Giáo dục

Thi học sinh giỏi 5/20 điểm cũng đạt giải: Sự mỉa mai danh hiệu từ thói “so bó đũa, chọn cột cờ”

Gần đây, kết quả kỳ thi học sinh giỏi TP.Rạch Giá, Kiên Giang đang gây xôn xao dư luận vì điểm thi ở mức trung bình mà đạt giải học sinh giỏi. Nhiều chuyên gia cho rằng, kết quả “thê thảm” này chính là sự mỉa mai nặng nề đối với danh hiệu học sinh giỏi, cần một “phương thuốc” kịp thời.

Cụ thể, theo danh sách, kỳ thi học sinh giỏi TP.Rạch Giá, Kiên Giang có 390 học sinh thuộc các trường THCS dự thi các môn Ngữ văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Tiếng Anh và Tin học. Bài làm của học sinh được chấm theo thang điểm 20. Có môn chỉ cần 5 điểm là có giải, có nhiều môn thí sinh đi thi học sinh giỏi mà bị điểm 0. Chẳng hạn, môn Toán chỉ cần 11,5 điểm (thang điểm 20) là đạt giải Nhất, 5 điểm là thí sinh đạt giải Khuyến khích.

Sự mỉa mai từ việc “so bó đũa, chọn cột cờ”

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, cô giáo Trịnh Thị Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn tại hệ thống giáo dục Hocmai nhận định: “Hiện tượng điểm quá thấp trong bất kỳ một kỳ thi nào cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề: chất lượng dạy và học; chất lượng đề thi; chất lượng giám khảo...”.

Theo cô Thu Tuyết, kỳ thi học sinh giỏi TP.Rạch Giá, Kiên Giang, huy động tới 390 học sinh thuộc các trường THCS dự thi các môn Ngữ văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Tiếng Anh và Tin học, cũng có nghĩa sẽ kéo theo một số lượng rất lớn giáo viên ra đề, coi thi, chấm thi, công nhân viên phục vụ kỳ thi...

“Vậy mà kết quả lại quá thê thảm, ví dụ môn Toán chỉ cần 5/20 điểm (tương đương 2,5 điểm trong thang điểm 10) là giải Khuyến khích, được 11,5/20 điểm (tương đương 5,75 điểm trong thang điểm 10) là đạt giải Nhất! Ngoài ra, nhiều môn thí sinh đi thi học sinh giỏi mà bị điểm 0.

Quan sát kết quả thực tế kỳ thi chọn học sinh giỏi của TP.Rạch Giá, Kiên Giang, có thể thấy chất lượng giáo dục của địa phương nếu các trường đã chọn đúng những học sinh giỏi nhất đi thi.

Kết quả thi của trò và cách xếp giải của thầy khiến kỳ thi mất đi ý nghĩa đáng tự hào vốn có, đó là phát hiện học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. Xếp giải không còn là giải cho học sinh giỏi mà thành việc “so bó đũa, chọn cột cờ”, đó là sự mỉa mai nặng nề cho danh hiệu “học sinh giỏi” và kì thi chọn học sinh giỏi! Xếp giải theo cách “cố đấm ăn xôi” thế này không chỉ khiến kỳ thi vô nghĩa, học trò xấu hổ, dư luận bức xúc mà còn bộc lộ tâm lý vị thành tích của địa phương!”, cô Thu Tuyết nhấn mạnh.

Kết quả kỳ thi học sinh giỏi TP.Rạch Giá, Kiên Giang đang gây nhiều bất ngờ, xôn xao trong dư luận. (Ảnh minh họa).

Trước thông tin này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam cũng thực sự bất ngờ: “Thật vô lý! Một kỳ thi học sinh giỏi mà lấy điểm chỉ 1/4 cũng đạt giải thì chất lượng học sinh như thế nào?

Đáng lẽ, đối với học sinh giỏi, ít nhất cũng phải làm được 1/2 đề thi, tức là 10/20 điểm, chứ đừng nói đến chuyện chỉ đạt 5/20 điềm mà cũng đạt giải của kỳ thi. Tôi thực sự không hiểu, mấy danh hiệu đó để làm gì?”.

“Bắt mạch”, “bốc thuốc” để cứu sống kỳ thi

Sau khi chỉ ra những biểu hiện trên, cô Thu Tuyết bày tỏ: “Kỳ thi chọn học sinh giỏi không nên huỷ bỏ, vì đó là cơ hội phát hiện tài năng cho tương lai, việc luôn có ý nghĩa với cả cá nhân và xã hội.

Tuy nhiên, những hệ luỵ nằm trong tính hệ thống những tồn tại chung của giáo dục, từ tư tưởng chạy theo thành tích, chạy thầy chạy giải, từ những thoả thuận “ngầm”, những tiêu cực gây bất ổn cho ngành giáo dục nói riêng và cho xã hội nói chung…

Vì vậy, vấn đề là phải “bắt mạch” và “bốc đúng thuốc” chứ không phải huỷ bỏ cuộc thi! Nấu hỏng nồi cơm thì phải xem lại hệ thống điện/bếp chứ không ai lại bỏ hẳn việc nấu cơm!”.

Giáo viên này phân tích: “Nếu do độ chênh quá lớn giữa yêu cầu của đề với mặt bằng chung của học sinh, trách nhiệm đương nhiên phải xem xét ở khâu ra đề và thẩm định - phản biện đề. Tuy nhiên, vì đây là kì thi học sinh giỏi nên mức độ phải tương xứng với yêu cầu của học sinh giỏi!

Ban ra đề phải trên cơ sở nền tảng kiến thức phổ thông, phân loại mức độ giỏi - khá - trung bình - kém, ra đề hướng tới khả năng của nhóm học sinh có kiến thức và năng lực xuất sắc, không thể nương theo mức độ đại trà một khu vực vùng miền để ra đề, bởi kỳ thi chọn học sinh giỏi không giống việc “đo ni đóng giày”!

Nếu đề thi đáp ứng đúng yêu cầu phát hiện những học sinh giỏi và xuất sắc, đúng tiêu chí bộ môn và bậc học phổ thông, vấn đề điểm số quá thấp có thể xem xét tiếp ở khâu chất lượng giám khảo, cụ thể là năng lực chuyên môn và ý thức trách nhiệm”.

Cô Trịnh Thị Thu Tuyết, giáo viên tại hệ thống giáo dục Hocmai đánh giá kết quả kỳ thi học sinh giỏi "thậm tệ" và như một sự mỉa mai danh hiệu.

Cuối cùng, cô giáo Thu Tuyết cho rằng: “Quan trọng nhất là xem xét chất lượng dạy và học của thầy và trò cùng cơ chế tổ chức kỳ thi và xếp giải! Sự chênh lệch chất lượng giáo dục ở các vùng miền là thực tế khó tránh; vấn đề là những người làm công tác giáo dục cần đủ dũng cảm nhìn thẳng vào thực trạng giáo dục địa phương, đủ bản lĩnh từ chối một kỳ thi có thể chưa phù hợp với địa bàn của mình, tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục đại trà thay vì chạy theo phong trào, đầu tư công sức, tiền của vào những hoạt động trước mắt chưa đạt mục đích đề ra, đồng nghĩa với việc làm vô nghĩa!”.

GS.TS Phạm Tất Dong cũng cho rằng: “Với một kỳ thi quan trọng như vậy, không thể có chuyện lỗi tại đề thi quá khó, như nhiều người “biện hộ”. Cả ban soạn thảo đề thi, phải căn cứ biết bao yếu tố, căn cứ vào trình độ học sinh, căn cứ vào chương trình học, căn cứ vào mức độ tại địa phương…; sau khi xây dựng và lựa chọn đề thi một cách cẩn thận mới đưa vào kỳ thi, chứ đâu phải cứ thích là đưa vào được đâu…

Nếu không tổ chức được một kỳ thi học sinh giỏi đúng nghĩa, tuyển chọn những người giỏi thực sự, thì cuộc thi được tổ chức với ý nghĩa gì?!”.

Tác giả: Cẩm Mịch

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP