Giáo dục

Thi THPT quốc gia 2019: Sẽ khắc phục một số câu hỏi quá khó trong đề thi

Khắc phục việc nội dung đề thi có một số câu quá khó, đảm bảo đề thi phù hợp hơn với tính chất của Kỳ thi THPT quốc gia và thời gian làm bài của thí sinh.

Đó là một trong những giải pháp mà Bộ GD&ĐT đưa ra về kỳ thi THPT quốc gia 2019 sắp tới, trong bản trả lời ý kiến cử tri về kỳ thi THPT quốc gia.

Bộ GD&ĐT cho biết, phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục thực hiện trong năm 2019 và các năm tiếp theo với những điều chỉnh kỹ thuật, nhất là khâu chấm thi.

Phần mềm chấm thi có kẽ hở trong bảo mật

Theo Bộ GD&ĐT, phần mềm chấm thi trắc nghiệm tuy đã liên tục được Bộ GD&ĐT hoàn thiện để nâng cao hiệu quả, tính bảo mật của yêu cầu chấm thi, tuy nhiên do vẫn còn có những kẽ hở trong bảo mật nên đã bị một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi, nhất là khi người dùng thực hiện gian lận có tổ chức và có chủ đích từ trước.

Bên cạnh đó, công tác giám sát của Bộ GD&ĐT ở một số khâu tổ chức thi tại địa phương chưa thật sự sâu sát, hiệu quả chưa cao.

Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh của các địa phương để xảy ra sai phạm chưa thực hiện đầy đủ vai trò chỉ đạo, tổ chức thi ở địa phương mình.

Trong đó, công tác lựa chọn cán bộ tham gia tổ chức thi, nhất là ở các khâu trọng yếu, như coi thi, chấm thi còn chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất và năng lực; việc quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi chưa đạt hiệu quả theo yêu cầu tổ chức thi.

Chấm thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình (Ảnh: Mỹ Hà).

Một số cán bộ tham gia tổ chức thi, nhất là khâu chấm thi chưa thực hiện đúng chức trách của mình; cá biệt, một số cán bộ thoái hóa phẩm chất, có ý định gian lận từ trước đã cấu kết với nhau để cắt xén hoặc vô hiệu hóa quy trình đã được quy định rất cụ thể, chi tiết để thực hiện hành vi gian lận nâng điểm thi cho thí sinh.

Từ việc phát hiện một số dấu hiệu bất thường về điểm thi tại một số địa phương trên cơ sở phân tích dữ liệu kết quả thi và tiếp nhận các thông tin phản ánh trong dư luận xã hội, Bộ GD&ĐT đã khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát, xác minh ở các địa phương có nghi vấn.

Đồng thời, Bộ tổ chức chấm thẩm định bài thi tại một số địa phương khác theo quy định của quy chế. Kết quả của quá trình tổ chức thực hiện tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lâm Đồng, Bến Tre đã được thông tin rộng rãi cho toàn xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận, biểu dương Bộ GD&ĐT đã kịp thời, khẩn trương rà soát, xác minh kết quả thi bất thường ở một số địa phương; đồng thời yêu cầu Bộ GDĐT phát huy ưu điểm của kỳ thi THPT quốc gia những năm qua, tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật đảm bảo giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của Kỳ thi.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã nghiêm khắc phê bình, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh các địa phương xảy ra sai phạm và có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định.

Việc chấm thi theo cụm đảm nguyên tắc cán bộ chấm thi không chấm bài thi của thí sinh tỉnh mình. (Ảnh: Mỹ Hà).

Chấm thi THPT quốc gia theo cụm

Theo văn bản báo cáo của Bộ GD&ĐT, để tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, đơn vị này chỉ đạo rà soát và hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của Kỳ thi; sửa đổi, bổ sung Quy chế thi, quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, của các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi và chế tài xử lý đối với các đối tượng tham gia Kỳ thi.

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia, đảm bảo tính phân hóa hợp lý để đánh giá học lực của học sinh.

Khắc phục việc nội dung đề thi có một số câu quá khó, đảm bảo đề thi phù hợp hơn với tính chất của Kỳ thi THPT quốc gia và thời gian làm bài của thí sinh. Bộ GD&ĐT sớm công bố đề thi tham khảo để giáo viên và học sinh làm quen với dạng đề trong quá trình dạy học lớp 12 năm học 2018-2019 và ôn thi THPT quốc gia năm 2019.

Cải tiến phương thức tổ chức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan, trung thực của kết quả thi; theo đó, sẽ tổ chức chấm theo cụm, đảm nguyên tắc cán bộ chấm thi không chấm bài thi của thí sinh tỉnh mình. Kết quả trung thực, khách quan sẽ là cơ sở quan trọng để các trường ĐH, CĐ sử dụng để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Nâng cao chất lượng tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi cho các đối tượng tham gia Kỳ thi; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khâu, đặc biệt là khâu chấm thi của quy trình tổ chức thi.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP