Tin trong tỉnh

Vụ "giải cứu" 17 con hổ: Vì sao 8 con chết bất thường?

Theo Thượng tá Thịnh, quá trình giải cứu hổ có bác sĩ thú y gây mê. Việc hổ chết có liên quan đến kỹ thuật gây mê hay không, ông cho biết đây là vấn đề chuyên ngành thú y, ông không thể khẳng định.

Kiểm tra nhiều nhưng không phát hiện!

Liên quan đến vụ Công an tỉnh Nghệ An đột nhập bắt quả tang 2 hộ dân nuôi nhốt trái phép 17 con hổ, đại diện Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết, hàng tuần, hàng tháng kiểm lâm đều tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát trên địa bàn nhưng không dễ phát hiện việc người dân nuôi nhốt hổ.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Bính - Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An - cũng cho biết, các năm qua, đơn vị, cơ quan chức năng trực thuộc có lập nhiều đoàn kiểm tra nhưng không phát hiện.

Hổ nuôi trái phép tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành vừa được Công an tỉnh Nghệ An triệt phá thành công.

Như trong năm 2020, đơn vị đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, kiểm tra chuyên ngành nhưng không phát hiện được gì.

"Riêng tại địa bàn huyện Yên Thành, chi cục có đi kiểm tra mà không phát hiện được gì. Như hôm trước cán bộ chi cục đi bắt quả tang cùng công an mới thấy họ nuôi rất kín, nuôi trong hầm thì khó mà biết được", ông Bính nói.

Thượng tá Trần Phúc Thịnh - Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An - cho biết, chuyên án bắt các vụ nuôi nhốt hổ trái phép tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành đã được công an tỉnh này xác lập vào năm 2020.

Sau một thời gian dài thu thập đầy đủ chứng cứ, Công an tỉnh quyết định phá án. Rạng sáng 4/8, Công an tỉnh Nghệ An đồng loạt ra quân kiểm tra đột xuất và phát hiện 2 cơ sở nuôi nhốt trái phép 17 cá thể hổ như đã thông tin.

Chưa thể khẳng định có liên quan gây mê hay không

Về việc 8 con hổ tang vật bị chết bất thường, Thượng tá Trần Phúc Thịnh xác nhận, trong quá trình vận chuyển 17 cá thể hổ đi chăm sóc thì 8 cá thể hổ đã chết. 9 con còn lại được chăm sóc tốt, sức khỏe đang phục hồi.

"Việc bắt giữ, gây mê và vận chuyển đến nay có một số cá thể bị chết. Đây là tang vật của vụ án nên chúng tôi đang làm các thủ tục theo quy định và cấp đông để bảo quản nguyên vẹn các cá thể hổ chết, phục vụ công tác điều tra", Thượng tá Thịnh nói thêm.

Cũng theo Thượng tá Thịnh, quá trình giải cứu hổ có huy động bác sĩ thú y gây mê hổ. Việc hổ chết có liên quan đến kỹ thuật gây mê hay không, ông cho biết đây là vấn đề chuyên môn ngành thú y, ông không thể khẳng định.

Trong số 17 con hổ được "giải cứu" thì có 8 con đã chết.

Ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) chia sẻ: Những cá thể hổ trong quá trình giải cứu bị chết là sự việc ngoài mong muốn của cơ quan chức năng. Nhưng điều quan trọng trong việc bảo tồn động vật hoang dã lâu dài là cần phải phá án, bắt giữ được các đối tượng mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã để răn đe, giáo dục.

Ông Thái cho biết thêm, những cá thể hổ đã được giải cứu này không thể tái thả về môi trường tự nhiên mà chỉ có thể đưa vào các khu bảo tồn chăm sóc bởi hổ đã được nuôi nhốt từ lâu, mất khả năng săn mồi, mất khả năng sinh tồn trong tự nhiên và nếu về với tự nhiên có thể sẽ chết.

Ngoài ra, những con hổ này do được nuôi nhốt bởi con người từ lâu, đã quá quen với sự có mặt của con người nên nếu thả về tự nhiên, chúng có thể quay trở lại khu vực dân cư để tấn công người.

Trao đổi qua điện thoại với PV Dân trí về việc 8 con hổ bị chết, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho biết, hiện ông vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào phía cơ quan Công an Nghệ An cung cấp. "Hiện nay công an đang xử lý. Tôi chưa nhận được báo cáo nào".

Người dân hiếu kỳ kéo đến xem lực lượng chức năng đưa 17 con hổ ra khỏi hầm nuôi nhốt nhà dân.

Sáng 6/8, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) đã tặng thưởng tập thể Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An 50 triệu đồng; Tập thể đội 2 - Phòng Cảnh sát môi trường số tiền 30 triệu đồng và 7 cá nhân có thành tích xuất sắc, mỗi cá nhân 10 triệu đồng (bao gồm Giấy khen và tiền thưởng).

Thượng tá Trần Phúc Thịnh báo cáo vụ việc bắt giữ 2 hộ gia đình nuôi nhốt hổ trái phép.

"Nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về nuôi nhốt, vận chuyển, mua bán động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm là nhiệm vụ thường xuyên, kiên trì, bền bỉ, lâu dài và đặc biệt khó khăn do loại tội phạm này có tính chất xuyên quốc gia và lợi nhuận thu được từ việc buôn bán mặt hàng này rất cao...", Thượng tá Trần Phúc Thịnh nhận định và đánh giá chuyên án lần này của Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An là rất xuất sắc.

Ông Nguyễn Văn Thái (áo trắng) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam trao thưởng cho ban chuyên án Công an tỉnh Nghệ An.

Tác giả: Nguyễn Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP