Tin trong tỉnh

Thêm 60 xã trồng cam Vinh được chứng nhận chỉ dẫn địa lý

Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ban hành Quyết định số 5004/QĐ-SHTT về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00012 cho sản phẩm cam Vinh ở Nghệ An thêm 60 xã của 9 huyện, thị xã.

Trong vụ cam năm 2019, hàng nghìn hộ trồng cam trên địa bàn tỉnh Nghệ An được cấp bổ sung chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh.

Khu vực địa lý trồng cam từ 12 xã thuộc 5 huyện lên 73 xã thuộc 11 huyện của tỉnh Nghệ An

Cụ thể, mở rộng khu vực địa lý trồng cam từ 12 xã thuộc 5 huyện lên 73 xã thuộc 11 huyện của tỉnh Nghệ An.

61 xã được bổ sung là các xã có điều kiện đặc thù về tự nhiên và kỹ thuật canh tác tương đồng với 12 xã đã được bảo hộ.

Cam Vinh được Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00012 theo Quyết định số 386/QĐ-SHTT ngày 31/5/2007.

Theo Quyết định này, sản phẩm cam quả mang chỉ dẫn địa lý gồm các giống: cam Xã Đoài, cam Vân Du, cam Sông Con nằm trong khu vực địa lý thuộc các xã: Nghi Diên, Nghi Hoa thuộc huyện Nghi Lộc; Hưng Trung thuộc huyện Hưng Nguyên; Nghĩa Bình, Nghĩa Hiếu, Nghĩa Hồng, Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn thuộc huyện Nghĩa Đàn; Minh Hợp thuộc huyện Kỳ Hợp; Tân An, Tân Long, Tân Phú thuộc huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.

Cam Con Cuông vào mùa thu hoạch

Nghệ An hiện có 5.600 ha cam, trong đó có gần 3.000 ha cam kinh doanh, sản lượng cam khoảng gần 50.000 tấn. Cam được trồng nhiều ở các vùng: Con Cuông, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên… với các giống cam chủ yếu như: Xã Đoài, Vân Du, V2, Sông Con.

Theo ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An: Những địa phương được cấp chứng nhận chỉ giới địa lý cam Vinh đã đáp ứng được nguyện vọng của những người trồng cam từ trước tới nay. Sau khi được chứng nhận, các sản phẩm cam ở các địa phương này có cơ hội quảng bá tại các hội chợ, đồng thời được dán tem truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị cam quả.

Cây cam ở Nghệ An được trồng từ lâu đời và phát triển mạnh vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Qua nhiều thế hệ, người dân trồng cam địa phương đã chọn lọc và phát triển một loại cam được đông đảo người dân ưa thích và trở thành một trong những cây chủ lực của tỉnh Nghệ An.

Nhờ những đặc tính nổi trội, cam vùng này đã nổi tiếng cả nước và trở thành đặc sản của xứ Nghệ. Nhất là sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, sản phẩm cam đã không ngừng phát triển, từ đó nâng cao được giá trị kinh tế, giúp bà con nhân dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất.

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP