Thế giới

Thủ tướng Tunisia bất ngờ mất chức

Tổng thống Tunisia tuyên bố bãi nhiệm Thủ tướng Hicham Mechichi và đình chỉ nghị viện, trong lúc nước này đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, và đại dịch Covid-19.

Tổng thống Tunisia Kais Saied cho biết sẽ nắm quyền hành pháp với sự trợ giúp của một tân thủ tướng, Reuters đưa tin ngày 26/7.

Tổng thống và nghị viện Tunisia được bầu cử trong các cuộc bỏ phiếu vào năm 2019, trong khi ông Mechichi nhậm chức thủ tướng vào mùa hè năm ngoái, thay thế cho một chính phủ tiền nhiệm cũng tồn tại trong thời gian ngắn.

Ông Saied cho rằng hành động của mình phù hợp với điều 80 của hiến pháp Tunisia. Vị tổng thống cũng dựa vào một điều khoản khác để tạm ngừng quyền bất khả xâm phạm của các thành viên nghị viện.

Thủ tướng Tunisia Kais Saied. Ảnh: AFP.

Sau tuyên bố của ông Saied, các đám đông mau chóng đổ xuống đường phố thủ đô để hò reo và bấm còi ôtô. Tuy nhiên, mức độ ủng hộ dành cho nước đi của ông Saied chưa rõ ràng.

Tình trạng tham nhũng kéo dài, dịch vụ công ngày càng yếu kém, và tỷ lệ thất nghiệp ngày một tăng đã khiến nhiều người Tunisia bất mãn với hệ thống chính trị từ trước khi đại dịch Covid-19 giáng đòn vào nền kinh tế từ năm 2020.

Các cuộc biểu tình diễn ra ngày 25/7 chủ yếu để phản đối đảng ôn hòa Ennahda Hồi giáo, đảng lớn nhất trong nghị viện. Ennahda là đảng thành công nhất tại Tunisia kể từ năm 2011 và luôn có mặt trong chính phủ liên minh.

Rached Ghannouchi, lãnh đạo đảng Ennahda kiêm chủ tịch nghị viện Tunisia, lập tức gọi hành động của ông Saied là “vụ đảo chính chống lại cách mạng và hiến pháp”.

Hơn một năm qua, giữa Tổng thống Saied và Thủ tướng Tunisia Hichem Mechichi đã xảy ra mâu thuẫn chính trị.

Gần đây nhất, sau khi chính phủ thất bại trong việc tổ chức trung tâm tiêm chủng Covid-19 vào tuần trước, ông Saied đã điều quân đội tiếp quản hoạt động chống dịch. Tuy nhiên, theo hiến pháp năm 2014 của Tunisia, tổng thống chỉ có quyền hành trực tiếp về đối ngoại và quân đội.

Mâu thuẫn về hiến pháp lẽ ra sẽ do tòa hiến pháp giải quyết. Nhưng 7 năm sau khi hiến pháp Tunisia được thông qua, tòa hiến pháp vẫn chưa được thành lập vì mâu thuẫn trong vấn đề bổ nhiệm thẩm phán.

Theo Reuters, đây là thách thức lớn nhất từ trước đến nay với hiến pháp Tunisia, vốn phân quyền giữa thủ tướng, tổng thống, và nghị viện.

Tác giả: Quốc Đạt

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP