Trong nước

TP. HCM muốn cấm dịch vụ đòi nợ thuê

Theo UBND TPHCM, hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê xuất hiện ngày càng nhiều biến tướng, một số vụ việc có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Do đó, chính quyền thành phố kiến nghị Trung ương cấm dịch vụ đòi nợ thuê.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm vừa kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.

Theo UBND TPHCM, dịch vụ đòi nợ thuê đang biến tướng, một số vụ việc có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Để đòi nợ (theo ủy quyền của chủ nợ), các công ty này thường sử dụng chiêu trò, đe dọa mang tính chất xã hội đen, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ.

Liên quan tới quy định các điều kiện kinh doanh tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Bộ Tài chính mới đây cho biết, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề nhạy cảm trên phương diện an ninh, trật tự (ảnh: Phương Dung)

Chính quyền thành phố nhận định, thực tế quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp, các bên tham gia thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Nhà nước còn có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật như tòa án, Viện kiểm sát, thi hành án...

Nếu không thể cấm, UBND TPHCM đề nghị Trung ương ban hành các quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động như: quy định về đồng phục, số lượng nhân viên tối đa mỗi lần đòi nợ... để tránh tụ tập băng nhóm gây mất an ninh trật tự.

Ngoài ra, thông báo danh sách nhân viên được cử đi đòi nợ cho công an phường nơi tiến hành đòi nợ, đối tượng đòi nợ đúng với hợp đồng ủy quyền đòi nợ. Điều này nhằm tránh tình trạng không đòi trực tiếp người nợ mà đòi qua thân nhân và gia đình người nợ, gây xáo trộn cuộc sống của người dân.

Tính đến cuối năm 2017, thành phố có 65 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ (với tổng số vốn điều lệ hơn 374 tỷ đồng).

Tuy nhiên, trong đó chỉ có 44 công ty hoàn tất thủ tục và được cơ quan công an cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Công ty có vốn điều lệ lớn nhất là 200 tỷ đồng, thấp nhất là 2 tỷ đồng. Những doanh nghiệp còn lại không trưng bày biển hiệu kinh doanh và không hoạt động tại địa điểm đã đăng ký kinh doanh.

Năm 2017, cơ quan chức năng đã phối hợp kiểm tra 28 lượt doanh nghiệp, lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt 13 trường hợp, với số tiền 91,5 triệu đồng.

Tác giả: Quốc Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP