Nhân ái

Vết gợn "gia đình da cam" sống quay quắt với cả "tá" bệnh hiểm nghèo

Trở về từ chiến trường miền Nam, ông Ngơi mang trong mình chất độc da cam. Bốn đứa con ra đời thì đều "không bình thường", trong đó một con đã mất vì bệnh tật, chỉ duy có anh Hải được hưởng trợ cấp nạn nhân chất độc da cam. Cả gia đình quay quắt sống trong bệnh tật, đói nghèo...trên đôi vai anh Hải.

Căn nhà nhỏ, đơn sơ, chẳng có một vật dụng gì đáng giá nhưng lại sạch sẽ vô cùng. Ở một góc nhà, người đàn ông khắc khổ cặm cụi bơm từng xilanh cháo cho người cha đang nằm bất động.

Đoạn, anh cẩn thận hút đờm, lau cho cha rồi mới vội vã ra tiếp chuyện chúng tôi bên một bộ bàn ghế tiếp khách, mà thậm chí ghế nhựa đã gãy xiêu vẹo cũng chưa có điều kiện để thay.

Anh Phan Duy Hải bón từng xilanh cháo duy trì sự sống cho cha

Sinh năm 1976, hơn 40 nhưng Phan Duy Hải đã già hơn rất nhiều so với độ tuổi của mình. Anh không vợ, không con, một mình chăm nuôi bố mẹ già bệnh tật, còn hai người em thì ngơ ngẩn, không bình thường.

Bố anh - ông Phan Duy Ngơi (sinh năm 1943) có 10 năm đi bộ đội ở chiến trường miền Nam và Lào (1965-1975), may mắn trở về nhưng ông mang trong mình chất độc da cam mà không hề hay biết.

Do giấy tờ không đầy đủ, phải đến năm 2013, ông mới được chứng nhận và được hưởng chế độ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam.

Khoản tiền trợ cấp ít ỏi đó trở thành thu nhập chính của gia đình mấy miệng ăn, không một ai có đủ sức lao động, thế nhưng cũng chẳng duy trì được là bao khi bệnh tật đeo đẳng mãi không chịu buông tha.

Vốn sức khoẻ đã yếu, bị tắc nghẽn đường thở mãn tính, vào tháng 10/2018, ông Phan Duy Ngơi bị phát hiện mắc bệnh lao phổi.

Mang trong mình chất độc da cam, ông Phan Duy Ngơi lại bị đột quỵ trong quá trình chữa trị bệnh lao phổi

Điều trị bệnh hàng tháng trời thì tai ương lại ập tới, ông bị đột quỵ, kéo theo một loạt bệnh tật khác: suy tim, suy thận, suy gan.

Tháng 6/2019, ông được bệnh viện trả về và hiện trong tình trạng nguy cấp, phải thở bằng bình oxy.

Khi ông nằm bất động, sống lay lắt thì vợ ông - bà Hoàng Thị Bình (sinh năm 1950) cũng không còn sức trụ nổi. Suốt cả cuộc đời lam lũ ruộng đồng nuôi chồng và các con, là lao động chính trong nhà, nay 70 tuổi, mắt đã mờ, chân đã chậm, bà lại phải chống chọi với những cơn đau dạ dày và đau đĩa đệm triền miên.

Mấy hôm trước cơn bão số 4, thời tiết thay đổi, bà bị tăng huyết áp, có lúc lên đến 180 mà không dám đi bệnh viện, một phần vì không có người hỗ trợ, một phần vì lo tốn kém.

“Tôi nào có dám đi bệnh viện, trong nhà còn ai nữa đâu cô ơi. Có thằng con què quặt ở đó, chưa lo được cho thân nó, nay nó lại còn phải chăm cha, chăm mẹ… Tôi thương nó lắm…” - bà Bình chỉ tay về phía anh Phan Duy Hải rồi không giấu được xúc động, mỗi lúc lại khóc nấc lên.

Anh Hải cho biết, anh cũng như các em của mình đều sinh ra khoẻ mạnh, bình thường, đến một độ tuổi nhất định thì mới thấy rõ di chứng di truyền của chất độc màu da cam từ cha để lại.

Bản thân anh phải đến năm 2003, trong một đợt đau nhức khắp cơ thể không rõ nguyên nhân, rồi đi khám thì mới phát hiện một loạt bệnh: dính khớp, vảy nến rồi xuất huyết tiêu hoá.

Di chứng chất độc da cam khiến anh Phan Duy Hải phải chấp nhận cuộc sống đơn độc, một mình nuôi cha mẹ già trong khi các em trí não phát triển không bình thường

Vẩy nên nổi khắp toàn thân, đôi chân anh Hải biến dạng, đi lại không bình thường dù đã thay hai khớp háng

Mười năm sau đó, vào năm 2013, trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn, nằm trong diện hộ nghèo, anh vẫn phải vay mượn 50 triệu đồng, bán cả trâu bò mới đủ tiền thay hai khớp háng loại rẻ nhất để có thể đi lại được.

Mà khổ nỗi việc thay khớp háng tốn kém là vậy nhưng cũng chỉ giúp anh “nhúc nhắc” đi ra đi vào, còn những căn bệnh khác vẫn đeo đẳng, tiêu tốn hàng triệu đồng tiền thuốc.

Trong khi đó, khoản trợ cấp nạn nhân chất độc da cam đối với anh 909.000 đồng mỗi tháng, anh phải chắt bóp đủ đường mới đủ sống. Được bệnh viện cấp đơn thuốc, anh cũng chỉ dám lấy nửa đơn vì thuốc đặc trị quá đắt đỏ.

Ấy thế mà, Phan Duy Hải vẫn nói rằng mình “may mắn”. “May mắn” vì anh là người duy nhất trong mấy anh em có “trí não bình thường” để còn chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ già.

Hai em trai của anh: Phan Duy Chiến (sinh năm 1982) bị thiểu năng trí tuệ, đau khớp, thị lực kém; Phan Duy Thắng (sinh năm 1986) trí tuệ cũng bị hạn chế, sức khoẻ kém.

Cả hai người đều do hạn chế về nhận thức nên không theo đuổi được việc học, thậm chí anh Thắng không biết chữ. Dù vậy, họ không được hưởng chế độ trợ cấp nạn nhân chất độc da cam như anh Hải và cha mình.

Dưới anh Hải còn một người em gái nhưng chẳng may bị bệnh máu trắng, không thể qua khỏi và đã mất năm 2001.

Thành ra, khi mẹ già yếu, cha bệnh trọng, chỉ mình anh Hải là người còn có khả năng cáng đáng gánh nặng gia đình. Lúc còn có chút sức khoẻ, anh chẳng nề hà việc gì, hết làm nông rồi đi rừng kiếm củi, làm chổi đót bán kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi các em, nay khi bệnh tật, anh vẫn luôn chân luôn tay vệ sinh nhà cửa sạch sẽ; lau rửa, xức thuốc; xay cháo, giã thuốc bón cho cha…

Câu chuyện giữa chúng tôi và anh Phan Duy Hải cứ một lúc lại bị gián đoạn, bởi đều đặn cách 10-15 phút, anh lại phải lại giúp cha hút đờm và quan sát từng biến đổi trên gương mặt cha mình.

Bác Phan Thị Hoà là hàng xóm của gia đình chỉ biết lắc đầu thở dài đầy ái ngại: “Thú thật với nhà báo, nhìn gia cảnh anh ấy, chúng tôi cũng thương lắm, nhưng quanh đây toàn người già cả, con cái đều đi làm ăn xa, không ai giúp được gì nhiều. Bà Bình bà ấy là phụ nữ mà như trụ cột, mà bây giờ 70 tuổi rồi, làm gì còn sức nữa đâu”.

“Nhiều người tới thăm hỏi, có lẽ vì nghĩ cho mẹ con tôi mà nói đến việc rút ống thở, sớm kết thúc đau đớn cho cha và cũng là giải thoát. Nhưng phận tôi là con, sao nỡ làm vậy, tôi không làm được, mẹ tôi không làm được. Cha tôi còn một hơi thở, tôi cũng vẫn muốn được chăm sóc cho cha”, anh Hải không cầm được nước mắt, ôm mặt khóc như đứa trẻ.

Thương cha, xót mẹ, nhưng từ tiền thuốc thang đến từng hộp giấy vệ sinh, từng chiếc bỉm để thay cho cha cũng là cả một gánh nặng với mẹ con anh. Chưa kể, trong khi vẫn còn nợ ngân hàng gần 40 triệu đồng, để lo cho cha lúc nguy cấp, anh còn phải đi vay “nóng” 20 triệu đồng với lãi suất 0,8%/tháng.

Người đau yếu, bệnh tật chăm sóc người gần đất xa trời… Rồi mai này lỡ khi cha khuất núi, với hơn 900 nghìn đồng mỗi tháng, một cơ thể bệnh tật, một đôi chân co quắp và khoản nợ hàng chục triệu đồng còn đó, anh cũng chưa biết sẽ phải làm gì tiếp, chưa biết hướng xoay sở ra sao…

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Anh Phan Duy Hải - Thôn Tân Hà, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An

Số TK: 3615205107078.

Chủ TK: Phan Duy Hải.

Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Thanh Chương, Nghệ An.

Tác giả: Bích Diệp

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP