Trên lưng, mặt, tay, chân... đều là những vết thương do bị chủ quán bánh xèo ở Bắc Ninh tra tấn hơn 1 tháng nay. Ảnh: Tùng Giang. |
1 tháng ăn đòn thay cơm
Trưa 23.11, em Trương Quang D (2006, Hành Phước, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) - người bị đánh đập liên tục 1 tháng nay kể lại:
"Em được anh trai ruột đưa đến Bắc Ninh bằng xe khách để làm việc tại quán bánh xèo từ cuối tháng 9.2020.
Em làm phục vụ tại quán, hàng ngày cùng một nhân viên nữa làm việc phụ như: rửa bát, quét nhà, lau sàn, bưng bê... Tháng đầu tiên, nhà chủ có cho ăn ngày 2 bữa và không đánh đập nhưng không trả lương cho em.
Em làm việc từ 3h sáng đến tối muộn và tối nằm ngủ đất. Nhưng 1 tháng nay, ngày nào em cũng bị chủ quán dùng cối đập đá đánh vào đầu có lúc là chảo chiên bánh xèo nóng dí vào tay, cào vẩy cá đánh vào lưng. Ngày nào cũng đánh em và có ngày còn đánh 3-4 lần vì bực".
Những vết thương trên tay em H do bị chảo chiên nóng tra tấn tay. Ảnh: Tùng Giang. |
Theo em D, bà chủ thường lôi em ra sau nhà và đánh em. Mỗi lần đánh đều không rõ lý do, có lúc bà Tuyết bực tức người khác cũng đánh D và cả anh Đ (nhân viên phục vụ quán bánh xèo).
"Do không được ăn cơm nên 2 anh em phải ăn lại đồ thừa của khách. Bà chủ biết bọn em ăn sẽ đánh. Em có kêu cứu cũng chẳng ai biết để cứu. Bà chủ vừa đánh vừa chửi "Con chó này!". Em cũng bị ông chủ tát vào mặt và đá vào người, chắc khoảng 10 lần. Có lần khách hàng thấy thương, người ta cho em 50 nghìn đồng, bà chủ biết được giành lấy tiền trả lại khách. Sau đó, bà chủ lôi em ra sân sau và đánh em - D kể lại".
Chỉ muốn thoát khỏi cảnh đánh đập
Làm việc ở quán bánh xèo không khác gì sống ở địa ngục,. Không tiền lương, không cơm ăn và không được coi là con người, nhiều lần D cũng nghĩ cách bỏ trốn nhưng do không có cơ hội và không biết đường sá.
D nói tiếp: "Em ở đây 2 tháng và không được đi đâu cả. Trước hôm bỏ trốn em bị đánh nặng nhất đánh từ sáng, rồi trưa cũng đánh. Khoảng 17h hôm 21.11, chủ nhà đi đón con nên em đã bỏ trốn. Em đi chẳng kịp mang theo gì. Lúc đó chẳng nghĩ được gì mà chỉ biết chạy được xa nhất có thể thôi. Có lúc em chạy, lúc mệt thì em đi bộ. Em muốn bỏ trốn lâu rồi mà do em không biết đường và sợ nếu bà chủ biết sẽ đánh đau hơn".
Khoảng 21h, em gặp 1 người dân ở Yên Phong (Bắc Ninh). Chú đó cho em ăn cơm và sơ cứu qua vết thương. Sau đó, chú có báo công an và đưa em đến bệnh viện.
Theo em D, gia đình em nghèo không có tiền nên D chỉ học hết lớp 8. D là con út trong gia đình có 3 anh chị em, mẹ của D mất sớm, bố bệnh nặng. Đây là lần đầu D xa quê đi làm việc.
Hiện em Trương Quang D đang được điều trị tại bệnh viện Đa khoa Yên Phong (Bắc Ninh). Chia sẻ với Lao Động ông Lưu Văn Mùi - Phó Chủ tịch huyện Yên Phong cho biết:
"Ngày 22.11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Phong đã ra lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc và ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Thị Ánh Tuyết về hành vi “hành hạ người khác” theo quy định tại điều 140 Bộ luật hình sự. Lãnh đạo huyện chỉ đạo công an huyện Yên Phong phối hợp cùng các cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc. Đối với các nạn nhân sẽ được điều trị tại bệnh viện".
Tác giả: NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn tin: Báo Lao động