Kinh tế

Thủ tướng: Công ty Việt có thể chủ động mua lại doanh nghiệp FDI

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định Việt Nam sẽ có chính sách mới trong thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tiếp theo.

Nhìn lại thành quả sau 30 năm Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc mở cửa thu hút vốn ngoại là chủ trương đúng đắn, khu vực FDI đã "trở thành một bộ phận không tách rời của kinh tế Việt Nam".

Đến nay, đã có hơn 26.500 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, cam kết đầu tư trên 334 tỷ USD vào Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI. Ảnh:VGP

Năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài chiếm gần 20% GDP, góp 23,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp; 70% kim ngạch xuất khẩu. Khu vực này đã tạo việc làm trực tiếp cho gần 4 triệu người và 5-6 triệu lao động gián tiếp.

Đóng góp lớn song khu vực FDI cũng có những hạn chế khi về cơ bản đang sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực. Chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn. Mặt khác, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa khu vực đầu tư nước ngoài và trong nước chưa đạt kỳ vọng, chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm không cao...

"Các nhà đầu tư nước ngoài mang vốn, công nghệ vào nước ta nhìn chung rất quý, nhưng có tranh thủ được nguồn lực này cho phát triển, nâng cao quốc lực là trách nhiệm của chúng ta", người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Về chính sách thu hút vốn FDI giai đoạn mới, Thủ tướng cho rằng thu hút FDI sẽ phải gắn với công nghệ cao.

Từ tư duy thụ động, bị nhà đầu tư nước ngoài vào “mua”, theo ông, có thể chuyển sang các doanh nghiệp trong nước chủ động “mua” lại các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia.

Ngoài ra, ông yêu cầu các bộ, ngành giữ vững ổn định chính trị xã hội, kinh tế vĩ mô. "Đây là điều không dễ, đòi hỏi phải thống nhất tư tưởng, nhận thức về hợp tác đầu tư nước ngoài và triển khai đồng bộ, sáng tạo các biện pháp về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại", Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với đó, hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo doanh nghiệp FDI thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi.

Ngoài ra, ông cũng khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ....

"Chính phủ Việt Nam nhất quán và cam kết thực hiện chủ trương, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài và xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, mang tính cạnh tranh. Chính phủ luôn lắng nghe và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư để hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển bền vững. Sự thành công của các bạn tại Việt Nam cũng chính là của chúng tôi", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Tác giả: Anh Minh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP