Nhân ái

Số phận bi thương của người phụ nữ nuôi 4 con bị bệnh Down và người chồng bệnh tật

“Nhiều lúc tủi thân tôi chỉ muốn chết đi cho xong. Nhưng suy nghĩ lại thì tôi chết thì dễ còn ông ấy với mấy đứa biết sống tiếp thế nào. Không đành lòng nên nên dù vất vả thế nào tôi cũng phải cố gắng sống thôi” - bà Bùi Thị Duân (xóm Yên Quang, xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) nghẹn ngào.

4 đứa con của bà Duân dù đã lớn nhưng cứ như những đứa trẻ.

Chúng tôi tìm đến xóm Yên Quang, xã Thanh Yên (Thanh Chương, Nghệ An) vào một ngày đầu năm 2019, khi cái giá rét của mùa đông đang về trên mảnh đất miền Trung. Ngay từ đầu làng, khi được hỏi đường về nhà bà Duân, ai ai cũng biết và không nén được tiếng thở dài khi nhắc đến. “Trước nay bà ấy ăn ở hiền lành, không hiểu sao ông trời làm khổ bà ấy như vậy nữa” – bà Tuyết, một người dân ở đây chia sẻ.

Theo lời chỉ dẫn, không khó để chúng tôi tìm ra căn nhà nghèo nhất làng của bà Duân. Giữa khoảng sân nho nhỏ, ngôi nhà lụp xụp toát lên vẻ ảm đạm, u ám, có lẽ nó đã được xây dựng từ lâu mà chủ nhân chưa có điều kiện tu sửa lại. Toàn bộ mái ngói đã ngả màu thời gian, những cánh cửa gỗ ọp ẹp như chỉ chực rơi ra khỏi bản lề và để lộ những khoảng trống lớn, không thể ngăn nổi những cơn gió lạnh lùa vào trong nhà.

Khi thấy chúng tôi đến, những đứa con của bà Duân, đứa nhao nhác chạy, đứa trốn sau cửa vì sợ người lạ, những ánh mắt lấm lét khẽ liếc nhìn chúng tôi. Bà Duân nhìn mấy đứa con rồi nhìn chúng tôi với anh mắt ái ngại “Mấy đứa rứa đó. Cứ thấy người lạ là chạy thôi, có biết gì đâu”. Trong căn nhà xiêu vẹo, không có thứ gì đáng giá, ông Nguyễn Duy Bảy (chồng bà Duân) đang nằm ở một góc giường, bà bảo hôm nay trở trời nên ông lại ốm. Tiếp chúng tôi bằng cốc nước chè nhạt, bà Duân từ từ tâm sự về cuộc đời gian truân của mình.

Ngoài việc còng lưng chăm sóc 4 đứa con bệnh DOWN, bà Duân còn phải chăm sóc thêm người chồng nằm liệt giường

Năm 1992, bà Duân về làm dâu nhà ông Bảy. Cuộc sống tuy vất vả nhưng cũng rất hạnh phúc khi vợ chồng yêu thương nhau. Hai năm sau, ông bà vui mừng chào đón cô con gái đầu lòng mà không ngờ rằng, từ đây, những gian truân của họ bắt đầu. Sinh ra lành lặn nhưng con gái bà Duân chậm phát triển, có lớn mà không có khôn, suốt ngày ngẩn ngơ, khi đi khám thì được chuẩn đoán bị bệnh Down bẩm sinh. Khóc hết nước mắt, ông bà tìm cách chạy chữa cho con, nhưng tiếc thay đây là căn bệnh không phương cách nào chữa được. Tìm kiếm hi vọng, vợ chồng bà Duân lần lượt sinh thêm 3 người con, 2 gái 1 trai nhưng số phận tiếp tục trêu ngươi khi cả 3 người con này từ khi sinh ra đều có vấn đề về thần kinh, có đứa còn bị khiếm khuyết cơ thể.

“Tưởng khổ đến thế là cùng rồi nhưng vẫn chưa hết chú à” bà Duân nói trong nước mắt. Hai vợ chồng ông bà làm lụng vất vả nuôi các con được một thời gian thì đến năm 2017, người chồng đồng cam cộng khổ của bà Duân bất ngờ đổ bệnh tai biến. Vay mượn khắp nơi để đưa chồng đi chữa trị, bà Duân mới cứu được mạng sống của ông Bảy. Thế nhưng, sau lần vào sinh ra tử ấy, ông Bảy không còn làm được việc gì nữa, chỉ có thể quanh quẩn góc nhà, đôi lúc ông còn mất trí nhớ, không nhận ra cả vợ mình. Gánh nặng từ đó dồn tất cả lên đôi vai gầy của bà Duân.

Ngôi nhà xập xệ, xuống cấp đã trải biết bao nhiêu thời gian chưa được tu sửa.

Nhà có 6 miệng ăn thì 5 người bị bệnh tật. Để nuôi sống cả gia đình, ngoài 20 thước ruộng, hàng ngày, bà Duân phải đi phụ hồ khắp nơi để kiếm tiền. Dù mưa hay nắng, bà không lúc nào ngơi tay, ngày đi làm, tối về lại tất bật cơm nước, tắm rửa cho chồng và các con. Rồi những lúc trái gió trở trời, ông Bảy và các con đau ốm cũng chỉ một tay bà chăm lo. Bởi vậy, dù mệt mỏi đến đâu, bà cũng không cho phép mình được ốm.

Ngồi trước mặt chúng tôi, người phụ nữ có nước da sạm đen, khuôn mặt khắc khổ, như già hơn tuổi thật cả chục tuổi. Đưa ánh mắt nhìn ra ngoài sân, Bà Duân khẽ giấu giọt nước mắt: “Nhà tôi được xếp là hộ nghèo, hàng năm, xóm làng với trên xã cũng có thăm hỏi, động viên nhưng ở mình là chính thôi chú ạ. Giờ còn tý sức thì còn lo được cho chồng con bữa cơm bữa cháo. Nhưng mấy năm nay tôi cũng yếu đi nhiều rồi, người ta thuê phụ hồ cũng là thương mà giúp thôi. Mai mốt có tuổi, không biết rồi ai lo được cho ông ấy và mấy đứa nữa?”

Câu hỏi của bà Duân vẫn làm chúng tôi day dứt mãi trên đường về. Cuộc đời dường như đã thử thách bà quá nhiều. Những con người khốn khổ trong căn nhà ấy, 5 người bệnh tật và một người phụ nữ yếu ớt đang gắng gượng với chút sức lực còn lại, có lẽ đang cần rất nhiều sự giúp sức từ cộng đồng để có thể sống tiếp, nuôi hi vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Mọi sự giúp đỡ xin được gửi về:

Bà Bùi Thị Duân - Xóm Yên Quang, xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Điện thoại: 0339839415.

Tác giả: Đình Nguyên

Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP