Nhân ái

Thương cảnh cụ bà 88 tuổi vẫn gồng mình chăm con tâm thần và 2 cháu nhỏ

Gặp chúng tôi trong những tháng ngày sống cùng cực khổ đau, cụ Hào bảo, không lẽ cụ và con trai quyên sinh để hai cháu được vào trại mồ côi... nói rồi cụ khóc và lại thương các cháu đến quặn lòng.

ăn nhà 3 gian nhỏ xíu của bà Đinh Thị Hào (SN 1932) rộng chừng mấy chục mét vuông, nằm ép mình ven sườn đồi thuộc (thôn 1, xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), trống huơ, trống hoác không có lấy một vật dụng gì đáng giá. Chiếc giường ở gian bên phải căn nhà được kê cạnh bàn thờ để bà Hào tiện lo hương khói cho cô con dâu vừa mất cách đây gần nửa tháng.

Bà Hào cùng hai cháu nội của mình.

Những giọt lệ hiếm hoi của bà Hảo đã ở tuổi "gần đất xa trời" bò ra theo từng nếp nhăn trên khuôn mặt gầy rộc, nước da đồi mồi, bả bảo: “Ông nhà tôi đã mất cách đây hơn 20 năm, thằng Thêm sau khi lấy vợ, sinh được hai cháu trai thì hai vợ chồng nó bỗng cùng lúc mắc bệnh thần kinh. Con Hiệp, vợ thằng Thêm vừa thắt cổ tự tử tuần trước. Giờ đây mình tôi phải chăm lo cho con trai mắc bệnh thần kinh và lo ăn học cho hai cháu nội”.

Hàng xóm của bà Hào cho biết, vào đầu những năm 2000, anh Lê Văn Thêm (SN 1980), rất khỏe mạnh, tâm lí bình thường. Là người siêng năng nên dù bố đẻ mất sớm anh Thêm vẫn cùng mẹ làm lụng, tiết kiệm để dựng được căn nhà 3 gian sạch sẽ.

Năm 2005, anh Thêm làm đám cưới với chị Nguyễn Thị Hiệp (SN 1979) và lần lượt sinh được hai con trai là Lê Ngọc Nhất (SN 2006) và Lê Văn Thắng (SN 2013).

Cuộc sống gia đình bà Hào cứ bình yên ngày qua ngày, bỗng dưng những éo le cuộc sống cứ liên tiếp ập đến...

Năm 2008, anh Thêm có những biểu hiện của bệnh thần kinh. Mới đầu bệnh không rõ ràng, anh hay cười nói một mình, lúc quên lúc nhớ, dăm bảy bữa bệnh lại khỏi, anh Thêm trở lại là con người bình thường. Càng về sau bệnh tình anh Thêm càng nặng hơn, anh không làm việc gì và vô cớ bỏ nhà đi lang thang khắp nơi. Nhiều đêm anh Thêm kêu đau đầu rồi húc đầu vào tường le hét.

Vừa chăm 2 cháu nội, bà Hào còn phải chăm sóc con trai thần kinh.

Nhà có người ốm, tiền bạc dành dụm trong nhà bà Hào bắt đầu hao mòn dần theo những lần khám chữa bệnh cho anh Thêm. Bà Hào cùng con dâu đưa anh Thêm đi khám chữa bệnh khắp nơi nhưng bệnh tình anh Thêm chỉ suy giảm chút ít trong thời gian ngắn rồi lại nặng hơn. Đồ đạc trong nhà anh Thêm vô cớ đập phá hết trong những lần phát bệnh.

Bà Hào vừa khóc vừa kể: “Có những đêm thằng Thêm lên cơn thần kinh vác gậy đuổi đánh cả mẹ, vợ và con, đuổi mọi người ra khỏi nhà trong cơn mưa tầm tã, rét mướt. Tuổi già, sức yếu, mấy mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc, chờ “cơn điên” của thằng Thêm lắng xuống rồi cạy cửa mà vào nhà ngủ tiếp”.

Năm 2008, sau nhiều lần chạy chữa không khỏi hẳn bệnh, anh Thêm được Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa cấp sổ tâm thần để gia đình định kỳ nhận thuốc uống, giúp anh Thêm kiểm soát những cơn điên loạn hằng ngày. Bà Hào lại cùng con dâu gồng mình lo liệu chăm sóc anh Thêm, nuôi cháu Nhất ăn học.

Mẹ mất, bố thần kinh, bà nội già yếu, hai anh em Nhất có nguy cơ thất học.

Nhà một người ốm đau đã khổ, năm 2014 chị Hiệp vợ anh Thêm lại cũng có những biểu hiện của căn bệnh thần kinh. Chị la hét, mê sảng suốt ngày, quần áo mặc trên người tự nhiên xé rách tả tơi. “Nửa đêm tôi tỉnh giấc vì thấy cháu Thắng khóc quá, sang giường ngủ của con dâu kiểm tra thì không thấy con dâu đâu, cháu Thắng khóc thét vì lạnh, tôi hô hoán để cả xóm đi tìm con dâu. Gần sáng mọi người thấy nó đang co ro trong bụi rậm trên đồi sau nhà”, bà Hào kể về một lần lên cơn điên của con dâu.

Năm 2015, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa cũng phải cấp “sổ tâm thần” cho chị Hiệp để gia đình nhận thuốc chữa bệnh thần kinh của chị.

Sức khỏe đã yếu, bà Hào chẳng còn làm được việc gì ngoài những việc vặt trong gia đình.

Ông Lê Văn Ngưu - một người bà con của bà Hào cho biết: “Nhà bà Hào có hai lao động chính thì cả hai mắc bệnh thần kinh mất rồi. Mắc bệnh thần kinh đã không làm được gì lại còn phá phách nhà cửa và cần chăm sóc đặc biệt mới khổ.

Thằng Thêm thích là bỏ đi khiến cả làng phải cất công đi tìm, con Hiệp thì la lối suốt ngày, thích thì nhảy ra đường cản ô tô nguy hiểm vô cùng. Hôm trước nó ôm thằng Nhất nhảy ùm xuống giếng, may mà bà Hào phát hiện kịp kêu cứu để cả làng vớt hai mẹ con nó lên. Có lẽ thằng Nhất bị sốc tâm lý hoặc va chạm đầu vào thành giếng nên giờ nhiều lúc nó cũng có biểu hiện ngu ngơ lắm”.

Thắp nén hương lên bàn thờ con dâu, bà Hào cho biết: “Tuần trước, tôi đi chợ về thì phát hiện con Hiệp đã chết. Nó treo cổ tự vẫn trên cái cây sau bếp”.

Cháu Nhất buồn rầu trước hoàn cảnh của gia đình.

Hoàn cảnh hiện tại của bà Hào là vô cùng khó khăn, éo le. Ở cái tuổi 88, bà Hào vẫn đang phải chăm sóc cho con trai mắc bệnh thần kinh và hai đứa cháu tuổi ăn học. Tiền nong chi tiêu của gia đình dựa cả vào khoản trợ cấp ít ỏi dành cho người cao tuổi của bà Hào và tiền trợ cấp đối tượng mắc bệnh thần kinh của anh Thêm.

“Hai đứa cháu tôi, thằng Nhất, thằng Thắng chắc phải bỏ học mất thôi, tôi làm sao mà còn sức để lo cho chúng nó. Lo cơm nước hàng ngày cho 3 bố con nó thôi là tôi cũng kiệt sức rồi. Nhà có gì bán được đều đã bán hết, kể cả mấy cái cây ngoài vườn.

Trời thương chưa bắt tôi ốm chứ chỉ cần tôi ốm nằm đó là cả nhà sẽ nhịn đói. Không lẽ tôi và thằng Thêm uống thuốc độc chết đi để hai đứa cháu được vào trại trẻ mồ côi, có lẽ như thế chúng nó lại bợt khổ hơn”, bà Hào bất lực chia sẻ.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 3808: Bà Đinh Thị Hào.

Địa chỉ: Thôn 1, xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Tác giả: Duy Tuyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP