con của các giáo viên cũng thưa dần, có người ở gần thì 1 tuần hoặc 1 tháng mới về nhà một lần, còn những người ở xa có khi vài tháng về nhà, nhất là mỗi khi gia đình có việc cần liên lạc với các thầy cô thì vô cùng khó khăn.

Các thầy cô giáo đều chưa có nhà công vụ và sinh hoạt tại những phòng học cũ.

Do khu nhà ở của giáo viên vẫn chưa có, nên 4 giáo viên tiểu học đã phải dùng những phòng học cũ ở chung 1 phòng, 1 giường; mọi đồ dùng cá nhân, sinh hoạt, thức ăn, gạo... các thầy cô mỗi lần về nhà đều phải mang lên dự trữ.

Cô Hà Thị Quý (Giáo viên mầm non) cho biết “Em đã bật khóc khi ngày đầu em lên đây nhận lớp vì đường xá đi lại khó khăn, sóng điện thoại không có, trời thì lạnh, nhớ nhà. Em được giao nhiệm vụ giảng dạy lớp trẻ 3 tuổi, khi đó em chưa hiểu tiếng Mông, các em thì cũng không hiểu cô nói gì, cô cũng không hiểu các trò nói gì nên rất khó giảng dạy, các em còn nhỏ và chỉ ham chơi rồi dần dần em cũng quen với cuộc sống xa nhà”.

Cô Hà Thị Quý vì lòng yêu nghề, yêu trẻ là động lực để tiếp tục công tác tốt.

Trên đường dẫn tôi đến nhà Trưởng bản, cô Quý vừa tâm sự lý do để có động lực tiếp tục việc giảng dạy dù xa nhà, đã nhiều lần lên trường khiến cô bị ngã xây xát vì đường đi lại hết sức khó khăn nhưng với lòng yêu nghề và thương những em học sinh người Mông nơi đây cô càng quyết tâm hơn.

“Em thương trẻ lắm vì nhiều em khi đến lớp không có dép để đi, quần áo mặc không đủ ấm, đi học thì xa mà đa số các em ở đây dù nhỏ hay lớn cũng tự đi đến lớp không cần ai đưa đón, đồ chơi cho các em cũng thiều thốn nhiều”, cô Quý chia sẻ.

Còn cô Lò Thị Huyền (quê huyện Quan Hóa) lên đây giảng dạy bộc bạch: “Rất khó khăn khi giảng dạy vì trẻ thì chưa biết tiếng phổ thông, cô không biết tiếng của trò, trò không biết tiếng của cô, các cháu đến lớp thì thích chơi hơn học”

Học sinh nơi đây nhiều em chưa có dép đến lớp.

Được biết, điểm lẻ mầm non nơi đây có 54 học sinh ở 3 lứa tuổi và cũng có 3 giáo viên cắm bản đảm nhận việc giảng dạy nơi đây.

Thầy giáo Hơ Pó Sung (người dân tộc Mông) tâm sự: “Tuy tôi là người bản địa nhưng cũng cách đây hơn 40km lên đây giảng dạy tôi hiểu được những khó khăn mà người Mông chúng tôi hàng ngày trải qua, cùng với đó xa nhà xa vợ con nhưng niềm vui đối với giáo viên cắm bản được nhân lên gấp bội khi hàng ngày được thấy các em đến lớp”.

Một số hình ảnh PV Infonet ghi lại ở Sài Khao./.

Thiếu đồ chơi, sau mỗi giờ ra chơi các em lại cùng nhau nghịch cát.

Dù khó khăn nhưng các thầy cô giáo vẫn vượt lên mọi thứ cắm bản gieo chữ cho các em học sinh nơi đây.

Nghịch cát sau mỗi giờ ra chơi là niềm vui đối với các em nơi đây.

Một em học sinh đến lớp không có dép trong thời tiết giá lạnh.

Bố mẹ đi làm nương rẫy các em phải tự túc trong việc ăn uống.

Những ngôi nhà mờ ảo trong sương mù bao phủ.

Dù lớn hay nhỏ việc đến lớp của học sinh nơi đây đều tự đi.

Tác giả: Trần Nghị

Nguồn tin: infonet.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP