Thế giới

Phát hiện biến chủng Covid-19 mới chứa nhiều đột biến nguy hiểm, có khả năng ức chế miễn dịch

Biến chủng R.1 đã được tìm thấy ở ít nhất 31 quốc gia trên thế giới và các chuyên gia cho rằng đây là một biến chủng nguy hiểm, có thể làm tăng khả năng lây nhiễm và ức chế miễn dịch.

New York Post đưa tin, biến chủng R.1 của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại một viện dưỡng lão ở Kentucky (Mỹ). Biến chủng này đã lây nhiễm cho 45 người cao tuổi và nhân viên, kể từ khi một nhân viên chưa tiêm chủng mắc bệnh vào hồi tháng 3 năm nay. Đáng nói hơn, nhiều người trong số họ đã tiêm vaccine Covid-19.

Biến chủng R.1 của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại một viện dưỡng lão ở Kentucky.

Theo Outbreak.info, trang web thu thập dữ liệu về các biến chủng SARS-CoV-2, tính đến ngày 21/9, hơn 10.567 người trên khắp thế giới đã nhiễm biến chủng R.1. Tại Mỹ, biến chủng R.1 lần đầu được phát hiện vào ngày 15/3, chiếm khoảng 0/5% số ca mắc Covid-19 ở nước này.

Đến nay, Mỹ đã ghi nhận 2.259 ca nhiễm R.1 tại 47 bang. Trong đó, Maryland là tiểu bang có số ca nhiễm biến chủng R.1 cao nhất với 399 ca mắc bệnh.

Một cụ già trong viện dưỡng lão được tiêm vaccine Covid-19.

Biến chủng R.1 nguy hiểm như thế nào?

Biến chủng R.1 lần đầu tiên được phát hiện ở Nhật Bản vào ngày 6/1, trên hành khách đến Tokyo từ bang Amazonas (Brazil) hôm 2/1. Hiện nó đã được tìm thấy ở ít nhất 31 quốc gia trên thế giới, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước ở Tây Âu.

Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) hiện chưa coi R.1 là "biến chủng đáng lo ngại hay cần quan tâm”. Tuy nhiên, Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản đã coi đây là biến chủng “đáng quan tâm”.

Biến chủng R1 lần đầu được phát hiện ở Nhật Bản.

Bởi lẽ, tính đến ngày 11/7, Nhật Bản đã ghi nhận 7.057 ca mắc biến chủng R.1. Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Tokyo, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 mắc biến chủng R.1 trong tháng 2 là 8%, nhưng con số này đã tăng lên 46% trong tháng 3.

Forbes dẫn lời chuyên gia bệnh truyền nhiễm William Haseltine nhận định, R.1 là một biến chủng cần được theo dõi. Biến chủng này đã xuất hiện và gây ra lo ngại ở cả Nhật Bản và Mỹ.

Biến chủng R.1 đã được tìm thấy ở ít nhất 31 quốc gia trên thế giới.

Biến chủng R.1 có khả năng ức chế miễn dịch?

Chuyên gia Haseltine cho biết, biến chủng R.1 có chứa 5 đột biến nguy hiểm có thể giúp nó tăng khả năng "lây lan, sao chép và ức chế miễn dịch". Trong 5 đột biến này có 2 đột biến ở phần gai protein của virus.

Chủng R.1 cũng chứa đột biến D614G có thể làm gia tăng khả năng lây lan của virus. Loại đột biến này từng xuất hiện trên nhiều biến chủng, nó có thể làm tác động tới phần gai protein trên virus - bộ phận giúp mầm bệnh xâm nhập vào tế bào người.

Các chuyên gia tin rằng vaccine vẫn có tác động tới việc làm giảm nguy cơ bị lây R.1 cũng như giúp bệnh nhân đã tiêm phòng giảm các triệu chứng của bệnh.

CDC cho biết, những đột biến này có khả năng khiến virus dễ lây nhiễm hơn và làm giảm hiệu quả của các kháng thể trung hòa. Thế nhưng, các chuyên gia tin rằng vaccine vẫn có tác động tới việc làm giảm nguy cơ bị lây R.1 cũng như giúp bệnh nhân đã tiêm phòng giảm các triệu chứng của bệnh.

Theo báo cáo của CDC, 75% số cư dân chưa được tiêm vaccine ở viện dưỡng lão bang Kentucky dương tính với chủng R.1. Con số này cao gấp 3 lần so với những người đã được tiêm vaccine là 25,4%.

Với nhóm nhân viên y tế, tỷ lệ mắc bệnh ở người chưa tiêm vaccine là 29.6%, cao gấp 4,1 lần những người đã được tiêm chủng (7,1%).

Báo cáo cũng chỉ ra vaccine của Pfizer/BioNTech có hiệu quả 66,2% trong việc ngăn ngừa ca nhiễm. Cụ thể, 86,5% ngăn ngừa triệu chứng và 94,4% ngăn ngừa số ca nhập viện và t.ử vong trước biến chủng R.1.

Tác giả: Trần Xuân - CTV

Nguồn tin: saostar.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP