Xe

Yamaha triệu hồi hàng loạt xe phân khối lớn tại Việt Nam

Hãng xe máy Nhật Bản chính thức triệu hồi ba dòng xe phân khối lớn tại Việt Nam, bao gồm hai mẫu sport và một mẫu naked-bike, với hai lỗi cùng lúc xảy ra ở hệ thống làm mát động cơ và cần chuyển số.

Yamaha Việt Nam cùng lúc triệu hồi ba mẫu xe phân khối lớn với những lỗi giống nhau

Cụ thể, sẽ có 1.361 chiếc R3 (880 chiếc), R25 (1 chiếc) và MT-03 (480 chiếc) do Yamaha Việt Nam phân phối chính thức cần được triệu hồi để thay thế ống cao su dẫn nước làm mát động cơ, và thay thế luôn lò xo cần chuyển số.

Các mẫu xe có thời gian sản xuất khá rộng và không liên tục, cụ thể như sau:

1: Từ 07/07/2014 đến 24/11/2017
2: Từ 04/06/2015 đến 10/06/2016
3: Từ 20/02/2017 đến 24/11/2017

Các chủ xe có thời gian sản xuất tương ứng nên liên hệ trực tiếp với các đại lí chính thức của Yamaha để có thông tin chuẩn xác hơn về mẫu xe mình đang sử dụng.

Lò xo cần chuyển số trên R3, R25 và MT-03 có nguy cơ bị gãy

Theo lí giải từ Yamaha Việt Nam, các mẫu xe nằm trong diện triệu hồi có hiện tượng nước làm mát bị rò rỉ qua các vết nứt của ống cao su dẫn nước làm mát (do chất lượng ống không đảm bảo tiêu chuẩn). Ngoài ra, các mẫu xe này có tình trạng khó chuyển số trong quá trình sử dụng, nguyên nhân là do công đoạn khử ứng suất (*) tập trung chưa đủ so thiết kế dẫn đến lò xo bị nứt, thậm chí có thể bị gãy, gây khó khăn cho quá trình chuyển số.

Ống dẫn hệ thống nước làm mát động cơ trên MT-03

Đợt triệu hồi này của Yamaha Việt Nam sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 6/12/2019 tại tất cả các đại lí chính thức, với thời gian kiểm tra và sửa chữa (dự kiến) hết 3 giờ 40 phút/xe, với toàn bộ chi phí do Yamaha Việt Nam chịu.

Đáng chú ý, đối với các xe thuộc diện triệu hồi do công ty khác phân phối, hay dạng di chuyển tài sản, ngoại giao…, Yamaha Motor Việt Nam sẵn sàng trợ giúp, liên hệ để kiểm tra thông tin và thay thế miễn phí nếu được yêu cầu từ tập đoàn.

(*) Khử ứng suất là công đoạn xử lí sức căng vật liệu trong qua trình gia công vật phẩm từ thỏi đúc đến thành phẩm. Các khâu gia công có thể tạo thành ứng suất dư có thể kể đến: cán, đúc, rèn hoặc cắt, uốn, kéo, gia công cơ (tiện, phay,...) và nguyên công hàn. Trong các quá trình gia công này, ứng suất dư sẽ xuất hiện khi vật liệu chịu áp lực vượt quá giới hạn đàn hồi và quá trình chảy dẻo xảy ra.

Tác giả: Việt Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP