Trong nước

Tranh luận về đề xuất giảm một Phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện

Dự thảo Luật sẽ trình Quốc hội quy định HĐND cấp tỉnh chỉ có một phó chủ tịch, song nhiều ý kiến lo ngại "không đủ nhân sự làm việc".

Chiều 18/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo dự thảo, thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện gồm chủ tịch, một phó chủ tịch và các ủy viên; số lượng phó chủ tịch HĐND giảm một nhân sự so với hiện nay.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết hiện có hai nhóm ý kiến khác nhau về nội dung trên. Nhóm thứ nhất đề nghị giảm từ 2 phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay xuống còn một ở tất cả các đơn vị hành chính. Nhóm thứ hai đề nghị thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 giữ nguyên; các tỉnh loại 2, loại 3 và tất cả đơn vị hành chính cấp huyện giảm chỉ còn một người. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, Chính phủ thống nhất với nhóm ý kiến thứ nhất.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có hai Phó chủ tịch nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan này.

Quy định trên không làm tăng thêm biên chế ở địa phương, vì thực chất Phó chủ tịch HĐND được nâng từ chức danh "ủy viên Thường trực" trong Luật trước đó. Đây là những vấn đề đã được sự đồng ý của Bộ Chính trị trước khi đưa vào Luật. Vì vậy ông Định đề nghị Chính phủ đánh giá tác động thật kỹ với đề xuất mới.

"Việc đánh giá tác động cần làm rõ nếu giảm số Phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện thì trên toàn quốc sẽ giảm được bao nhiêu người và sẽ sắp xếp, bố trí vào vị trí công việc nào cho phù hợp", ông Định nói và cho biết, do chưa có đánh giá tác động kỹ nên ý kiến trong Ủy ban Pháp luật còn khác nhau.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến băn khoăn về tình trạng bộ máy chính quyền địa phương "lúc nhập, lúc tách, lúc tăng, lúc giảm".

"Tôi không đồng ý giảm phó chủ tịch HĐND, phải để nguyên 2 người như luật hiện hành. Sắp tới theo Nghị quyết Trung ương, nhất quán thực hiện bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND, nếu bí thư kiêm nhiệm mà chỉ có một ông phó chuyên trách thì rất nhiều việc, làm sao xuể. Tôi từng là bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND cấp tỉnh rồi, rất bận rộn nên gần như phải giao công việc HĐND cho ông phó", ông Chiến nói.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng không đồng tình việc giảm số lượng phó chủ tịch HĐND. Bà cho biết, thời gian qua khi dự giao ban HĐND đã được nghe lãnh đạo các tỉnh bày tỏ băn khoăn về việc này.

Theo đó, một Phó chủ tịch HĐND kể, có những ngày họp cơ quan này phải thông qua hàng chục dự án quyết định khung giá đất, chủ trương đầu tư, dự toán thu chi, nghĩa là mọi thứ về tiền bạc, ngân sách nhưng bộ máy giúp việc rất ít. Người này tâm sự "rất run khi ký" vì theo dự thảo sửa đổi Luật cán bộ, công chức, viên chức, sau 5-10 năm, nếu chủ trương đầu tư bị phát hiện chưa đủ cơ sở người ký sẽ phải chịu trách nhiệm; trong khi đó để chậm lại, nghiên cứu thật kỹ mới thông qua quyết định thì sẽ ảnh hưởng đến chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh.

Ngoài ra, theo bà Hải, hoạt động giám sát, chất vấn của Quốc hội hiện đã lan toả xuống HĐND các cấp. Một số HĐND cấp tỉnh đã tổ chức giải trình, truyền hình trực tiếp như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.

"Muốn làm được như vậy phải có nhân sự. Muốn thu hút được người tài thì chính sách cũng phải ổn định, vì nếu điều về rồi tới đây cắt đi, chuyển vị trí khác sẽ rất khó. Vì vậy, tôi đề nghị nên thận trọng", bà Hải nhấn mạnh.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, đề xuất giảm một phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện là thực hiện theo Nghị quyết số 18 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Do đây là lần trình đầu tiên nên Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu và sẽ có báo cáo đánh giá chi tiết về tác động của đề xuất.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp giữa năm (khai mạc 20/5); thông qua tại kỳ họp cuối năm.

Tác giả: Hoàng Thùy

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP