Kinh tế

Thị trường bất động sản Thanh Hóa “cắt sốt”, nhiều nhà đầu tư bỏ cọc

Hiện tượng giá đất tăng bất thường vài tháng trở lại đây tại Thanh Hóa đang có dấu hiệu giảm nhiệt, nhiều nhà đầu tư trót “ôm hàng” đành chấp nhận bỏ cọc.

Sốt đất giảm nhiệt

Giống như chu kỳ sốt đất chưa từng có của thị trường bất động sản Thanh Hóa năm 2021, từ vài tháng trở lại đây, hiện tượng sốt đất điên đảo khắp nơi đã có dấu hiệu giảm nhiệt nhờ có những chính sách can thiệp kịp thời của UBND tỉnh Thanh Hóa và cơ chế chính sách siết chặt vốn vay từ ngân hàng vào đầu tư bất động sản.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, thị trường bất động sản Thanh Hóa đã có dấu hiệu hạ nhiệt, các giao dịch giảm hẳn, một số điểm sốt đất cục bộ như Sầm Sơn, Đông Sơn, Quảng Xương lượng giao dịch đã trở về mức bình thường.

Những tháng đầu năm 2022, người dân tại Thanh Hóa được chứng kiến một hiện tượng "sốt đất" chưa từng thấy. Không chỉ giá đất ở tại khu vực như TP. Thanh Hóa, Sầm Sơn tăng mạnh mà giá đất tại hầu khắp các nơi đều tăng giá đột biến, đặc biệt là đất nền tại các khu vực lân cận thành phố, cá biệt đất tại các vùng nông thôn, thậm chí vùng hẻo lánh cũng tăng đến chóng mặt.

Anh Trần Văn Vinh, một môi giới bất động sản tại Sầm Sơn cho biết: “Ngay ừ đầu tháng 2/2022 trở lại đây, giá đất nền tại nhiều địa phương của Thanh Hoá đã tăng với mức chóng mặt, trung bình khoảng 50-60% so với cuối năm trước.

Ở một số dự án chưa hoàn thành hạ tầng, chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, hay những lô đất tại khu vực xấu, hạ tầng kém, đất trong ngõ nhỏ cũng được giới đầu tư săn tìm khiến giá tăng dựng đứng. Cục bộ một số nơi tăng đến 200% chỉ trong 1-2 tháng. Hiện tượng sốt đất đã đẩy nhiều người bỏ kinh doanh, công việc hằng ngày, rút tiền tiết kiệm, vay lãi nóng để lao vào làm môi giới hoặc đầu tư đất nhằm kiếm lời”.

Ví dụ như tại một số mặt bằng ở xã Quảng Đại (TP. Sầm Sơn), xã Quảng Hải (Quảng Xương) cách đây hơn một tháng giá đất tăng đột biến, có những lô đất được chào bán với giá từ 1,5- 2,5 tỷ (tăng 50- 60% so với cuối năm 2021) vẫn được chuyển nhượng, sang tay một cách nhanh chóng, đất mới rao bán lúc sáng thì trưa hoặc chiều đã có khách đặt cọc, chốt lời từ 50 đếm 200 triệu đồng.

Tuy nhiên cũng với lô đất đó hoặc các lô đất có giá trị thấp hơn ở thời điểm hiện tại không thể giao dịch được, nhiều nhà đầu tư tay ngang hoặc cò đất vay tiền xuống tiền cọc thì rơi vào cảnh khóc dở, mếu dở vì nguy cơ mất cọc rất cao.

Một phiên đấu giá đất tại Thanh Hóa trong thời gian sốt đất vừa qua.

Tại Thanh Hóa, giai đoạn sốt đất vừa qua một phần là do sự làm giá của môi giới, cò đất đã khiến giá đất nền, đất đấu giá, đất dự án đầu tư nhỏ lẻ tăng đột biến. Nắm bắt được sự nhiễu loạn của thị trường bất động sản Thanh Hóa vài tháng qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có sự chấn chỉnh kịp thời và công tác tăng cường quản lý tình hình thị trường bất động sản đã khiến hiện tượng giá đất tăng đột biến, "sốt đất ảo" có dấu hiệu được soát, nhìn chung thị trường bất động sản Thanh Hóa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều điểm nóng trên thị trường bước đầu đã “cắt sốt”.

Không còn cảnh bán buôn tấp nập, lướt sóng, sang cọc như cách đây nửa tháng, thị trường bất động sản Thanh Hóa đã có dấu hiệu giảm nhiệt. Một số sản phẩm đất nền đấu giá cũng có dấu hiệu giảm sức nóng.

Ông Trần Tuấn, Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại TP. Thanh Hóa nhận xét: “Nhìn chung thị trường bất động sản Thanh Hóa vài tuần trở lại đây có dấu hiệu hạ nhiệt, ở một số điểm sốt đất “hầm hập” như TP. Sầm Sơn, TP. Thanh Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn, Quảng Xương không còn cảnh người mua kẻ bán, đặt cọc, chốt lời như trước.

Hiện tại nhà đầu tư đang dần rút khỏi thị trường khiến nhiều “cò đất”, môi giới hay nhà đầu tư lướt hàng đã trót “đặt cọc” không thể ra hàng, tuy nhiên giá đất tại thị trường vẫn chưa có dấu hiệu xuống giá”.

Cách đây nửa tháng, giá đất tại các mặt bằng như Hồ Sen (TP. Thanh Hóa), mặt bằng xã Đông Tân, Đông Khê (Đông Sơn),…được giới cò đất rao bán rầm rộ, giá bán được đẩy lên cao gấp 1 đến 3 lần so với năm trước nhưng kẻ mua người bán tại các mặt bằng này vào ra tấp nập.

Một lô đất được mua đi bán lại hàng chục lần với giá được đẩy lên rất cao nhưng vẫn có khách tìm mua. Đến nay, thị trường có dấu hiệu chững lại, nhiều nhà đầu tư có nhu cầu chuyển nhượng nhưng không thể vì không có khách mua. Anh Tuấn cho biết thêm.

Nhiều nhà đầu tư bỏ cọc

Sau hơn 2 tháng sốt đất cục bộ, đến thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Thanh Hóa đang có dấu hiệu hạ nhiệt, điều đó khiến nhiều nhiều nhà đầu tư tay ngang, môi giới bất động sản đã trót “xuống cọc” trong 2 tháng qua rơi vào cảnh lao đao vì không thể ra hàng, đồng nghĩa với việc mất luôn số tiền đã cọc.

Không những vậy, thời gian thị trường đất nền sôi động vừa qua cũng khiến các phiên đấu giá đất nền tại các địa phương được rất nhiều người quan tâm và tham gia đấu giá. Cá biệt, một số dự án đấu giá chỉ 30- 40 lô đất nền nhưng có đến hơn 1.000 bộ hồ sơ tham giá đấu giá. Giá đất được đẩy lên cao gấp nhiều lần, người trúng đấu giá sang tay chốt cọc lãi ngay hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, thị trường chững lại đang khiến nhiều nhà đầu tư “đau đầu” vì không thể “thoát” hàng.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã có sự chấn chỉnh kịp thời và công tác tăng cường quản lý tình hình thị trường bất động sản đã khiến hiện tượng giá đất tăng đột biến, "sốt đất ảo" có dấu hiệu được soát. Ảnh Viết Huy.

Ngoài ra, ở một số vùng thôn quê, kinh tế hộ gia đình còn khó khăn, nhiều tiện ích xã hội, hạ tầng giao thông chưa được xây dựng nhưng hàng ngày vẫn có hàng chục đoàn khách nườm nượp kéo nhau về mua bán đất nhưng đến nay đã giảm rõ rệt, nhiều nhà đầu tư đành chôn chân vì không thể thoát hàng dù giá đất có giảm hoặc đi ngang.

Anh Lưu Văn Hoàng, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết: Giữa năm 2021, vợ chồng tôi có đầu tư 3 lô đất nền ở xã Quảng Đại (Sầm Sơn), sau khi hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng, ngay lập tức một số nhà đầu tư khác có ý định mua lại các lô đó và trả chênh mỗi lô 600 triệu đồng nhưng tôi không bán vì kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng. Thế nhưng, hơn một tuần qua, vợ chồng tôi quyết định bán những lô đất này theo giá thị trường nhưng không thể bán được dù đã nhờ rất nhiều môi giới hay đăng tin quảng cáo.

Theo một số môi giới bất động sản ở Thanh Hóa cho biết, vài tuần gần đây lượng khách hàng nhờ bán đất tăng lên chóng mặt, thế nhưng số lượng cuộc gọi, nhắn tin nhờ đưa đi xem đất lại giảm rõ rệt, thậm chí nhiều nhà đầu tư không bán được đất đành chấp nhận bỏ tiền cọc, hoặc bán ngang giá đã đầu tư trước đó. Một số phiên đấu giá đất thành công nhưng vẫn lo các nhà đầu tư “bỏ cọc” bởi đấu giá đất vẫn còn cao.

Theo anh Vinh: "Cách đây hơn 1 tháng, tôi đặt cọc khoảng 300 triệu đồng mua lô đất ở giá tầm 1,5- 2 tỷ đồng có thể lướt cọc lãi ngay vài trăm triệu đồng. Còn cách đây 20 ngày, tôi có đặt cọc 200 triệu đồng mua lô đất gần 2 tỷ đồng, nhưng qua 18 ngày chờ bán lướt vẫn không ai hỏi nên tôi quyết định đành chấp nhận bỏ cọc mất 200 triệu đồng, còn hơn là phải gánh lãi tiền vay ngân hàng 2 tỷ đồng".

Nhìn nhận chung thị trường bất động sản Thanh Hóa thời gian này cho thấy, với những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính đủ mạnh, những nhà đầu tư có kinh nghiệm không sẵn sàng ôm hàng để chờ cơ hội tăng giá tiếp. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư tay ngang, thiếu vốn hoặc phải vay vốn ngân hàng để đầu tư đất nhưng đang bị “chôn vốn” muốn ra hàng cũng rất khó dù bán cắt lỗ.

Theo các chuyên gia bất động sản, có nhiều nguyên nhân khiến thị trường bất động sản Thanh Hóa hạ nhiệt thời gian qua.

Đầu tiên là do các ngân hàng hạn chế tín dụng cho đầu cơ bất động sản, các ngân hàng tạm ngưng giải ngân khoản tín dụng bất động sản dù đã được phê duyệt hồ sơ.

Thứ hai là nhiều địa phương có các biện pháp tuyên truyền, xử lý hiện tượng thổi giá, đầu cơ hoặc huy động vốn trái phép.

Thứ ba là cơ quan có thẩm quyền đã tạm dừng giải quyết thủ tục liên quan việc phân lô, tách thửa, kiểm soát việc huy động vốn tại những dự án chưa được phép, rà soát các hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn.

Tác giả: Viết Huy

Nguồn tin: reatimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP