Trong nước

Quốc hội sẽ xem xét tờ trình về Công ước số 98

Quốc hội sẽ xem xét tờ trình của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Thanh Niên và nhiều tờ báo trong nước dẫn chương trình dự kiến kỳ họp thứ 7 do Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình tại phiên họp 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/5, thì vào chiều 29/5 tới, Quốc hội sẽ nghe trình bày tờ trình của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Sau đó, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Báo cáo thuyết minh và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Trước đó, ngày 10/5, tại phiên họp thứ 34, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Sau khi nghe các ý kiến từ Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận:

Việc cho ý kiến về gia nhập Công ước số 98 của ILO là nội dung quan trọng trong đổi mới chính trị của Việt Nam và thể hiện sự thận trọng của Việt Nam khi tham gia các điều ước quốc tế.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành với Tờ trình của Chủ tịch nước và Báo cáo thuyết minh của Chính phủ về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98; nhất trí với việc trình Quốc hội xem xét phê chuẩn gia nhập Công ước số 98, không bảo lưu nội dung nào của Công ước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xét thấy Công ước số 98 không có quy định nào trái với Hiến pháp 2013 và các nội dung của Công ước đều phù hợp và bảo đảm khả năng nội luật hóa để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, nghiên cứu những nội dung liên quan đến việc nội luật hóa Công ước gắn với các dự án luật, những vấn đề liên quan đến Luật Công đoàn; nêu rõ các nội dung liên quan đến Bộ Luật Lao động để trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động bảo đảm phù hợp với nội dung của Công ước; tiếp tục rà soát các luật có liên quan, các nghị định của Chính phủ về tổ chức thực thi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Đối ngoại, ngay sau phiên họp có thẩm tra chính thức trong đó nói rõ sự cần thiết gia nhập Công ước; việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất phê chuẩn; khẳng định tính hợp Hiến, hợp pháp của Tờ trình của Chủ tịch nước và Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và khẳng định khả năng áp dụng trong thực tiễn.

Công ước 98 có ba nội dung cơ bản gồm: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.

Tác giả: Ngọc An

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP