Pháp luật

Triệt xóa “tập đoàn” tín dụng đen tổ chức tra tấn người như thời trung cổ

Có chân rết tại 63 tỉnh thành trong cả nước; bắt cóc, đánh đập, đe dọa người thân, thậm chí yêu cầu tự chặt ngón tay hoặc bắt ăn phân … là những thủ đoạn được “tập đoàn” tín dụng đen Nam Long nghĩ ra để xử lý nhân viên và con nợ mỗi khi “lệch sóng”.

Sáng 29/11, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với bộ Công an tổ chức họp báo tại Thanh Hóa để thông tin việc đơn vị này vừa phối hợp với Bộ triệt phá thành công một “tập đoàn” hoạt động tín dụng đen có chi nhánh tại 63 tỉnh thành trong cả nước.

Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc - Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa phối hợp với bộ Công an triệt phá thành công vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng đen của một "tập đoàn" có quy mô hoạt động tại 63 tỉnh thành trên cả nước, với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi và tàn bạo.

Các đối tượng tham gia đường dây bị bắt giữ.

Theo kết quả điều tra ban đầu, cuối năm 2017, Nguyễn Đức Thành (SN 1988), trú ở phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM và Nguyễn Cao Thắng (SN 1984), trú tại phường 15, quận 1, TP.HCM đã cùng nhau thành lập ra công ty tài chính Nam Long. Để thiết lập "đế chế" riêng và thể hiện quyền lực của mình, các đối tượng cầm đầu đã đặt ra chế độ "tiêu diệt" cá nhân và gia đình (bắt cóc, đe dọa người thân, thậm chí yêu cầu tự chặt ngón tay). Ngoài ra, để lôi kéo nhân viên, “tập đoàn" này thực hiện chế độ trả lương rất cao, bắt họ đặt cọc tới hàng trăm triệu đồng vào công ty để giữ chân và ràng buộc. Điều ghê sợ hơn, tổ chức tội phạm này còn soạn ra cả giáo trình đòi nợ.

Với vỏ bọc "tập đoàn" Nam Long, các đối tượng cầm đầu đã đánh lừa dân là công ty có hợp tác với một ngân hàng để cho vay. Nhưng trên thực tế, tập đoàn này không hề tồn tại mà ký hợp đồng là một công ty khác. Lãi suất vay là 360%/năm, khi người dân đã đồng ý vay thì các đối tượng còn đưa ra các khoản thu trong hợp đồng và luôn có cách để khống chế nạn nhân.

Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với bộ Công an thông báo kết quả bước đầu của chuyên án.

Theo Đại tá Oanh, thông qua mức lương, hệ thống nội quy, quy chế và cách thức kêu gọi cho vay để người dân lầm tưởng đây là một tổ chức tín dụng đàng hoàng, từ đó người dân tham gia vào hoạt động vay. Nhưng khi vào làm việc trong công ty thì người ta mới biết được đây là một tổ chức tín dụng hoạt động bất hợp pháp.

Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, tổ chức tội phạm này có 26 chi nhánh phụ trách 63 tỉnh thành trên cả nước. Mỗi chi nhánh phụ trách 2 - 5 tỉnh, do một người làm quản lý. Tính đến thời điểm này, có khoảng 200 bị hại đã chuyển tiền vào trên 30 tài khoản của tổ chức tội phạm, với số tiền trên 510 tỷ đồng.

Do không tuân thủ “luật chơi”, anh Nguyễn Văn M. (nhân viên công ty tài chính Nam Long) đã bị các đối tượng trong băng nhóm này đánh đập, tra tấn cho tới chết.

Hiện, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 9 đối tượng tham gia vụ án này. Trong đó, 7 đối tượng đã bị tạm giam, còn 2 đối tượng bỏ trốn đang bị truy nã. Ban chuyên án cũng đề nghị ai là những nạn nhân hoặc người dân biết được các thông tin của "tập đoàn" tội phạm này thì chủ động phối hợp, cung cấp thông tin cho Công an tỉnh Thanh Hóa để phục vụ công tác điều tra. Trong trường hợp người cung cấp thông tin bị đe dọa về tính mạng sẽ được công an tổ chức bảo vệ theo quy định.

Đại tá Nguyễn Văn Tám, Phó Cục trưởng cục Cảnh sát hình sự, bộ Công an đã thừa lệnh Bộ trưởng bộ Công an trao thưởng cho các đơn vị tham gia phá án

Tại buổi họp, Đại tá Nguyễn Văn Tám, Phó Cục trưởng cục Cảnh sát hình sự, bộ Công an đã thừa lệnh Bộ trưởng bộ Công an trao thưởng cho các đơn vị tham gia phá án (phòng 6 - cục Cảnh sát hình sự, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an TP.Thanh Hóa ...".

Hiện, vụ án đang được ban chuyên án mở rộng điều tra.

Tác giả: Xuân Chinh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP