Xã hội

6 ngày Tết, gần 2.900 người nhập viện cấp cứu vì... đánh nhau

Bộ Y tế cho biết trong 6 ngày nghỉ Tết có 24.588 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông; gần 2.900 ca cấp cứu do đánh nhau.

Cả nước ghi nhận 1.556 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, ít hơn 26 ca so với cùng kỳ năm ngoái.

2.838 ca cấp cứu do tai nạn đánh nhau, chiếm 2% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 1.245 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 195 trường hợp tử vong.

Cấp cứu bệnh nhân tại BV Việt Đức Ảnh: Thái Hà

Cả nước có tổng cộng 12.364 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động, chiếm 8,4% trong tổng số khám, cấp cứu bệnh viện, trong đó 527 trường hợp đã tử vong.

Số ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông chiếm 12,7% trong tổng số khám, cấp cứu chung. Trong đó 6.827 trường hợp phải nhập viện điều trị chiếm 30,6% trong tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm 23,1% so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021.

Trong những ngày nghỉ Tết Nhâm Dần vừa qua, số trường hợp phải nhập viện do tai nạn pháo nổ tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 316 trường hợp cấp cứu do tai nạn pháo nổ các loại (nhiều hơn 29 trường hợp so với cùng kỳ năm trước), không có ca tử vong. Ngoài ra có 34 người khác phải cấp cứu do chất nổ khác.

Bộ Y tế cũng cho biết ghi nhận trong ngày Mùng 4 Tết tổng số ca khám, cấp cứu rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thức ăn là 74 trường hợp, giảm 44,8% so với cùng ngày Tết Tân Sửu 2021, trong đó 59 trường hợp được xác định là ngộ độc/say rượu, bia giảm 45,4% so với cùng ngày Tết Tân Sửu 2021.

Ghi nhận 3 trường hợp khai do ngộ độc thức ăn tự chế biến, giảm 40,0% so với cùng ngày Tết Tân Sửu 2021, chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm. Trong 5 ngày nghỉ Tết đã có 486 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, chiếm 0,3% trong tổng số khám, cấp cứu.

Bộ Y tế cho biết trong ngày 5/2 - tức mùng 5 Tết, các cơ sở y tế trên cả nước đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 3.011 trẻ chào đời, nâng tổng số em bé chào đời trong 6 ngày Tết Nguyên đán (từ 29 Tết đến mùng 5 Tết) lên 8.119 ca.

Nhận định về tình hình dịch COVID-19, Bộ Y tế cho biết dịch cơ bản đang được kiểm soát trên cả nước. Số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm. Tuy nhiên cũng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng ca nhiễm sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến chủng Omicron...

Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.

Tuy vậy, theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, số mắc mới vẫn tiếp tục ghi nhận tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron và thậm chí có thể sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người già, người có bệnh nền).

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 6/2 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 393.448.990 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.751.075 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 2.133.623 và 7.619 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 312.276.359 người, 75.421.556 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 91.487 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Pháp dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 214.542 ca nhiễm mới; Nga đứng thứ hai với 177.282 ca; tiếp theo là Đức (166.620 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 907 người chết trong ngày; tiếp theo là Ấn Độ (865 ca) và Brazil (733 ca).

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 77.600.797 người, trong đó có 925.511 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.184.623 ca nhiễm, bao gồm 502.008 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 26.473.273 ca bệnh và 631.802 ca tử vong.

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 134,5 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 103,6 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 90,9 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 50,29 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,17 triệu ca và châu Đại Dương trên 2,9 triệu ca nhiễm.

Theo thống kê của trang worldometers.info, trong 24h qua, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 85.554 ca mắc mới COVID-19 và 200 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 17.002.968 trường hợp, và 315.233 ca tử vong. Toàn khối có 15.892.732 bệnh nhân đã bình phục.

Tác giả: Hà Minh

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP