Khoảng 400.000 người dân phải sơ tán suốt đêm. Ít nhất 30 người đã thiệt mạng từ khi lũ lụt bắt đầu tuần trước.
“Chính phủ đã mở hơn 1.000 nơi sơ tán nhưng do nước sâu và thiếu phương tiện liên lạc, nhiều người không thể tới nơi”, Raihana Islam, quan chức phòng chống lũ huyện Bogra cho hay.
Người dân huyện Gaibandha, tây bắc Bangladesh, sơ tán hôm 18/7. Ảnh: Reuters. |
Nhiều người buộc phải cắm trại trên bờ đê, đường sắt và đường cao tốc, nơi giao thông đang đình trệ. Ngoài nỗi lo thiệt hại cây trồng, chính quyền cũng e ngại nước lũ ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi.
Mưa lớn và nước sông dâng cao đang gây ngập lụt ở 23 huyện ở phía bắc và tây bắc Bangladesh. Lũ lụt tồi tệ hơn khi ba đoạn đê trên sông Brahmaputra bị vỡ cuối ngày hôm qua, theo Mohammad Moniruzzaman, quan chức Bộ Nông nghiệp Bangladesh.
Phát biểu trước báo giới, ông Farhan Haq), phó phát ngôn viên Liên Hợp Quốc cho biết, trong khi Bangladesh có tới hơn 700 con sông rất dễ có nguy cơ nước dâng cao tràn bờ gây lũ lụt, thì tình hình có vẻ càng nghiêm trọng hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các sông băng tan chảy ở dãy Himalaya đổ dòng chảy về Bangladesh khiến nguy cơ thiên tai diễn biến thêm phức tạp.
Chương trình Lương thực Thế giới đang phối hợp với các cơ quan chính phủ Bangladesh và chính quyền các địa phương để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở đất nước với 161 triệu dân này.
Chính phủ Bangladesh tích cực cung cấp thực phẩm, nơi ở và hỗ trợ tiền mặt khẩn cấp cho nạn nhân vùng lũ. Liên Hợp Quốc cùng các đối tác nhân đạo quốc tế cũng đang ra sức hỗ trợ chính phủ Bangladesh trong công tác cứu trợ các khu vực bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan.
Mùa mưa ở Nam Á xảy ra từ tháng 6 tới tháng 10, thường xuyên có lũ vào cuối mùa, nhưng cường độ năm nay như ở Bangladesh rất hiếm.
“Độ nghiêm trọng của lũ năm nay tệ hơn nhiều so với những năm gần đây”, Ari Ariful Islam, kỹ sư của Ủy ban Phát triển Thủy lợi Bangladesh nhận định.
Tác giả: Mai Dung
Nguồn tin: Moitruong.net.vn