Cuộc sống

Phải làm gì khi cuộc sống... chơi vơi?

Không phải chỉ riêng con thỉnh thoảng rơi vào trạng thái chơi vơi, mà mẹ cũng thế.

Mô tả nó thế nào nhỉ? Tự nhiên, thấy cuộc sống thiếu niềm vui, thiếu ý nghĩa, không biết mình phải làm gì tiếp theo. Một nỗi lo mơ hồ rằng mình chẳng thiết tha với bất cứ điều gì trên cõi đời này. Không có gì thực sự khiến mình thích thú nữa. Và thậm chí vô cùng đáng sợ là mình chẳng thiết sống nữa.

Con gái yêu thương,

Mọi việc mình làm chẳng có kết quả đáng kể gì. Mình cũng chẳng biết mình sẽ làm việc gì tiếp theo. Hình như thế giới này không dành cho mình, mọi thứ đều đáng chán và mình chẳng có gì đáng kể trong tay. Tương lai mờ mịt, quá khứ thì không có gì đáng kể, hiện tại thì chán ngán...

Những lúc rơi vào trạng thái chơi vơi đó, thật khó chịu, đôi khi nguy hiểm nữa, phải không con? Nó khó chịu, bởi nó là khoảng giữa của hai thái cực, sung sướng (hạnh phúc, vui vẻ) và đau khổ (buồn chán, tuyệt vọng).

Khi con vui sướng, dễ rồi, con chỉ việc tận hưởng cảm giác đó thôi. Khi con buồn hoặc đau khổ, con cũng sẽ có một thôi thúc vượt qua cảm giác xuống đáy ấy. Nhưng khi con chơi vơi, thì trời đất ạ, con không biết phải làm gì!

Tại sao cảm giác chơi vơi lại nguy hiểm? Bởi nó đang tiêu tùng đời con mà con không hề nhận thức sâu xa điều đó. Những lúc chơi vơi chính là thời gian chết giữa cuộc đời.

Trớ trêu thay, khi con người đã già, hoặc chưa già, nhưng vì lý do nào đó cận kề cái chết, mới tiếc thương từng phút sống trên đời, thì đã muộn mất rồi.

Con người chỉ được sống một lần duy nhất, và không có một thiên đường nào, ở kiếp sau nào cả, chính lúc mình đang sống đây, ở chính nơi này, cuộc đời này, là thiên đường duy nhất. Vậy thì hãy căng mình ra mà sống, tận hưởng từng phút sống quý báu trên đời. Không ai là bất tử cả.

Hãy nhìn kỹ người đang hấp hối, hãy đến nghĩa trang nhìn những nấm mồ, hãy nhìn kỹ những người đang đau đớn tuyệt vọng vì bệnh tật ở trong bệnh viện, hãy nhìn những người khuyết tật đang cố gắng chống chọi với khó khăn, hãy nhìn những tù nhân mất tự do, đếm từng phút trôi qua trong nhà ngục... và sau đó, hãy nhìn lại bản thân mình. Để mỗi sáng thức dậy, thấy mình còn sống, còn khỏe mạnh, thì hãy mỉm cười cảm ơn cuộc đời.

Tập thể dục để khởi động cơ thể, nghĩ đến kế hoạch làm việc trong ngày để khởi động trí não, bắt đầu mỗi ngày bằng một niềm vui.

Chơi vơi, chính là cạm bẫy tinh vi của cảm xúc. Con hãy hình dung biểu đồ hình sin, sau khi lên đến đỉnh cao, thì nó sẽ đi xuống dần đến đáy. Chơi vơi, là cảm giác đang từ đỉnh cao đi dần xuống.

Hiểu được cơ chế này của cảm xúc, con sẽ bình tĩnh đón nhận nó, rồi để nó tự đi qua. Còn không hiểu, con sẽ để nó dìm nghỉm, thành một hố lầy khó thoát, và như trên mẹ đã nói, tiêu tùng cuộc đời trong hố lầy này.

Vậy để không mắc bẫy cảm xúc, không để mình rơi vào trạng thái chơi vơi quá lâu, chúng ta phải làm gì? Điều cốt lõi chính là nguồn năng lượng trong mỗi người.

Con hãy cố gắng giữ nguồn năng lượng ấy, không để nó vơi cạn, hoặc tuột mất. Nguồn năng lượng ấy chính là mơ ước cuộc đời mỗi người. Chúng ta cần xác định rõ mơ ước của mình, và đừng chỉ mơ về nó không thôi, hãy bắt tay thực hiện ước mơ đó ngay, hiện thực hóa ước mơ từ chính những việc nhỏ hàng ngày.

Kiên nhẫn với chính mình, và vui mừng với từng thành quả nhỏ, giữ gìn niềm vui ấy như giữ một ngọn lửa, không bao giờ để nó tắt. Cũng chớ mơ hết giấc mơ này tới giấc mơ khác, hãy kiên định với một ước mơ mà thôi, kiên định thực hiện nó.

Khi một việc chưa thành công, hãy động não ác liệt hơn nữa để tìm ra phương pháp hay hơn, hãy đầu tư thêm thời gian cho nó, làm lại theo cách khác, sẽ thấy kết quả khác. Không có phương pháp nào hay hơn để tích lũy năng lượng sống cho mình bằng việc thực hiện ngay ước mơ của mình, thực hiện nó hàng ngày, không bao giờ buông bỏ!

Kiên định thực hiện ước mơ, thất bại không nản mà thành công cũng không quá tự mãn, liên tục tăng cường nguồn năng lượng, duy trì cảm giác hưng phấn trong từng giây phút sống, làm việc và yêu thương hết mình thì con sẽ chẳng bao giờ rơi vào cái bẫy cảm xúc, chẳng bao giờ cho phép mình ở trong trạng thái chơi vơi.

Mẹ yêu con!

Tác giả: Kiều Bích Hậu

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP