Trong nước

Sáp nhập xã, huyện: Tách hân hoan, nhập lại mấy người đồng ý

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng việc chia tách các đơn vị hành chính dễ hơn, ai cũng hân hoan, nhưng sáp nhập thì mấy ai đồng ý.

Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo góp ý kiến xây dựng đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021 ngày 10/7.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng, sự biến động, chia tách, hợp nhất các đơn vị hành chính dù cấp tỉnh, cấp huyện hay cấp xã trong từng giai đoạn đều nhằm mục đích nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, việc chia nhỏ đơn vị hành chính các cấp đã dẫn đến sự phân tán nguồn lực, chia nhỏ tiềm năng của địa phương, bộ máy thêm cồng kềnh, tăng biên chế… Những điều này làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: T.Hằng

Nhắc đến con số 259 huyện, 1.505 xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số cần được sắp xếp, Thứ trưởng cho rằng việc này có tác động đến hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn, đến sản xuất kinh doanh của người dân và tư tưởng đội ngũ cán bộ công chức ở những nơi sáp nhập.

Đây là một việc rất khó và phức tạp, nếu thực hiện đúng lộ trình và quy định mà Nghị quyết TƯ 6 đề ra thì số lượng đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện cần sắp xếp rất lớn.

“Có ý kiến cho rằng từ nay đến 2021 chỉ sắp xếp các đơn vị không đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số. Theo đó có 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 637 đơn vị cấp xã”, Thứ trưởng Tuấn nói.

Ông cũng nêu 1 câu chuyện nan giải cần giải quyết trong đề án là bố trí sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức.

Nhiều tỉnh, thành kêu khó

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng đặt câu hỏi: “Chỉ dựa vào 2 tiêu chí diện tích và dân số liệu có ổn?”. Ông Thắng dẫn chứng, quận Hoàn Kiếm quá nhỏ, chỉ 5km2, nhưng đơn vị hành chính quận Hoàn Kiếm là truyền thống, là bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến.

Ông lưu ý: “Máy móc là nguy hiểm”.

Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn cũng đồng tình cần nghiên cứu sâu vào các yếu tố cấu thành đơn vị hành chính, đặc biệt là yếu tố phong tục tập quán, xem xét trong mối liên hệ hài hòa với tiêu chuẩn về diện tích và dân số.

“Những tiêu chí về diện tích và dân số trong nghị quyết của UB Thường vụ QH là khá cao. Hà Nội có 30 quận, huyện, thị xã; 584 xã, phường, thị trấn thì hầu hết không đạt tiêu chí về diện tích. Lớn nhất là Ba Vì - huyện trung du miền núi cũng chỉ có hơn 200km2, không thể đạt đến con số 450km2 theo quy định của nghị quyết”, ông phân tích.

Theo ông Đoàn, hầu hết các phường ở nội đô, 4 quận trung tâm hình thành từ ngàn năm nay nhưng cũng không có phường nào diện tích 5,5km2. Cả quận Hoàn Kiếm diện tích chỉ 5,5km2, dân số gần 20 vạn người. Lớn như quận Đống Đa có 9km2, dân số 40 vạn người. Có những phường như Phúc Tân diện tích 0,76km2 nhưng hơn 20 nghìn dân. Mai Động 0,8km2 nhưng dân số 46 nghìn người…

Ông Vũ Bá Rồng, Phó GĐ Sở Nội vụ Bắc Ninh nhìn nhận đây là nội dung vô cùng khó. Bắc Ninh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, nếu xét theo tiêu chuẩn thì 100% không đủ tiêu chí về diện tích tự nhiên. Tương tự, 100% đơn vị ở cấp xã cũng không đủ điều kiện tiêu chí về diện tích.

Theo ông, yếu tố tồn tại của các đơn vị hành chính cấp huyện, xã gần như mang yếu tố lịch sử, thậm chí trước cả thời Pháp thuộc... Vì vậy sắp xếp hết sẽ dẫn tới sự xáo trộn rất lớn của các tỉnh, các địa phương.

“Không biết chúng ta có làm được không và có cần thiết không, Nếu sắp xếp chỉ vì giảm được một số đầu mối và một số cán bộ nhưng so với hiệu quả quản lý, sự bảo đảm tính ổn định và phát triển lâu bền thì phải tính toán”, ông Rồng băn khoăn.

Không sáp nhập cơ học, máy móc

Đại diện Nghệ An cho biết, tỉnh có 480 xã, phường, trong đó chưa đủ tiêu chuẩn cả 2 tiêu chí có 46 xã, 302 xã không đạt 50% diện tích hoặc dân số, còn lại là số xã đạt trên 50% cả 2 tiêu chí.

“Như vậy số lượng sáp nhập rất nhiều và không phải nhập 2 xã lại với nhau mà theo chúng tôi tính toán, phải nhập 5 xã lại mới đủ diện tích quy định”, vị này dẫn chứng.

Về đơn vị hành chính cấp huyện có 21 huyện, TP nhưng đạt chuẩn cả 2 tiêu chí trên 50% chỉ có 3, còn lại không đạt và phải sáp nhập.

Ông cũng băn khoăn có những huyện, xã diện tích rất rộng nhưng dân ít hoặc có những nơi dân đông nhưng diện tích nhỏ thì sắp xếp như thế nào.

Ông cũng lo lắng khi sắp xếp thành các huyện, xã mới thì cho phép lượng biên chế công chức, viên chức cao hơn quy định nhưng phải có giải pháp để tinh giản biên chế 20% theo lộ trình.

Nhưng nhập 2 huyện làm 1 thì dôi dư ít nhất 70-80 người, mà chỉ tinh giản 20% thì chỉ giải quyết 1/3 số biên chế dôi dư. Nếu nhập 3 xã làm 1 thì thừa cán bộ của 2 xã gần 50 người phải xử lý thế nào - ông đặt vấn đề.

Vì vậy, đại diện tỉnh Nghệ An cho rằng, đi cùng với việc sắp xếp này, phải có khoản kinh phí lớn để giải quyết chế độ chính sách. Còn nếu nhập cơ học, dồn cán bộ về 1 cục, sắp xếp thế nào sẽ rất khó.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định: “Trong đề án nói đến yếu tố đặc thù và không sáp nhập cơ học, máy móc”.

Nhắc đến tổng số đơn vị hành chính cấp huyện qua 30 năm đã tăng 282 đơn vị và cấp xã tăng 1.505 đơn vị, Thứ trưởng Nội vụ nhấn mạnh: “Con số khủng khiếp”.

Điều đó dẫn đến bộ máy cồng kềnh, biên chế tăng, gánh nặng ngân sách ngày một tăng, mỗi lần cải cách lương không có kinh phí, cán bộ, công chức không ai sống bằng lương, ai cũng kêu lương thấp.

“Chia tách dễ hơn, ai cũng hân hoan, nhưng sáp nhập lại thì mấy ai đồng ý”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn chốt lại: “Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cần phải tính toán kỹ để khi triển khai đảm bảo tính khả thi”.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP