Xã hội

'Vợ con ông Linh có thể kiện nhóm người quá khích xâm hại nhà mình'

Dù hiện nay, vợ con ông Linh không phản ứng và lộ diện, nhưng họ có quyền kiện và báo chính quyền địa phương can thiệp để ngăn chặn hành vi của nhóm người quá khích'.

Sau khi ông Nguyễn Hữu Linh (hiện 61 tuổi quận Hải Châu, Đà Nẵng), nguyên Phó VKS Đà Nẵng có hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy khai với cơ quan điều tra, ‘chỉ ‘nựng’ bé gái vì thấy em dễ thương’, dư luận đã dậy sóng.

Ngày 3/4, nhiều người đã dùng ảnh ông Linh gắn lên cổng nhà ông ở đường Lê Lợi, quận Hải Châu. Sau đó, một nhóm người đã đến trước cổng nhà ông Linh tạo dáng như ông đã làm với bé gái trong thang máy, chụp hình đăng lên mạng xã hội.

Những hình ảnh này nhanh chóng được cộng đồng mạng chia sẻ. Nhiều người cho rằng, họ làm vậy là muốn phản đối việc làm của ông Linh và đấu tranh để ông này phải bị xử lý hình sự về việc sàm sỡ bé gái.

'Vợ con ông Linh có thể kiện nhóm người quá khích xâm hại nhà mình'

Một nhóm người đến nhà ông Linh tạo dáng chụp hình.

Gay gắt hơn, tối 4/4, một số người đã mang chất thải ném vào nhà ông Linh và mang sơn đến viết chữ: ‘Ấ DÂM’ lên cổng.

Sáng hôm sau, nhiều người đi tập thể dục phát hiện đã báo chính quyền địa phương đến ghi nhận tình hình.

Hiện, cổng nhà ông Linh đã được sơn lại, những chất bẩn cũng được dọn đi. Trung tá Trần Khánh, Phó trưởng Công an phường Thạch Thang (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, đang trích xuất camera để truy tìm người xịt sơn, ném chất bẩn vào nhà ông Linh và sẽ điều tra để xử phạt theo quy định của pháp luật với những người quá khích.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng khoa Luật dân sự, trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng, hành động của những người xịt sơn, ném chất bẩn, gắn hình ảnh ông Linh lên cổng… dù là phản đối hành vi của ông Linh nhưng đã vi phạm quyền sở hữu tài sản của công dân. Bởi, căn nhà của ông Linh không liên quan đến việc phạm tội của ông ấy.

'Vợ con ông Linh có thể kiện nhóm người quá khích xâm hại nhà mình'

Các bẩn bị ném vào nhà ông Linh tối 4/4. Ảnh: PLO

Theo ông Tiến, phản đối để cái xấu phải trả giá là đúng, nhưng phải dựa trên cơ sở pháp luật, chứ không theo kiểu xâm phạm quyền sở hữu tài sản công dân.

Ông Tiến cũng cho rằng, việc một nhóm người đến nhà ông Linh, tạo dáng như ông ta đã làm với bé gái trong thang máy là hơi vội.

‘Hành vi của ông Linh hiện đang được cơ quan công an, VKS tiến hành điều tra. Mọi kết luận phải chờ cơ quan điều tra và kết quả tòa xử. Chúng ta đừng vội kết luận’, Tiến sĩ Tiến nói.

Vị tiến sĩ cho rằng, dù hiện nay, vợ con ông Linh không phản ứng và lộ diện, nhưng họ có quyền kiện và báo chính quyền địa phương can thiệp để ngăn chặn hành vi của nhóm người quá khích.

‘Ông Linh phạm tội là do ông ấy gây nên, không phải hành vi của vợ con, tài sản của ông ấy. Chúng ta phải tôn trọng vợ con và tài sản của ông ấy. Hãy cho họ một con đường sống. Đừng vì thỏa mãn cơn bực tức, ghét bỏ hành vi của ông Linh với bé gái mà làm những điều không đúng rồi rước họa cho mình’, ông Tiến nói.

Đồng tình, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, dù ông Linh có vi phạm pháp luật cũng không ai được quyền dùng những việc làm không đúng với ông ấy.

‘Ông ấy vi phạm đã có chế tài của pháp luật. Việc mang chất bẩn tạt vào nhà, mang sơn đến cổng viết bậy giống như một hình thức khủng bố, quá khích và gây rối. Ông ấy phạm tội nhưng vợ con, người thân ông ấy thì không’, luật sư Hoan nói.

Theo vị luật sư, những hành vi trên đã vi phạm theo nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

‘Nếu dư luận phản đối việc làm của ông Linh có thể gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền xử lý ông ấy hoặc có thể thể hiện quan điểm của mình trên mạng xã hội. Người ta sai, nhưng không thể dùng cái sai của mình để sửa cái sai của người khác được’, luật sư Hoan nhấn mạnh.

Tác giả: Diệu Thuần

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP