Bạn cần biết

Vụ bé sơ sinh 22 ngày tuổi bị rắn cắn tử vong: Chuyên gia bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo cách phòng tai nạn này

Vụ việc bé sơ sinh 22 ngày tuổi bị rắn cạp nia bò lên giường cắn tử vong đang khiến các bà mẹ dấy lên mối lo lắng.

Bí kíp phòng rắn cắn

Thông tin về vụ việc bé sơ sinh tại Hà Tĩnh bị rắn cạp nia cắn tử vong lan truyền khắp trên mạng xã hội. Được biết bé là con trai út, mới sinh được 22 ngày. Gia đình mới xây nhà, phòng ngủ rất kín đáo, xung quanh khuôn viên có một vài cây bụi, song không quá rậm rạp. Đây có thể là mấu chốt khiến rắn có nơi ẩn nấp và đêm đến bò vào nhà.

Nhiều bà mẹ rùng mình sợ hãi bởi “tử thần” có thể cướp đi ngay đứa con đang nằm trong tay họ. Làm thế nào để tránh bị rắn cắn là mối quan tâm của nhiều gia đình sau vụ tai nạn đáng tiếc này.

Theo bác sĩ ThS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, mùa mưa ẩm là mùa rắn sinh sôi, phát triển.

“Đặc biệt cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, khi có lũ lụt, mùa màng thu hoạch và thời gian ban đêm. Người dân hãy cố gắng đi ủng, dày cao cổ và quần dài, đặc biệt khi đi trong đêm tối, đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong rừng hoặc đi ở khu vực nhiều cây cỏ.

Càng tránh xa rắn càng tốt, không biểu diễn rắn, không đe doạ rắn, không cầm, không trêu rắn ngay cả khi rắn đã chết. Bởi đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn người. Không bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín”, ThS. Nguyễn Trung Nguyên cho biết.

Bàn tay bệnh nhi bị hoại tử vì rắn cắn. Ảnh: BVCC

Nhiều người có thói quen ngủ trực tiếp trên nền đất, đặc biệt là mùa hè. Tuy nhiên, bác sĩ Trung Nguyên khẳng định việc làm này sẽ khiến người dân trở thành “con mồi” cho rắn nếu chẳng may rắn bò vào nhà.

Việc thiết kế, bố trí nhà cửa cũng là một yếu tố quan trọng để tránh bị rắn “hỏi thăm”.

“Không sống ở gần các nơi rắn thích cư trú hoặc thích đến như các đống gạch vụn, đống đỏ nát, đống rác, tổ mối...

Người dân nên thường xuyên kiểm tra nhà ở xem có rắn không, nếu có thể thì tránh các kiểu cấu trúc nhà tạo điều kiện thuận lợi cho rắn ở như nhà mái tranh, tường xây bằng rơm, bùn với nhiều hang, hốc hoặc vết nứt, nền nhà nhiều vết nứt”, ThS. Trung Nguyên nhấn mạnh.

Tuyệt đối không tự áp dụng kinh nghiệm dân gian trị rắn cắn

Ths. BS. Nguyễn Thành Nam, Phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết Khoa Nhi có tuần tiếp nhận đến 3 ca trẻ em bị rắn cắn nhập viện.

Các ca bệnh tập trung phần lớn ở các vùng trung du, miền núi của Hà Tây cũ, Lai Châu, Hòa Bình, Bắc Cạn, Yên Bái.

Có rất nhiều bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng muộn, xuất hiện tình trạng sưng nề, hoại tử lan rộng. Đáng lo ngại có những bệnh nhân rắn cắn ở vùng mắt cá chân, ngón chân nhưng tự áp dụng kinh nghiệm dân gian điều trị, đến khi sưng nề đến tận đùi mới chịu nhập viện điều trị. Lúc này, việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn.

Sai lầm khi xử lý bị rắn cắn có thể khiến bệnh nhân mất mạng. Ảnh: BSCC

“Sai lầm lớn nhất khi bị rắn cắn là người nhà loay hoay áp dụng kinh nghiệm dân gian, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp tím tái, co cơ, khó thở hoặc sưng nề, hoại tử diện rộng thì mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế.

Tất cả biện pháp như cố gắng hút nọc độc của rắn, trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn, gây điện giật, chườm đá, sử dụng “hòn đá chữa rắn cắn”, sử dụng các loại thuốc dân gian, gắng bắt hoặc giết rắn đều không mang lại hiệu quả điều trị, chưa có cơ sở khoa học chứng minh, thậm chí còn khiến tính mạng người bệnh thêm nguy kịch”, ThS. Thành Nam nói.

ThS. Thành Nam khuyến cáo khi bị rắn cắn, người thân cần động viên bệnh nhân bình tĩnh, hạn chế tối đa vận động, bất động tay chân bị rắn cắn bằng nẹp để tránh nọc độc xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn.

Đặc biệt cần băng ép bất động khi bị rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển cắn.

Sau đó, gia đình cần lập tức đưa bệnh nhân đến một cách nhanh nhất, an toàn nhất đến cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.

“Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện, ít nhất trong 12 giờ đầu.

Bởi nếu bị rắn độc cắn, bệnh nhân đến bệnh viện trễ sau 12-24 giờ đầu, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.

Không nên mất thời gian đi tìm thuốc lá hoặc thầy lang vì việc làm này sẽ mất cơ hội cứu chữa tại bệnh viện”, ThS. Thành Nam cho hay.

Những sai lầm trong cách xử lý khi bị rắn cắn

Garô: Garô làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch, gây đau, rất nguy hiểm và không thể duy trì lâu (không quá 40 phút), chân tay rất dễ bị thiếu máu nguy hiểm.

Chích, rạch, trâm, chọc tại vùng vết cắn: Các nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy các biện pháp này không có lợi ích, rõ ràng gây hại thêm cho bệnh nhân, gây tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh, nhiễm trùng nặng thêm.

Hút nọc độc: Không có lợi ích với bệnh nhân bị rắn cắn, thậm chí làm vết thương nặng thêm.

Gây điện giật: Biện pháp này chưa bao giờ được chứng minh có lợi ích, thậm chí có thể gây hại thêm cho bệnh nhân.

Chườm đá (chườm lạnh): Việc chườm đá đã được chứng minh rõ ràng có thể gây hại. Sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền đắp tại vết cắn dễ gây nhiễm trùng thêm, thuốc uống có thể gây hại cho nạn nhân.

Cố gắng bắt hoặc giết rắn: Nếu rắn đã chết hoặc bắt được rắn, người nhà phải đem cùng với bệnh nhân đến bệnh viện để nhận dạng.Tuy nhiên, ngay cả đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn người. Người dân cần cẩn thận khi mang rắn theo.

Tác giả: Thu Hà

Nguồn tin: phunusuckhoe.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP