Giới trẻ

227 trang "sao kê giao dịch" của "quỹ Hằng Hứu" mà cậu IT Nhâm Hoàng Khang đăng tải hình như có gì đó sai sai?!

Tờ sao kê cậu IT Nhâm Hoàng Khang đăng tải trên trang cá nhân có gì đó không hợp lý?!

Tối nay 15/9, ngay sau khi cậu IT Nhâm Hoàng Khang đăng tải tờ sao kê đầu tiên được cho là của một quỹ từ thiện khiến dân tình hoang mang. Tuy nhiên, nhìn kỹ lại chi tiết của tờ sao kê này lại có nhiều điểm "bất bình thường".

Cụ thể, theo Wikipedia, ngân hàng UDB (Uganda Development Bank Limited) trong tờ sao kê là Ngân hàng Phát triển Nhật Bản Limited là một ngân hàng phát triển thuộc sở hữu của chính phủ ở Uganda và dĩ nhiên là không có trụ sở ở Việt Nam.

Theo đó, địa chỉ trên tờ sao kê cũng chỉ là một địa chỉ giả, không thực tế. Bởi nó được ghi cụ thể như sau:

"Ngân hàng Phương Xa (UDB)

Hội sở chính: 99 Lê Hỏi Lể, phường Bến Cũ, quận Xưa"

Do đó, nhiều người khẳng định đây chỉ là một tờ sao kê giả, không có giá trị được xác thực.

Tờ sao kê nhanh chóng nhận được sự quan tâm và bàn tán của cư dân mạng.

Đây chỉ là một địa chỉ "ảo".

Xôn xao những ngày trước đó, cậu IT - Nhâm Hoàng Khang đã có những chia sẻ trên trang cá nhân của mình về việc "hứa" sẽ tung bảng sao kê của một quỹ từ thiện đang gây xôn xao cộng đồng mạng.

Và tối nay (15/9), cậu Nhâm Hoàng Khang đã đăng tải một loạt bài viết kèm hình ảnh với hình thức bảng "liệt kê" các thông tin chuyển khoản, kèm số tiền tương ứng với tổng số 227 trang tên "Quỹ Hằng Hứu" từ ngày 1/1/2019 đến ngày 1/9/2021.

Theo tìm hiểu, vấn đề tiết lộ sao kê hoặc thông tin tài khoản của người khác có thể truy cứu là hành vi vi phạm pháp luật.

Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, luật sư (LS) Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, việc tiết lộ thông tin tài khoản khách hàng nếu không được khách hàng đồng ý hoặc không thuộc các trường hợp pháp luật cho phép là hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Điều 14 luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Căn cứ theo bộ luật Dân sự 2015 (BLDS), hành vi phát tán thông tin giao dịch ngân hàng nếu gây thiệt hại phải bồi thường. Theo khoản 2, Điều 387 BLDS 2015, trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo khoản 3, Điều 387 BLDS 2015.

Đồng tình với quan điểm trên, LS Lê Trung Phát (đoàn LS TP.HCM) cho biết thêm, theo quy định về "bảo mật thông tin" tại Điều 14 của luật Các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi 2017, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng.

Do đó, hành vi để lộ sao kê tài khoản ngân hàng của khách hàng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 30 - 40 triệu đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 47 Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Riêng nếu tổ chức tín dụng vi phạm, thì mức phạt là gấp hai lần mức phạt này.

Tác giả: CAS

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP