Thế giới

Pakistan phóng thử tên lửa đạn đạo sau khi Ấn Độ mua S-400 của Nga

Pakistan đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Ghauri có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, không lâu sau khi "người hàng xóm" Ấn Độ từ chối các cuộc đối thoại hòa bình và ký thỏa thuận mua hàng tỷ USD vũ khí từ Nga.

Theo RT, hệ thống tên lửa Pakistan vừa thử nghiệm thành công có thể phóng cả tên lửa thường và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân với phạm vi 1.300 km. Chỉ huy Bộ tư lệnh các lực lượng chiến lược lục quân Pakistan (ASFC) Mian Muhammad Hilal Hussain ngày 8/10 thông báo lực lượng này đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Ghauri.

Tổng thống Pakistan Arif Alvi và Thủ tướng Imran Khan ca ngợi thử nghiệm thành công lần này.

“Phóng thử tên lửa nhằm củng cố khả năng hạt nhân của Pakistan hướng tới hòa bình và ổn định thông qua một cơ chế phòng bị đáng tin cậy.” – một tuyên bố cho biết.

Pakistan phóng thử thành công tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. (Ảnh: Pakistan Armed Forces)

Động thái này được nhìn nhận như làm leo thang căng thẳng với quốc gia láng giềng Ấn Độ, khi mà New Delhi hồi cuối tháng 9 vừa qua đã hủy các cuộc đối thoại hòa bình với Islamabad bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ).

Bộ Ngoại vụ Ấn Độ (MEA) bên cạnh đó cho rằng việc phân phối các mẫu tem bưu chính cổ vũ chủ nghĩa khủng bố của Pakistan cũng là một nguyên nhân Ấn Độ từ chối đối thoại.

Pakistan thực hiện thử nghiệm tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân chỉ vài ngày sau khi Ấn Độ chi 5,4 tỷ USD mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 từ Nga. Thỏa thuận được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ký trong chuyến công du của nhà lãnh đạo Nga tới New Delhi, Ấn Độ hôm 5/10.

Theo RT, Ấn Độ có thể trở nên bất ổn bởi thử nghiệm tên lửa hạt nhân của Pakistan, khi hai nước là đối thủ lâu năm và với thử nghiệm thành công lần này, Pakistan có thể trở thành cường quốc hạt nhân.

Tháng 9/2018, một nghiên cứu thuộc Dự án thông tin hạt nhân do Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ theo dõi cho biết số đầu đạn hạt nhân Islamabad sở hữu dự kiến tăng lên 220-250 cho đến năm 2025.

Về lý thuyết Pakistan sở hữu bom nguyên tử vào khoảng năm 1987, nhưng chỉ thử nghiệm thành công lần đầu vào năm 1998 và đây được coi là cột mốc đánh dấu vị thế sở hữu vũ khí hạt nhân của Islamabad.

Tác giả: PHƯƠNG ANH

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP