Kinh tế

Quản lý sử dụng phí thu gom, vận chuyển rác ở Nghệ An thế nào?

Do nguồn kinh phí thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn hiện nay hạn chế, trong khi ngân sách tỉnh không kham nổi nên UBND tỉnh sẽ ban hành giá tiêu thụ tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Nghệ An để thay thế cho quy định trước đây.

Công ty TNHH môi trường Thái Bình Nguyên chịu trách nhiệm thu gom, xử lý rác thải ở 18 xã, thị trấn của huyện Quỳnh Lưu. Mỗi ngày, công ty phải thu gom 30 tấn rác và khó khăn hiện nay là trên địa bàn không có nhà máy rác nên phải chở lên tận Nghĩa Đàn hoặc ra Hoàng Mai xử lý nên chi phí rất cao. Bởi tại 2 nhà máy này yêu cầu phải phân loại ban đầu, trong khi rác ở các hộ dân lại không phân loại. Khi có loại rác không thể chôn lấp công ty phải đưa lên nhà máy xử lý và phải nộp chi phí xử lý 410.000 đồng/tấn, chưa tính chi phí vận chuyển.

Ngoài ra khó khăn nữa là việc tuyển dụng lao động, nếu trả lương thấp thì không tìm được người mà trả lương cao thì không cân đối được. Ông Hồ Ngọc Thái - Giám đốc công ty cho biết: Cho nên việc thu phí 4.000 đồng/khẩu/tháng là không thể đáp ứng mà công ty phải thỏa thuận với người dân để thu cao hơn.

Rác thải sinh hoạt của người dân Quỳnh Lưu ứ đọng với khối lượng rất lớn được phản ánh trong thời gian qua. Ảnh: Tân Bảo

Đó cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương trong vấn đề hợp đồng thu gom, xử lý rác thải. Chưa kể là ở các địa phương nơi có nhà máy rác lại không có rác xử lý do người dân thấy chi phí xử lý cao quá, không phối hợp.
Thực tế cho thấy việc quy định giá tiêu thụ tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt là cần thiết để các địa phương, doanh nghiệp chủ động trong việc lên các phương án thu gom, xử lý.

Theo mức giá dự thảo đưa ra: Hộ gia đình cư trú không tham gia kinh doanh phải nộp 8.000 đồng/khẩu/tháng đối với phường và 5.000 đồng/khẩu/tháng đối với thị trấn, thị tứ và 4.000 đồng/khẩu/tháng đối với các xã còn lại.

Các hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ có sử dụng từ 4 lao động trở lên và các hộ thải nhiều rác như bán xăm lốp ô tô, sửa chữa ô tô, xe máy, bán vật liệu xây dựng, sành sứ, thủy tinh, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản, giết mổ gia súc…thì phí thu 175.000 đồng/hộ/tháng (phường) và 155.000 đồng/ hộ/tháng đối với các xã.

Doanh nghiệp ăn uống có doanh thu trên 50 triệu đồng/tháng, mức thu 350.000 đồng/tháng, doanh nghiệp ăn uống có doanh thu từ 30 đến 50 triệu đồng/tháng, mức thu 300.000 đồng/tháng; các đơn vị ăn uống dịch vụ có doanh thu dưới 30 triệu đồng/tháng mức thu 215.000 đồng/tháng…

Trong thời gian qua, nhiều điểm trên đường ven Sông Lam đoạn qua xã Hưng Long (Hưng Nguyên) cũng trong tình trạng ứ đọng rác thải sinh hoạt. Ảnh: Lâm Tùng

Với mức giá tiêu thụ tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác nêu trên, cơ bản giữ nguyên như quy định hiện hành, bổ sung thêm mức giá tiêu thụ tối đa dịch vụ xử lý rác. Trong đợt điều chỉnh giá lần này, với việc quy định thêm giá xử lý rác thải sẽ làm tổng thể giá thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tăng hơn so với giá dịch vụ thu gom và xử lý được quy định tại Quyết định số 74/2016/QĐ-UBND.

Sau đó sẽ thực hiện lộ trình tăng giá dịch vụ, tiến tới bù đắp 100% chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn của từng địa phương, ngân sách không cấp bù.

Trong năm 2019 và năm 2020 mức thu giá dịch vụ phải đảm bảo bù đắp khoảng 70% chi phí thu gom vận chuyển và xử lý rác thải, đối với khoản kinh phí còn thiếu yêu cầu UBND huyện, thành, thị ưu tiên bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường đã được cấp và cân đối ngân sách huyện để bổ sung.

Khi thu tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các đơn vị lập, sử dụng hóa đơn cung ứng dịch vụ thực hiện theo quy định của pháp luật.

Nguồn thu từ cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Nghệ An, sau khi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cá nhân có quyền quản lý, sử dụng và điều hòa kinh phí theo quy định của pháp luật.

Đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An, căn cứ ý kiến của UBND huyện, thành, thị để quy định giá cụ thể cho từng khu vực, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và khả năng đóng góp của các đối tượng trên địa bàn và không vượt quá mức giá tối đa theo quy định tại Điều 2, Quyết định này.

Công nhân Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Nghệ An thu gom rác thải. Ảnh Lâm Tùng

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thu, nộp, quản lý giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn phụ trách.

Tổ chức thu và quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt theo đúng quy định.

Trong thời gian giá dịch vụ chưa bù đắp chi phí, đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và cân đối, bố trí kinh phí từ ngân sách cấp huyện để cấp bù cho các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các sở liên quan tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh giá tiêu thụ tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh khi có các yếu tố đầu vào làm biến động chi phí thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Tác giả: Trân Châu

Nguồn tin: Báo Nghệ An

  Từ khóa: rác thải , Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP