Tin trong tỉnh

Trạm y tế cấp xã, phường tại Nghệ An: Đạt chuẩn vẫn thiếu trước hụt sau

Khó khăn, thiếu thốn ở trạm y tế xã, phường đã được đề cập và phản ánh rất nhiều trước đó nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trong khi nhu cầu khám chữa bệnh ở cơ sở y tế ban đầu này tại Nghệ An vẫn khá lớn.

Hầu hết, các trạm xá cấp xã đều thiếu nhân lực y tế

Không đáp ứng đủ nhu cầu

Mỗi tháng ông Bùi Công Minh đến trạm y tế Cẩm Sơn, xã Anh Sơn, Nghệ An ít nhất 2 lần. Bị tiểu đường mãn tính, vì vậy ông phải thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe và nhận thuốc về uống. Ông cho biết: “Trạm y tế xã có bác sĩ Phan Hồng Sơn chuyên môn tốt, nhiệt tình, đã công tác ở đây lâu năm rồi nên nắm rõ tình hình, tiểu sử bệnh của tôi. Vì thế, không chỉ tôi mà nhiều người dân trong xã đều tin tưởng chọn trạm y tế làm nơi điều trị khám chữa bệnh”.

Cẩm Sơn nằm ở vùng khó của huyện Anh Sơn, với 4/11 thôn bản là nơi sinh sống của bà con dân tộc thiểu số. Nơi xa nhất cách trung tâm huyện hơn 30 km nên nhu cầu khám, sơ cứu chữa trị ban đầu tại trạm y tế xã khá cao. Trung bình mỗi ngày trạm khám và cấp thuốc cho khoảng 40 bệnh nhân. Thống kê đến tháng 10/2018 trạm y tế xã Cẩm Sơn đón gần 10.00 lượt bệnh nhân. Đây cũng là trạm y tế hoạt động hiệu quả nhất và là trạm đầu tiên của huyện Anh Sơn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Phan Hồng Sơn – Trưởng trạm y tế Cẩm Sơn, đang tồn tại nhiều bất cập ảnh hưởng đến chất lượng khám bệnh, phục vụ người dân. Khối lượng công việc của trạm lớn nhưng chỉ có 4 y bác sỹ, thiếu 2 người so với quy định.

Bên cạnh đó, số lượng thuốc BHYT cấp về cho tuyến xã cũng hạn chế. Cẩm Sơn hiện có khoảng 87% dân số có thẻ BHYT. Theo quy định, tỷ lệ quỹ ngân sách của bảo hiểm trích lại cho xã để cấp phát thuốc là 10%, tương đương khoảng 20 - 25 triệu đồng/quý, chỉ đủ để chi trả một đơn thuốc khoảng 50.000 đồng/bệnh nhân. Trong đó riêng tiền khám đã là 24.000 đồng/người.

Ông Bùi Công Minh cũng phàn nàn, số thuốc được cấp phát tại trạm ít quá, dù ông thuộc diện ưu tiên vì mắc bệnh mãn tính, nhưng cũng chỉ đủ khoảng 20 ngày. Còn lại ông phải lên bệnh viện tuyến trên nhận thuốc hoặc mua ngoài.

Một bất cập nữa là các thiết bị y tế vừa thừa, vừa thiếu. Trên địa bàn huyện Anh Sơn, có 5 trạm được cấp máy siêu âm và 5 trạm khác được cấp máy điện tim nhưng đành để lãng phí vì không có bác sỹ đủ năng lực sử dụng. Riêng tại Cẩm Sơn bác sỹ Phan Hồng Sơn là bác sỹ “hiếm hoi” của huyện có năng lực sử dụng máy siêu âm và chẩn đoán hình ảnh. Nhưng đến nay bác sỹ Sơn vẫn chưa có chứng chỉ hành nghề. Vì thế, bảo hiểm xã hội chưa thanh toán danh mục siêu âm mà người dân phải bỏ tiền ra để sử dụng dịch vụ.

Tại huyện Tương Dương, còn 3 xã chưa được công nhận Bộ tiêu chí chuẩn quốc gia vì gặp khó khăn trong việc xây dựng cơ sở vật chất, đó là Mai Sơn, Hữu Khuông và Tam Hợp. Ông Trần Văn Công – Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện - cũng nói thêm: Do điều kiện đi lại khó khăn nên đa số người dân huyện Tương Dương vẫn lựa chọn trạm y tế xã để khám và chữa bệnh. Nhưng các trạm thiếu trang thiết bị hiện đại, chưa có máy siêu âm, máy xét nghiệm. Kinh phí chi hoạt động thường xuyên của các trạm chỉ có 30 triệu/năm. Trong khi đó, trạm y tế phải thực hiện một lúc nhiều nhiệm vụ từ khám chữa bệnh, công tác dự phòng, chăm sóc SKSS, truyền thông giáo dục sức khỏe...

Bác sĩ Phan Hồng Sơn – Trưởng trạm y tế Cẩm Sơn sử dụng và đọc được kết quả siêu âm nhưng lại chưa có chứng chỉ hành nghề

Lấp chỗ trống nhân lực

Cũng theo ý kiến từ trung tâm y tế các huyện, những khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị có thể bổ sung và tìm cách khắc phục dần. Khó nhất là lấp khoảng trống về nhân lực.

Trạm y tế xã Đại Sơn, huyện Đô Lương nếu không có biển báo bên ngoài, nhiều người có thể nhầm với một cửa hàng bách hóa thời bao cấp, vì tuổi thọ đã hơn 40 năm. Hầu hết các phòng chức năng đều không đủ diện tích, tối và ẩm... Trạm cũng thiếu 2 người và không có bác sĩ. Trạm trưởng thừa nhận “dù cố gắng chúng tôi vẫn chưa thể làm người dân hài lòng”. Cơ sở vật chất không đảm bảo nên xã cũng không thu hút được bác sĩ về công tác.

Nghệ An có gần 500 trạm y tế xã ở các xã, phường, thị trấn và có đến gần 90% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Trong đó chỉ có khoảng 65% số trạm y tế xã có bác sỹ cố định và có khoảng 70 trạm y tế xã đã xuống cấp đang cần phải xây mới và sửa chữa.

Bác sỹ Nguyễn Đăng Tuấn - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Đô Lương - cho biết: Sau khi thông tuyến BHYT, nhu cầu khám bệnh, chữa trị ban đầu của người dân tại các trạm y tế xã vẫn không giảm. Nhưng huyện chỉ có 22/33 trạm có bác sỹ. Năm nào huyện cũng thông báo tuyển dụng nhưng không nhận được hồ sơ nào xin việc. Cũng theo bác sỹ Tuấn, bác sỹ không mặn mà với tuyến xã vì điều kiện làm việc thiếu hấp dẫn, không có nhiều cơ hội để phát triển chuyên môn.

Về chính sách cho y bác sĩ ở tuyến xã cũng chưa thỏa đáng. Đơn cử như ngành y tế có quy định cán bộ trực 1 đêm được nghỉ bù 1 ngày rưỡi. Nhưng hầu hết các trạm y tế xã đều không thực hiện được việc nghỉ bù do thiếu người, và nhân viên đi làm vào ngày hôm sau cũng không được chi trả lương làm thêm. Một số huyện tại Nghệ An còn bị chậm chi trả chế độ trợ cấp thường trực, như 10 trạm y tế của thị xã Thái Hòa chưa nhận được trợ cấp của năm 2016 với số tiền gần 190 triệu đồng.

Theo đề xuất của các cán bộ quản lý trung tâm y tế các huyện tại Nghệ An, phương án khả dĩ để bổ sung bác sĩ cho trạm y tế là tạo điều kiện phát triển nhân lực tại chỗ, cho các bộ, y sĩ học nâng lên bác sĩ. Đồng thời có chính sách thu hút đối với bác sĩ công tác tuyến xã. Có cơ chế luân chuyển bác sĩ giữa trạm y tế và trung tâm y tế huyện để trao đổi, nâng cao trình độ chuyên môn. Tránh trường hợp một số trạm cũng đã cử y sỹ đi học nâng cao nhưng sau khi học xong, các bác sỹ lại bỏ việc, chấp nhận bồi thường để đến với những bệnh viện, phòng khám tư nhân ở thành phố.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP