Cuộc sống

Tuyên bố vợ có như không rồi chồng phải nhận ngay 'quả đắng' tê tái với màn 'nổi loạn' của vợ

"Từ khi em nghỉ làm, anh lại khoác thêm cho vợ danh hiệu ăn bám. Anh cứ đi từ sáng tới tối, em ở nhà cân hết mọi việc nhưng trong mắt chồng vẫn chỉ là ăn hại...", người vợ kể.

Khi kiếm ra tiền, không ít đàn ông tự cho mình cái quyền làm "ông lớn" trong nhà, sai bảo, chuyên quyền với vợ.

Trong nhóm kín của chị em phụ nữ, mới đây một người vợ đã vào tâm sự:

"Sinh bé thứ 2 xong, em nghỉ làm ở nhà lo nội trợ, chăm con theo ý chồng. Thực tình ban đầu em không đồng ý nghỉ làm vì vị trí công việc của em khá tốt, đúng chuyên môn lại có cơ hội thăng tiến. Tuy nhiên chồng gây sức ép quá, sau em đành phải làm theo ý anh ấy.

Chồng em kiếm ra tiền, đúng là lấy anh ấy em không phải lo kinh tế nhưng đổi lại anh gia trưởng, tính nết phải nói là cực độc đoán. Với anh ấy, phụ nữ sau khi lấy chồng là hết phần đời còn lại phải sống theo ý chồng vậy nên mọi việc trong gia đình chỉ anh ấy có quyền quyết định, em chẳng bao giờ được ý kiến. Nói chung sống với anh ấy em chỉ được phép vâng dạ, cấm trái ý.

Bài chia sẻ của người vợ

Nhất là từ khi em nghỉ làm, anh lại khoác thêm cho vợ danh hiệu ăn bám. Anh cứ đi từ sáng tới tối, em ở nhà cân hết mọi việc nhưng hễ nói là chồng em lại bảo vợ chỉ ở nhà ăn với trông con, đời có mấy người sướng như thế còn than".

Người vợ trẻ này kể vì chồng cô chưa bao giờ hiểu cho mong muốn, suy nghĩ của vợ nên sống bên anh, cô chỉ thấy áp lực, căng thẳng. Cuộc sống vợ chồng vì thế ngày một mệt mỏi hơn với cô. Thậm chí đôi lúc cô còn cảm giác chồng giống như 1 người xa lạ, tuy ăn cùng mâm, ngủ cùng giường nhưng chưa bao giờ cùng chung tiếng nói.

"Hôm ấy 2 con em ốm. Vẫn như thường lệ chỉ mình em chăm, chồng thì vẫn đi từ sáng tới đêm muộn. Đêm thức chăm con mệt quá, sáng em ngủ quên không kịp dậy là áo đi làm cho chồng. Anh gắt gỏng mắng vợ xơi xơi. Mệt nhưng em vẫn cố nhẹ nhàng giải thích song anh gạt đi bảo: 'Cô đừng có ngụy biện, chỉ ở nhà chơi, ăn bám chồng mà có vài cái quần cái áo cũng không là được còn lý do lý trấu gì. Đúng là có vợ như không'.

Thực sự lúc ấy em ức lắm rồi nên nói luôn lại: 'Nếu anh nghĩ tôi ở nhà là ăn chơi, ăn bám chồng thì để tôi cho anh biết những việc vợ anh làm có giá thế nào'.

Ngay tối đó em tìm thuê giúp việc theo giờ để làm việc nhà, trung bình mỗi ngày 200 nghìn, đứa lớn học em thuê người dạy 200 nghìn/3 tiếng, đứa bé em thuê người trông 40 nghìn/tiếng. Bản thân em đi làm trở lại, cũng đi sớm về muộn như chồng. Ngoài lương cứng, em nhận việc làm thêm vài nơi nữa thu nhập ngang ngửa anh. Đi làm về em cũng chỉ ngồi chơi, lướt facebook, xem tivi, nghe nhạc như chồng. Chồng em tức lắm nhưng em nói thẳng rằng bản thân đi làm kiếm tiền như anh thì cũng phải được hưởng chế độ sống như thế. Không có lý do gì anh đi làm về được ngồi chơi còn vợ phải làm.

Ảnh minh họa

Tổng chi phí thuê người giúp việc, gia sư, trông con của nhà em tháng đó hết 18 triệu. Em cưa đôi yêu cầu chồng trả 1 nửa rồi bảo: 'Đấy mới là tiền thuê giúp việc trong sinh hoạt gia đình, còn công sức tôi lo đối nội đối ngoại, thay anh chăm sóc bố mẹ già nữa. Khoản đó còn nặng hơn 18 triệu kia. Giờ chắc anh hiểu phần nào giá trị công sức lao động của vợ anh ở nhà rồi chứ. Cứ tính thẳng ra tiền thì còn vượt lương anh đấy'.

Lúc đó chồng em mới chịu xuống giọng bảo vợ chồng ngồi bàn bạc lại mọi việc chứ không thể cái gì cũng thuê hết 18, 20 triệu như thế. Anh ấy vẫn đề nghị vợ ở nhà chăm con thêm 1 thời gian nhưng hàng ngày anh sẽ về hỗ trợ thêm, không để vợ 1 mình lo liệu như trước".

Sau khi kết hôn, đàn ông thường giao cho vợ mình trọng trách là người "giữ lửa hôn nhân", sắp xếp mọi việc trong cuộc sống. Cùng với đó, các anh vẫn đòi hỏi bạn đời phải hoàn thành các nghĩa vụ khác như lo kinh tế, làm đẹp mặt chồng mà không bao giờ để tâm xem vợ mình liệu có bị quá sức. Chính màn "nổi loạn" của cô vợ trong câu chuyện trên phần nào giúp đấng mày râu nhận ra được giá trị từ những việc thầm lặng không tên của vợ mình.

Tác giả: Hải Hương

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP