Tin trong tỉnh

Vì sao người dân bị thu hồi đất tại dự án thủy lợi Bản Mồng phải lo lắng "chồng" lo lắng?

Sau khi được Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Nghĩa Đàn phát tờ thông báo kiểm đếm, áp giá đền bù hỗ trợ đối với diện tích đất rừng giao khoán bị thu hồi để thực hiện dự án thủy lợi Bản Mồng, nhiều gia đình đã hết sức lo lắng.

Băn khoăn khi nhận thông báo kiểm kê, áp giá!

Trong đơn khiếu nại gửi PL&DS, 12 hộ dân có đất rừng sản xuất bị ảnh hưởng tại xã Nghĩa Mai thuộc huyện Nghĩa Đàn, nằm trong diện bị thu hồi phục vụ cho dự án thủy lợi Bản Mồng bày tỏ sự lo lắng, hoang mang trước hàng loạt bất cập, thiếu sót và chưa đúng thực tế khi Ban bồi thường, hỗ trợ và tái định cư UBND huyện Nghĩa Đàn (Ban BT-HT&TĐC huyện Nghĩa Đàn) phát tờ thông báo kiểm đếm, áp giá đền bù, hỗ trợ.

Nội dung đơn của 12 hộ dân nêu rõ: Năm 2002 thực hiện chủ trương của Nhà nước, họ đã mạnh dạn làm hợp đồng giao khoán rừng sản xuất với Lâm trường Nghĩa Đàn. Thời gian nhận giao khoán là 30 năm, toàn bộ diện tích các hộ nhận giao khoán đều thuộc rừng sản xuất, thuộc các tiểu khu 242 và 244 thuộc lâm phận của Lâm trường Nghĩa Đàn quản lý. Từ đó tới nay, việc canh tác, sản xuất vẫn diễn ra bình thường và cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhiều gia đình nhờ vào mảnh rừng giao khoán mà cuộc sống trở nên khấm khá, thoát cảnh chạy ăn từng bữa, thoát cảnh đói nghèo.

Cuối năm 2019, UBND huyện Nghĩa Đàn đã phát tới từng hộ gia đình nội dung thông báo việc kiểm đếm tài sản, hoa màu, đất, cây cối… đối với toàn bộ diện tích đất rừng giao khoán mà gia đình đang thực hiện để chuẩn bị cho việc thu hồi phục vụ dự án thủy lợi Bản Mồng. Khi nhận được bảng kiểm kê, áp giá đề bù, nhiều người đã không khỏi lo lắng.

Thông tin về kiểm kê, áp giá đền bù, hỗ trợ do huyện Nghĩa Đàn thông báo đang khiến người dân "rất tâm tư"

Trong bảng kiểm kê, áp giá đền bù, hỗ trợ, Ban BT-HT &TĐC huyện Nghĩa Đàn chưa kiểm đếm, nêu rõ việc hỗ trợ, đền bù đối với những công trình mà để phục vụ sản xuất thì người dân đã phải vay mượn, bỏ biết bao công sức tiền bạc để tôn tạo nên như đường vận chuyển nguyên liệu dài 6,3 km, 2 số ao hồ trữ nước cho tưới tiêu.

Bên cạnh đó, việc áp dụng hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất với mức 3 nghìn đồng/m2 và tiền công bảo vệ hàng năm mức 200 nghìn/năm là không phù hợp, còn mang kiểu tính toán chung chung, không đúng thực tế mức độ đất rừng sản xuất bị thu hồi, cũng như diện tích cụ thể theo quy định, chủ trương chung của nhà nước và của UBND tỉnh Nghệ An. Và còn 20 héc ta thuộc đất bãi bồi ven sông Hiếu lâu nay làm Nông nghiệp như trồng lúa, lạc, ngô…cũng chưa được đưa vào kiểm đếm, áp giá đền bù, hỗ trợ;

Đặc biệt, là vấn đề về việc vì sao không áp giá đền bù đối với diện tích đất thực tế bị thu hồi, tổng 12 hộ bị thu hồi với tổng diện tích lên tới hơn 100 héc ta. Toàn bộ diện tích này đều là đất rừng sản xuất nhận giao khoán với Lâm trường Nghĩa Đàn, có hợp đồng giao khoán, hàng năm thực hiện nghĩa vụ đầy đủ…và thời hạn giao khoán còn 12 năm nữa mới hết. Việc này khiến họ bị tổn thất lớn, thiệt hại kinh tế quá lớn.

“ Chủ trương lớn của tỉnh, chúng tôi hoàn toàn đồng sức, đồng lòng, ủng hộ. Sẵn sàng chấp nhận chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển sang làm việc khác kiểm tiền khi đất rừng bị thu hồi, thu hẹp diện tích sản xuất. Tuy nhiên, nếu thu hồi mà áp giá, hỗ trợ như huyện thông báo thì đúng là “chết điếng người”. Chúng tôi mong rằng UBND huyện, UBND tỉnh cũng như Chủ đầu tư dự án là Sở NN&PTNT tỉnh nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật hiện hành, thực hiện bồi thường, hỗ trợ chính xác, tối ưu cho nhân dân bị ảnh hưởng. Chúng tôi cũng đã làm đơn kiến nghị, khiếu nại lên tỉnh, đang chờ phản hồi cụ thể. Hi vọng tỉnh sẽ lắng nghe và có phương án cụ thể giúp dân:’ – Ông Thái Bá Phương là 1 trong 12 hộ dân nằm trong diện có đất bị thu hồi bày tỏ.

Cần sớm minh bạch, cụ thể việc đền bù, hỗ trợ!

Cũng trong kiến nghị gửi các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, 12 hộ dân bị ảnh hưởng đất bị thu hồi cho dự án thủy lợi Bản Mồng cũng nêu việc khi diện tích đất rừng bị thu hồi, cuộc sống của họ sẽ gặp nhiều khó khăn. Đã vậy, việc thu hồi cứ kéo dài ròng rã, từ khi có thông tin là năm 2018, chính thức đến năm 2019 thì nhận được bảng kiểm đếm áp giá, đền bù việc thu hồi đất, đến nay đã hơn 2 năm nhưng việc hu hồi cụ thể vẫn chưa được công bố chính thức.

Cũng vì thế mà việc sản xuất, canh tác bị ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng. Sau khi thu hoạch thì không dám tái trồng, hoặc không tiếp tục trồng các diện tích cây hàng năm vì sợ phải chặt bỏ khi dự án đột ngột thu hồi…Kéo theo đó là bao hệ lụy, thiệt hại lớn về sản xuất, canh tác, đất vốn dĩ sinh lợi nay dường như phải bỏ mặc, nằm im chờ dự án thu hồi. Do đó, người dân mong mỏi UBND tỉnh, chủ đầu tư dự án cần có tiếng nói cụ thể, dứt khoát việc thu hồi đất, đừng để họ phải lo lắng "chồng" lo lắng.

Đồng thời, người dân cũng mong muốn UBND tỉnh Nghệ An, chủ đầu tư dự án thủy lợi Bản Mồng sớm có câu trả lời việc đối với diện tích bị ảnh hưởng do thu hồi phục vụ cho dự án thủy điện. Họ cần sự minh bạch việc diện tích đất thu hồi phục vụ dự án thủy lợi Bản Mồng, và diện tích thu hồi phục vụ cho thủy điện.

Huyện Nghĩa Đàn cho rằng đây chỉ là bước khảo sát, kiểm đếm....và đang chờ ý kiến từ Sở TN&MT, Sở NN&PTNT tỉnh

“Chúng tôi bất ngờ là bởi trước đó, nhiều hộ được thu hồi, được tính toán áp giá đền bù thì nghe chừng hợp lý. Tới chúng tôi thì lại bị có những vấn đề chưa hợp lý. Trong khi đó, Ban đền bù, hỗ trợ của huyện trực tiếp do ông Võ Tiến Sỹ– Phó Chủ tịch UBND huyên phụ trách thực hiện. Chẳng thể nào cùng một dự án, cùng một khu vực, loại đất bị thu hồi lại có sự khác nhau về đền bù, hỗ trợ được. Cũng bởi vậy nên chúng tôi mới bất bình và đơn thư kiến nghị” – Nhiều hộ bức xúc trao đổi với PV.

Trước những thắc mắc, kiến nghị của 12 hộ dân này, huyện Nghĩa Đàn, trực tiếp là Ban BT-HT&TĐC huyện do ông Võ Tiến Sỹ – Phó chủ tịch UBND huyện, trưởng Ban cũng đã có văn bản trả lời. Nội dung văn bản số 03/BC-HĐBT, ngày 9/12/2019 do ông Sỹ ký cũng nêu rõ: Dự án này, việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất mới chỉ đến bước thứ 2 là tổ chức điều tra, khảo sát, kiểm đếm, đo đạc…chưa có Quyết định thu hồi cụ thể. Do đó một số thiếu sót thì sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra và bổ sung nếu có. Còn một số nội dung khác như việc áp giá đối với từng loại đất thì huyện đang chờ công văn phản hồi từ Sở TN&MT cũng như Sở NN&PTNN mới có hướng cụ thể.

Đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, Chủ đầu tự dự án thủy lợi Bản Mồng là Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cần xem xét kiến nghị cụ thể của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Có câu trả lời cụ thể, rõ ràng để người dân an tâm, và đồng lòng vì chủ trương chung, vì lợi ích kinh tế người dân, địa phương song hành.

Điều 78, Luật đất đai số 45/2013/QH13: Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo

Tổ chức kinh tế đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường về đất; mức bồi thường về đất được xác định theo thời hạn sử dụng đất còn lại.
Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm khi Nhà nước thu hồi đất thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại nếu chi phí này không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Trường hợp đất nông nghiệp không phải là đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên của tổ chức kinh tế đã giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật khi Nhà nước thu hồi đất thì hộ gia đình, cá nhân nhận khoán không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại.

Tác giả: Hoàng Phạm

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP