Kinh tế

Nông sản Việt được mùa mất giá và rủi ro xuất khẩu tiểu ngạch qua TQ

Làm ra ồ ạt rồi xuất khẩu theo kiểu nông dân ngồi bán trước cửa nhà mình mà chưa tìm hiểu nhu cầu thị trường khiến nông sản Việt khó đi vào thị trường quốc tế.

Đầu tháng 10, quả thanh long Bình Thuận bỗng rớt giá thê thảm, xuống mức thấp kỷ lục chỉ còn vài nghìn đồng/kg vì sản lượng trái vụ và chính vụ đồng loạt chín. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu chính của thanh long trong nước là Trung Quốc cũng hạn chế nhập thời điểm đó khiến nông dân không kịp trở tay, nhiều nhà vườn buộc phải phá trái để giữ cây.

Sau khi giá xuống đáy chỉ vài nghìn đồng mỗi kg, nửa tháng sau, thanh long đã tăng giá trở lại.

Chỉ sau nửa tháng, nông dân trồng thanh long lại vui vẻ trở lại do chính loại trái cây này rục rịch tăng giá. Cụ thể thanh long ruột đỏ loại 1 để xuất khẩu đã có giá hơn 40.000 đồng/kg khi thu mua tại vườn.

Tương tự, cuối tháng 11, đầu tháng 12, trái sầu riêng vùng đồng bằng Sông Cửu Long vốn rất được giá và ưa chuộng nhưng cũng giảm một nửa so với thời kỳ đỉnh điểm, chỉ còn 35.000-40.000 đồng/kg. Nông dân đang đau đầu cho lứa sầu riêng đang chín tới thì giữa tháng này, nó đã tăng gấp đôi trở lại.

Xuất khẩu nhiều nhưng đi theo tiểu ngạch

Với nhiều điều kiện thuận lợi, nông sản được xem là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam thời gian qua. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 11 tháng năm 2018 đạt 36,3 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm ngoái và dự báo con số này sẽ tăng lên 40 tỷ USD vào cuối năm.

Bên cạnh Australia, Mỹ, Thái, Hàn Quốc thì Trung Quốc chính là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Tuy nhiên, thời gian qua tình hình xuất khẩu nông sản vào các nước không ổn định khiến nông dân thường xuyên lâm vào cảnh “được mùa mất giá”.

“Xuất khẩu nông sản của Việt Nam chưa bền vững khi phụ thuộc rất lớn vào việc xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, các mặt hàng nông sản chủ lực có sức cạnh tranh kém khi chỉ có 5% đạt tiêu chuẩn quốc tế”, đại diện Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định.

Bưởi da xanh từ cả trăm nghìn đồng mỗi kg hiện cũng được bán nhiều tại TP.HCM chỉ với giá 50.000 đồng/kg. Ảnh: Phúc Minh.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu Vina T&T, chuyên xuất khẩu trái cây chính ngạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long, cho biết ngoài việc cán cân cung - cầu mất cân bằng, thì xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch (biên mậu) là nguyên nhân khiến tình hình nông sản bấp bênh.

“Trung Quốc vẫn là một thị trường thực sự lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam vì có dân số đông, việc vận chuyển hàng hóa dễ dàng và cả nhu cầu về nông sản cũng không quá khác chúng ta. Tuy nhiên, con đường tiểu ngạch bao giờ cũng có nhiều rủi ro bởi giữa người mua và bán không có bất kỳ ràng buộc nào”, ông Tùng nói.

Là một thị trường hấp dẫn và sát vách, thế nhưng hiện chỉ có 8 loại nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc là thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm. Điều này khiến không ít doanh nghiệp bức xúc bởi dù muốn hay không, nếu trái cây không có tên trong danh mục này đều phải đi qua con đường biên mậu.

Sáng 21/12, Thứ trưởng Nông nghiệp Trần Thanh Nam cho biết một tin vui tại tọa đàm “Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc” rằng nước này đã đồng ý xem xét mở cửa cho sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, mãng cầu và măng cụt.

Đi chính ngạch vào các nước liệu có dễ dàng?

Việc Trung Quốc mở rộng danh sách nông sản được phép nhập khẩu chính ngạch vào nước này là một tín hiệu mừng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia lẫn doanh nghiệp xuất nhập khẩu, câu chuyện còn khá dài bởi trước mắt phải đáp ứng các tiêu chuẩn thì mới ra được thị trường nước ngoài.

“Người Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn của nông sản. Không phải vì đông dân nhất thế giới, nhu cầu nông sản, ẩm thực nhiều mà cái gì cũng có thể bán được cho Trung Quốc”, Tham tán Thương mại và kinh tế Trung Quốc thẳng thắn chia sẻ trong một hội nghị gần đây tại TP.HCM.

Dù sầu riêng được tiêu thụ mạnh tại Trung Quốc nhưng mới đây, nước này mới bắt đầu xem xét mở cửa. Ảnh: Phúc Minh.

Vị này cho rằng hiện Trung Quốc đã bắt đầu khó tính hơn trong việc sử dụng các mặt hàng nông sản. Quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản không đồng bộ của nông nghiệp Việt Nam dẫn đến chất lượng không đảm bảo, không đồng đều. Trong khi đó, Trung Quốc hiện bắt đầu và ngày càng đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc nông sản.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng người Việt vẫn chưa chủ động xem thị hiếu, nhu cầu của họ thực sự là gì để tập trung sản xuất. Vì vậy, mới có hiện tượng mặt hàng nào bán chạy là ồ ạt nhảy vào, đến khi đột ngột biến động thì không thể trở tay kịp.

“Chúng ta đang xuất khẩu nông sản như người làm vườn ngồi bán trước nhà mình. Phải thực sự hiểu rõ nhu cầu và động thái của thị trường thì các sản phẩm của mình làm ra mới đáp ứng được”, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, khẳng định.

Làm sao để đáp ứng được yêu cầu quốc tế?

Theo bà Hạnh, để nông sản trong nước được gia tăng về mặt giá trị và tiếp cận được các sân chơi khó tính trên thế giới, không chỉ là Trung Quốc thì trước tiên, các doanh nghiệp phải nâng cao “chuẩn chất” - tức các tiêu chuẩn và giá trị.

Cụ thể, GlobalGAP chính là chìa khóa để ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, hiện ngay cả tiêu chuẩn trong nước là VietGAP cũng chỉ 20% nông dân lẫn các hợp tác xã có thể lấy được.

Vườn ớt được trồng theo công nghệ Israel của một nông dân ngoại thành TP.HCM được bán với giá 60.000 đồng/kg cho hệ thống siêu thị. Ảnh: Phúc Minh.

Ngoài ra, bà cũng kiến nghị các doanh nghiệp nên chú ý làm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm bằng các phương thức chế biến thay vì chỉ xuất khẩu thô. Trong tương lai, các thị trường sẽ đánh giá cao việc nông sản đạt chất lượng tốt và được chế biến.

“Để làm được điều này buộc phải am hiểu thị trường, có sự đầu tư, trong đó có cả về công nghệ. Tuy nhiên, đó là thứ chúng ta không mạnh và cũng chưa tập trung. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu và có mạng lưới phân phối hiệu quả sẽ giúp các sản phẩm ra quốc tế tốt hơn”, Chủ tịch hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lại đặc biệt quan tâm quá trình đàm phán của Chính phủ, cơ quan chức năng với thị trường các nước để đưa nông sản đi theo con đường chính ngạch. Họ cho rằng đây là cánh cửa quan trọng đầu tiên để doanh nghiệp chuẩn bị.

“Chính phủ cần đàm phán trước, khi đàm phán thành công, việc còn lại là của doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ kết nối nhà nông để đưa vào các chuỗi sản xuất và cung ứng, xuất khẩu chính ngạch ra nước ngoài. Riêng Trung Quốc ngày càng muốn nhập khẩu chính ngạch, tôi cho rằng đó là bước để chúng ta mạnh dạn tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản, làm bước đệm cho sau này”, doanh nhân Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T, khẳng định.

Tác giả: Phúc Minh

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: nông sản , xuất khẩu

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP