Xã hội

Vén bức màn bí mật hoạt động của công ty du học bị lao động tố chiếm đoạt tiền

Chỉ được phép tư vấn du học nhưng công ty TNHH Nhân lực Toàn Cầu (Hà Tĩnh) vẫn hoạt động xuất khẩu lao động trái phép. Những lao động nộp tiền vào đây phải ròng rã chờ đợi rồi số tiền đã đóng cũng bị công ty này chây ì, chiếm đoạt.

Lao động đồng loạt tố cáo

Những ngày vừa qua, báo Đời sống & Pháp luật nhận được đơn tố cáo của hàng chục lao động tố bị công ty TNHH Nhân lực Toàn Cầu (công ty Toàn Cầu, trụ sở tại số 47, khối phố Tân Trung, phường Thạch Trung, TP.Hà Tĩnh) lừa nộp tiền để chiếm đoạt. Anh Võ Văn Bằng (SN 1993, trú tại xóm 1, xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) cho biết, ngày 24/4, anh và bạn là Lê Văn Bé (SN 1994, trú tại xóm 3, xã Nghi Vạn, Nghi Lộc) đến gặp bà Lộc tại trụ sở công ty Toàn Cầu để tư vấn XKLĐ sang Hàn Quốc làm thợ hàn 4G, 6G.

Tại đây, bà Lộc hứa hẹn sang tháng 5/2019 sẽ có lịch phỏng vấn nên ngay ở trụ sở công ty Toàn Cầu, anh Bằng và anh Bé tin tưởng nộp cho bà Lộc mỗi người 10 triệu đồng cùng các loại bằng gốc. Gần 5 tháng sau, đến tháng 9/2019 vẫn chưa có lịch phỏng vấn. Hai anh nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho bà Lộc hỏi đều được trả lời bâng quơ, lần lữa, hứa hẹn và không nghe máy.

“Nghi ngờ đã bị lừa, chúng tôi xin rút hồ sơ và tiền đã nộp nhưng bà Lộc không cho và nói muốn lấy hồ sơ thì mất 10 triệu đã đặt cọc. Chúng tôi liên tục gọi, vào gặp trực tiếp bà Lộc để đòi tiền thì bị bà tỏ thái độ thách thức và chặn số. Vào công ty đòi tiền thì ông Dũng - Giám đốc công ty đặt 1 cây tuýp sắt trên bàn đe dọa", anh Bé nói.

Đơn cùng các giấy tờ nhận tiền cung ứng XKLĐ của công ty Toàn Cầu.


Tương tự, chị Đào Thị Oanh (SN 1990, trú tại xóm 10, xã Nghi Liên, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) phản ánh, vào ngày 13/3 chị đến công ty Toàn Cầu để tìm hiểu đi XKLĐ sang Hàn Quốc. Tại đây, bà Nguyễn Thị Thanh Lộc hứa hẹn chỉ trong vòng 2 – 3 tháng có thể bay nên chị Oanh không chút do dự, cũng nộp cho Lộc 10 triệu đồng. Sau đó, bà Lộc tiếp tục thúc giục chị Oanh nộp các giấy tờ gốc gồm hộ khẩu, hộ chiếu, CMND, giấy khai sinh, bảng điểm.

Thế nhưng, không có lịch phỏng vấn như bà Lộc cam kết. Chờ đợi quá lâu, đến tháng 9/2019, chị Oanh liên hệ bà Lộc đòi lại hồ sơ và tiền cọc thì bà Lộc dọa, nếu rút hồ sơ sẽ phải bồi thường 20 triệu đồng. “Tôi liên tục nhắn tin, gọi điện thì bà Lộc không trả lời còn nói giọng thách thức. Bà Lộc thu bằng gốc để sau này gây khó dễ cho chúng tôi. Đây là cách mà bà Lộc làm với tất cả các lao động, khi tôi biết thì đã quá muộn", chị Oanh nói.

Là một nạn nhân khác, chị Nguyễn Thị Na (SN 1993, trú xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) tố cáo, tháng 11/2018, chị đến công ty nộp hồ sơ đi XKLĐ Nhật Bản theo diện kỹ sư. Chị Na nộp cho Nguyễn Thị Thanh Lộc tổng số tiền hơn 68 triệu đồng. Sau đó, chị Na được giới thiệu ra công ty G.V Hà Nội thi đơn. Đến tháng 2/2019, chị Na vẫn chưa thể “bay”, lúc này có thông tin tố cáo công ty G.V lừa đảo, nhiều lao động bị mắc kẹt tiền tại đây nên chị Na chấp nhận nộp phạt 29,85 triệu đồng để xin rút hồ sơ.

Ngày 22/5, chị Na vào công ty gặp ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc công ty Toàn Cầu để làm việc. Tại đây, ông Dũng hứa hẹn sẽ hoàn trả lại số tiền mà chị Na đã nộp. Hàng tháng trời sau đó, chị vẫn không được hoàn trả lại tiền. Rất nhiều lần chị nhắn tin, gọi điện và gặp ông Dũng đòi tiền nhưng không được. Đến ngày 2/7, chị Na tiếp tục vào Hà Tĩnh gặp ông Dũng, bà Lộc thì chỉ được trả bớt 15 triệu đồng.

“Ông Dũng nói với tôi, giờ chỉ có 15 triệu đó cầm thì cầm không cầm thì thôi. Tôi đành chấp nhận và bắt ông Dũng viết giấy hẹn. Tiếp đó là rất nhiều lần ông Dũng lần lữa. Tìm gặp thì ông Dũng ăn nói côn đồ và đòi đánh tôi”, chị Na bức xúc nói.

Đáng nói, không chỉ lao động mà ngay cả nhân viên từng làm việc tại công ty này cũng đứng ra tố cáo bị ông Dũng quỵt lương và chiếm đoạt số tiền buộc đóng cam kết khi vào làm.

Núp bóng du học để hoạt động xuất khẩu lao động trái phép

Để rộng đường dư luận, ngày 5/10, báo Đời sống & Pháp luật đã có buổi làm việc với đại diện công ty Toàn Cầu về nội dung các tố cáo trên.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc công ty Toàn Cầu phủ nhận nội dung tố cáo. Ông cho hay, không liên quan đến những việc làm của bà Lộc, công ty ông chỉ hoạt động tư vấn du học. "Tôi không nhớ lao động nào cả. Tôi rất nhiều việc, làm sao nhớ hết được. Việc bà Lộc thu tiền, nhận hồ sơ XKLĐ là việc của bà Lộc làm ngoài, không liên quan đến tôi, đến công ty", ông Dũng nói.

Còn bà Lộc cũng liên tục lắc đầu: “Hóa đơn nhận tiền mà các nạn nhân cung cấp ra chợ tôi có thể mua cả đống như vậy. Anh Bằng và anh Bé tôi chỉ nhận hồ sơ tư vấn thôi. Ngoài ra, tôi không quen ai như các anh chị nói cả. Tôi cũng không nhận tiền của ai. Các lao động đều nộp tiền cho công ty ở ngoài Hà Nội, tôi chỉ làm công việc nhận và chuyển hồ sơ”. Thế nhưng, PV đặt câu hỏi, nộp hồ sơ cho ai?, cho công ty nào ở Hà Nội thì bà Lộc lại nói không biết(?!).

Cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh xác định, công ty Toàn Cầu hoạt động xuất khẩu lao động trái phép đã bị xử phạt nhưng vẫn tiếp tục làm "chui".

Mặc dù ông Dũng và bà Lộc đều phủ nhận không quen biết, nhận tiền và hoạt động XKLĐ thế nhưng tất cả giao dịch với các lao động trên đều được diễn ra tại trụ sở công ty Toàn Cầu. Trên hóa đơn, chứng từ nhận tiền mà các nạn nhân cung cấp cho chúng tôi đều có chữ ký được chính bà Lộc xác nhận là của mình. Ngoài ra, nhiều tin nhắn qua lại có nội dung tiền bạc với các lao động cũng được xác định gửi từ số máy của bà Lộc và ông Dũng.

Liên quan nội dung vụ việc, ngày 10/10, trao đổi với PV ĐS&PL, ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng lao động việc làm, sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) tỉnh Hà Tĩnh cho biết, công ty Toàn Cầu chưa được cấp giấy phép hoạt động XKLĐ mà chỉ được hoạt động dịch vụ tư vấn du học. Thế nhưng, công ty này vẫn nhận hồ sơ tư vấn, cung ứng xuất khẩu lao động trái phép.

Theo ông Dũng, trước đó, vào ngày 18/12/2018, đoàn liên ngành gồm: Sở LĐ- TB&XH tỉnh, Công an tỉnh Hà Tĩnh, sở GDĐT tỉnh đã tiến hành kiểm tra, phát hiện sai phạm và đã yêu cầu công ty Toàn Cầu đình chỉ ngay các hoạt động cung ứng XKLĐ; tiêu hủy toàn bộ hồ sơ; liên hệ với các doanh nghiệp XKLĐ mà công ty Toàn Cầu cung ứng lao động để thanh lý hợp đồng và giải quyết các quyền lợi liên quan cho người lao động. “Chúng tôi rất cảm ơn cơ quan báo chí đã vào cuộc. Công ty này hoạt động XKLĐ trái phép lâu nay.

Nội dung lao động tố cáo, Sở đã nắm được. Hiện công an tỉnh đang vào cuộc điều tra. Thanh tra sở LĐ-TB&XH cũng sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ, xử lý”, ông Dũng nói.

Thông tin từ phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh, hiện, đơn vị đã tiếp nhận được đơn của 6 lao động tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Văn Dũng và bà Nguyễn Thị Thanh Lộc. Thiếu tá Nguyễn Phi Hải, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh cho biết, rất quan tâm vụ việc và đơn vị đang khẩn trương vào cuộc, điều tra, làm rõ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Tác giả: Ngân Hà

Nguồn tin: Báo Đời Sống & Pháp Luật

  Từ khóa: du học , trái phép , công ty , lừa đảo

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP