Kinh tế

Vì sao BOT Hòa Lạc - Hòa Bình phải xả trạm?

Chủ đầu tư bức xúc, doanh nghiệp cho rằng vị trí đặt trạm sai, tổ chức thu phí không hợp lý khiến người dân phản ứng.

Doanh nghiệp bức xúc

Ngày 8/5, trao đổi với Báo Đất Việt, đại diện Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình bức xúc cho biết, tình trạng lái xe dàn hàng ngang, phản đối thu phí khiến toàn tuyến đường bị ùn tắc kéo dài đã diễn ra suốt 2 ngày liên tục (từ ngày 7 - 8/5), gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.

Trạm thu phí Hòa Lạc - Hòa Bình bị ùn tắc nên phải xả trạm. Ảnh: VnE

Sự việc diễn ra bắt đầu từ trưa đến chiều tối 7/5, hàng chục ôtô dừng đỗ ở cả 4 làn thu phí tại trạm BOT Hòa Lạc (xã Yên Quang, Kỳ Sơn, Hòa Bình) để phản đối chính sách thu phí. Trạm đã phải xả 2 lần. Đến chiều ngày 8/5, tình trạng trên vẫn tiếp diễn.

"Họ tập trung ở trạm, chúng tôi nhấc barie xe cũng không qua, gây lên tình trạng ùn tắc kéo dài, buộc doanh nghiệp phải xả trạm, không thu phí", đại diện doanh nghiệp đầu tư cho biết.

Lý giải cho hiện tượng trên, vị này cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định giảm 50% giá vé cho các chủ phương tiện là tổ chức, cá nhân (xe chính chủ) nằm trong phạm vi bán kính 5 km của trạm thu phí, số lượng hơn 100 xe.

Tuy nhiên, một số chủ phương tiện không thuộc đối tượng miễn giảm giá vé theo quy định đã tụ tập phản đối, đòi được miễn vé 100% và mở rộng phạm vi miễn giảm. Nhiều người có xe không chính chủ cũng yêu cầu được miễn giảm như người địa phương có xe chính chủ.

"Những đòi hỏi của lái xe vượt quá thẩm quyền của doanh nghiệp, do đó, doanh nghiệp đã có báo cáo và đang chờ chỉ đạo từ phía Bộ GTVT", vị này nói.

Đại diện doanh nghiệp này cũng cho rằng, không loại trừ khả năng các đối tượng xấu lợi dụng việc này tổ chức, tụ tập, gây rối, cản trở công tác thu phí. Theo đó, doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT, UBND tỉnh Hòa Bình phối hợp giải quyết.

"Về phía doanh nghiệp đã nhờ lực lượng chức Hòa Bình hỗ trợ, tổ chức đối thoại nhưng các chủ phương tiện vẫn có hành vi cản trở công tác thu phí", phía doanh nghiệp thông tin.

Điều hành chưa tốt?

Sự việc xảy ra khi trạm BOT Hòa Lạc mới hoạt động được 4 ngày để thu phí hoàn vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình. Mức thu thấp nhất 35.000 đồng/lượt xe và cao nhất là 180.000 đồng/lượt xe. Đại diện nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hòa Bình cho rằng, nguyên nhân là do cách thức điều hành không linh hoạt của nhà đầu tư.

Chủ Công ty khai thác đá vật liệu xây dựng An Bình (Hòa Bình) cho biết, sự bức xúc của người dân xuất phát từ việc xác định vị trí đặt trạm có vấn đề.

Đại diện doanh nghiệp này cho biết, vị trí đặt trạm tại tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình cũng giống BOT tuyến tránh Pháp Vân - Phủ Lý, đặt trạm để buộc dân phải qua BOT, không được lựa chọn đường khác.

"Tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình được xây dựng trên nền tảng là tuyến đường 446 trước đây người dân vẫn sử dụng nhưng bị tuyến BOT mới đè lên. Người dân địa phương yêu cầu hoặc là hoàn trả tuyến đường cũ cho họ, hoặc là sửa đổi chính sách miễn giảm giá vé cho những người dân quanh khu vực đó theo hướng giảm 100% cũng không có gì sai", lãnh đạo doanh nghiệp này nói.

Còn theo lãnh đạo Công ty TNHH TMDV Khang Nguyên (Hòa Bình) thì cho rằng, người dân phản ứng là cách điều hành của nhà đầu tư chưa hợp lý.

"Mỗi ngày doanh nghiệp tôi ít nhất có một chuyến chạy qua tuyến BOT này, qua quan sát tôi thấy, người dân phản đối chủ yếu vì cách tổ chức thu phí của nhà đầu tư chưa phù hợp.

Tôi lấy ví dụ như ở khu vực Quảng Ninh, Cẩm Phả, những người dân quanh khu vực đó đều được miễn phí hoàn toàn 100%.

Tuy nhiên, ở đây nhà đầu tư quyết định miễn phí có 50% cho những người dân trong phạm vi 5km, những đối tượng khác vẫn thu bình thường", vị này nói.

Cũng theo lãnh đạo doanh nghiệp này, những người phản đối đa số đều là những người dân quanh khu vực xây dựng trạm BOT, mỗi ngày phải đi lại qua trạm BOT tới vài lần, tính ra, tiền phí chi trả quá lớn.

"Tôi không biết nhà đầu tư điều hành theo cách nào, nhưng đã có nhiều trường hợp như vậy rồi mà chủ đầu tư vẫn không rút ra được kinh nghiệm cho thấy năng lực điều hành, quản lý của nhà đầu tư chưa tốt", vị này thẳng thắn.

Với giải thích, do không phân biệt được xe chính chủ và không chính chủ nên không thể thực hiện miễn giảm giá vé cho người dân, vị này cho rằng, giải thích của nhà đầu tư như vậy là chưa cầu thị.

"Doanh nghiệp chỉ cần làm việc với địa phương, thống kê danh sách phương tiện đi lại trên địa bàn, sau đó thì phát thẻ ưu tiên, việc không có gì khó khăn, vấn đề là nhà đầu tư có muốn làm hay không thôi. Chính sách hợp lý, dân không ai phản đối cả", vị này nói.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP