Tin trong tỉnh

Sống thấp thỏm dưới chân núi sắp sạt lở

Địa phương đã phải làm 6 nhà tạm cho 6 hộ có nguy cơ cao nhất di dời khỏi vùng nguy hiểm. Còn 11 hộ dân vẫn ở tại chỗ, nhưng khi có mưa to luôn sẵn sàng di chuyển.

Người dân vô cùng lo lắng

Ngày 17/11, ông Lương Đình Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An cho biết, đã có báo cáo khẩn cấp gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc khu vực đồi núi của bản Bủng Xát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông xuất hiện vết nứt lớn hình vòng cung trượt.

Trước đó, do ảnh hưởng của mưa lớn trong cơn bão số 9 vừa qua, tại khu vực đồi núi của bản Bủng Xát xuất hiện vết nứt khá lớn. Qua kiểm tra ban đầu, đoạn nứt có chiều dài khoảng 70m, dọc theo tuyến đường giao thông; sụt lún so với mặt bằng tự nhiên khoảng 50-60cm.

Khu vực sạt lở đồi núi của bản Bủng Xát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông.

Theo báo cáo, nguyên nhân được xác định là do khu vực đồi núi bị nứt có độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở cao, khi tiếp tục có mưa to đã mất cân bằng về kết cấu địa chất; các dòng khe trên núi chảy vào vị trí cung trượt này...

“Nếu xảy ra sạt lở đất, ngoài nguy cơ vùi lấp các hộ dân ở phía dưới chân đồi, còn gây tắc nghẽn toàn bộ tuyến đường giao thông, từ đồn Biên phòng Châu Khê đến trung tâm xã. Chúng tôi đang tích cực tìm biện pháp, người dân sống nơi đây hiện đang vô cùng lo lắng”, ông Việt nói.

Ngay từ khi bão số 9 đổ vào đến nay, để bảo đảm an toàn cho những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm này, UBND huyện Con Cuông đã tiến hành di dời toàn bộ 17 hộ dân với 68 nhân khẩu đến nơi an toàn. Đồng thời, bảo đảm các nhu yếu phẩm thiết yếu cho số người dân này ở điểm sơ tán.

Những ngôi nhà này nằm ngay dưới chân ta luy đã bị đất đá sạt lở đến chân móng nhà. Nếu quả đồi tiếp tục sạt lở, lượng đất đá của quả đồi ước tính hàng nghìn m3 có thể vùi lấp hoàn toàn các hộ ở phía dưới, đe doạ tính mạng hàng chục hộ dân.

Theo ghi nhận tại hiện trường, ngọn núi ở bản Bủng Sát xuất hiện một vết nứt kéo dài hàng trăm mét chạy quanh ngọn núi. Phía dưới chân núi có cả trăm người dân đang sinh sống. Từ khi xuất hiện vết nứt lớn trên núi, xã Châu Khê đã bố trí lực lượng túc trực tại hiện trường để cảnh báo người dân qua lại và không cho lên khu vực sạt lở.

Ông Việt cho biết thêm: “Thời điểm bão số 13 sắp vào, để bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, địa phương đã tổ chức lực lượng thường trực 24/24 giờ tại vị trí có nguy cơ sạt lở đất, cảnh báo người dân qua lại và không cho người dân về nhà khi chưa bảo đảm an toàn”.

Ngôi nhà chênh vênh bên khu sạt lở.

Sau khi bão đi qua, một số người dân đã trở về nhà, tuy nhiên nhiều người vì lo sợ nên vẫn đang tạm ở nhờ nhà người thân. Bà Lô Thị Liên (62 tuổi, trú Bủng Xát ở gần ngọn núi bị sạt lún) cho hay: “Nhà tôi đất sụt lún vào gần móng, ngay trong đêm tôi phải lánh sang bản khác hiện chưa dám về. Tôi lo rằng mưa thêm vài ngày nữa chắc nửa quả đồi sẽ bị sập hoàn toàn”.

Cũng bởi vì mức độ nguy hiểm của vụ việc, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã kiểm tra tình hình sạt lở trên, xác định tính cấp bách phải di dời, tái định cư. Ông Hiếu yêu cầu UBND huyện Con Cuông phải ổn định cuộc sống cho toàn bộ 17 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất; đồng thời, sớm có phương án xử lý khối đất có nguy cơ sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng người dân và giao thông trên tuyến.

Lên phương án khẩn cấp

Ông Vi Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết, đơn vị đã lập dự án xây dựng di dời khẩn cấp các hộ dân vùng thiên tai, sạt lở đất tại bản Bủng Xát, xã Châu Khê, với tổng mức đầu tư dự kiến 20 tỷ đồng, trình UBND tỉnh Nghệ An xem xét, phê duyệt.

“Có hai phương án: Phương án 1, sắp xếp chỗ ở ổn định đời sống cho 17 hộ di dời tại nơi ở cũ nếu sau khi xử lý vùng sạt lở bảo đảm an toàn, ổn định lâu dài. Phương án 2, xây dựng khu tái định cư mới và di dời toàn bộ 17 hộ dân đến khu tái định cư này hoặc xen ghép tùy theo tình hình thực tế tại quỹ đất của địa phương”, ông Sơn nói.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đó, UBND huyện Con Cuông đã có phương án di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trước mắt, vận động di dời 6 hộ có nguy cơ cao nhất đến ở tạm trong vườn nhà của anh em; 11 hộ dân còn lại vẫn ở tại chỗ, nhưng khi có mưa to, địa phương phải tổ chức di dời ra khỏi nhà.

Nếu mưa nhiều ngày khả năng sạt lở rất cao.

Ông Nguyễn Đình Hùng – Bí thư huyện Con Cuông cho rằng, quan điểm của huyện là xử lý khu vực có nguy cơ sạt núi nói trên bằng cách kè đá để giữ đất và tránh hư hỏng đường giao thông. Đối với 17 hộ dân ở bản Bủng Xát, phải bố trí khu tái định cư để ổn định cuộc sống lâu dài. Tuy nhiên, để khảo sát được khu tái định cư thuận lợi là rất khó, vì trên địa bàn xã Châu Khê hiện nay hiếm có vị trí thích hợp.

“Về lâu dài, UBND huyện Con Cuông khẩn trương thuê tư vấn khảo sát lập phương án xử lý cấp bách khối đất có nguy cơ sạt lở và sắp xếp tái định cư, ổn định đời sống cho toàn bộ 17 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở núi”, ông Hùng nói.

Ông Kha Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Châu Khê, huyện Con Cuông - cho biết: “Ngay khi nhận được tin báo, lãnh đạo xã đã tuyên truyền, vận động di dời khẩn cấp 17 hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Ngoài ra cử lực lượng túc trực 24/24 ở bản Bủng Xát để cảnh báo người dân qua lại vì tình trạng sạt lở núi. Đồng thời, khẩn trương tiến hành làm các nhà tạm để di dời các hộ dân đến nơi an toàn”.

Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP