Thế giới

Ukraine làm gì khi tuyên bố thiết quân luật sau vụ Nga bắt tàu chiến?

Quân đội Ukraine được quyền áp đặt lệnh giới nghiêm, trưng dụng phương tiện của dân khi thiết quân luật được ban bố.

Các nghị sĩ đối lập Ukraine hôm 26/11 lao lên đòi Tổng thống Poroshenko đang đứng trên bục phát biểu phải công bố rõ các điều khoản của lệnh thiết quân luật nhưng không được đáp ứng. Ảnh: AFP.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm 26/11 thành công trong việc gây sức ép để quốc hội nước này thông qua lệnh thiết quân luật sau khi cảnh sát biển Nga nổ súng bắt ba chiến hạm nước này trên Biển Đen trước đó một ngày. Tuy nhiên, quyết định thiết quân luật của Poroshenko bị quốc hội Ukraine giảm bớt đáng kể về thời gian và phạm vi áp dụng, khi chỉ được tiến hành trong 30 ngày trên 10 tỉnh giáp biên giới với Nga, theo NYTimes.

Đây được coi là phản ứng mạnh mẽ nhất tới nay của Ukraine sau vụ ba tàu chiến nước này bị nhà chức trách Nga bắt khi tìm cách băng qua eo biển Kerch để tiến vào Biển Azov. Moskva cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải và không tuân thủ quy trình, trong khi Kiev cho rằng các thủy thủ của họ chỉ đang thực hiện quyền tự do hàng hải theo luật quốc tế và yêu cầu Nga trả tự do cho họ.

Quyết định thiết quân luật được quốc hội Ukraine thông qua không được công khai toàn bộ. Tờ Uryadovyi Kuryer của chính phủ Ukraine sau đó đăng phiên bản cũ hơn, với các biện pháp thiết quân luật khắt khe hơn kéo dài trong 60 ngày do ông Poroshenko đề xuất từ đầu nhưng bị quốc hội bác bỏ.

Sự "mập mờ" trong biện pháp thiết quân luật này khiến dư luận Ukraine trong tuần qua hoang mang, nhiều người lo sợ về nguy cơ bị hạn chế đáng kể quyền tự do, thậm chí một số người cho rằng đây là dấu hiệu về cuộc chiến sắp nổ ra với Nga. Tuy nhiên, Poroshenko tìm cách trấn an dư luận khi khẳng định việc thiết quân luật chỉ là biện pháp "phản ứng trước mối đe dọa quân sự mới từ Nga", đồng thời cam đoan nó sẽ không hạn chế quyền dân sự.

Thiết quân luật thường được một quốc gia ban bố khi xảy ra bất ổn xã hội, khủng hoảng quốc gia hoặc trong tình trạng chiến tranh, giúp quân đội nắm quyền kiểm soát tình hình khi chính quyền dân sự bị cho là hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, Poroshenko khẳng định ban bố thiết quân luật "không đồng nghĩa với việc tuyên chiến" mà chỉ nhằm đề phòng nguy cơ Nga có thể chiếm các phần lãnh thổ của Ukraine nên người dân cần sẵn sàng chống lại.

Văn phòng Tổng thống Ukraine đến nay vẫn không phản hồi các yêu cầu làm rõ những điều khoản cụ thể của thiết quân luật, vốn có hiệu lực từ ngày 28/11 và sẽ kéo dài đến ngày 27/12. Đây là lần đầu tiên Ukraine ban bố thiết quân luật từ năm 1945 tới nay, nên ngay cả nhiều quan chức và nghị sĩ nước này không không biết chính xác điều gì sẽ được thi hành theo quyết định đó.

Vị trí eo biển Kerch, nơi ba tàu chiến Ukraine bị cảnh sát biển Nga bắt hôm 25/11 khi tìm cách tiến vào Biển Azov. Đồ họa: Mapbox.

Quốc hội Ukraine năm 2015 thông qua "Luật về chế độ pháp lý của thiết quân luật", trong đó liệt kê mọi biện pháp có thể được nhà chức trách nước này thi hành khi ban bố thiết quân luật. Theo đó, sau khi thiết quân luật, chính quyền Ukraine được phép hạn chế quyền hiến pháp và tự do của công dân, áp dụng quy định "lao động bắt buộc" đối với mọi công dân có khả năng lao động. Họ cũng được quyền sử dụng các tài sản của nhà nước hoặc trưng dụng tài sản, phương tiện cá nhân "vì lợi ích quốc gia".

Quân đội Ukraine được phép ban hành lệnh giới nghiêm, lập các trạm kiểm soát quân sự và hạn chế "quyền tự do đi lại của công dân, người nước ngoài cũng như các phương tiện". Binh sĩ Ukraine tại các trạm kiểm soát này được quyền kiểm tra giấy tờ và khám xét tại chỗ người, phương tiện đi qua.

Trong tình trạng thiết quân luật, mọi cuộc biểu tình hòa bình, tuần hành hay tụ tập đông người đều bị cấm. Quân đội có thể ra lệnh cấm hoặc hạn chế hoạt động của các cơ quan truyền thông cũng như việc truyền tải thông tin trên mạng xã hội.

Theo Roman Marchenko, một luật sư ở Ukraine, những quy định trong đạo luật này cho phép các sĩ quan quân đội Ukraine ở 10 tỉnh giáp biên giới với Nga có quyền trưng dụng tài sản, phương tiện của người dân phục vụ cho mục đích vận chuyển binh sĩ và buộc người dân sơ tán khỏi các khu vực đông đúc cũng như áp dụng lệnh giới nghiêm.

"Câu hỏi là liệu có chỉ huy quân đội nào muốn sử dụng quyền lực như vậy trong thực tế hay không", Marchenko nói. "Về lý thuyết, họ có thể làm mọi thứ họ muốn mà không phải giải thích với người dân, tòa án hay với bất cứ ai khác".

Lính Ukraine tại một chốt kiểm soát ở Berdyansk, thành phố ven bờ Biển Azov. Ảnh: AP.

Tổng thống Poroshenko không nói rõ quân đội Ukraine sẽ thực thi những biện pháp nào trong các quy định trên, nhưng khi thực thi quyền nào trong số đó, lực lượng vũ trang nước này sẽ tiếp quản quyền lực từ chính quyền địa phương trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, nhiều quan sát viên cho rằng thiết quân luật nhiều khả năng không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống bình thường của người dân Ukraine, bởi mục tiêu của Poroshenko khi đưa ra đề xuất này là nhằm trì hoãn cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 3/2019, thời điểm ông có khả năng thất cử rất cao, bởi tỷ lệ ủng hộ ông hiện nay chỉ vào khoảng 8%.

Theo luật, quá trình vận động bầu cử tổng thống Ukraine sẽ bắt đầu vào ngày 31/12. Nếu đề xuất thiết quân luật trong vòng 60 ngày của Poroshenko được thông qua, ông có quyền hoãn cuộc bầu cử trong lúc có những động thái mới để tăng tỷ lệ ủng hộ của cử tri. Tuy nhiên, quyết định của quốc hội Ukraine có vẻ như đã làm phá sản toan tính này của Poroshenko, khi họ xác nhận cuộc bầu cử vẫn diễn ra theo kế hoạch.

Trước động thái này của Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Poroshenko đang tìm cách lợi dụng cuộc khủng hoảng để gia tăng vị thế chính trị của mình trước thềm cuộc bầu cử. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 27/11, Putin bày tỏ quan ngại trước quyết định của Kiev, đề nghị Đức gây sức ép để Ukraine "không có thêm các bước đi thiếu cân nhắc".

Trong khi đó, NATO và nhiều nước phương Tây bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine trong vụ tàu chiến nước này bị cảnh sát biển Nga bắt gần eo biển Kerch ở Crimea. Các chính trị gia ở Đức, Áo, Ba Lan và Estonia đề nghị áp đặt lệnh cấm vận mới của EU chống lại Nga sau sự cố, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay tuyên bố hủy cuộc gặp đã được lên kế hoạch với Putin bên lề hội nghị G20 ở Argentina.

Tác giả: Thành Nguyễn

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP